• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

UBND tỉnh quyết định duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình bảo quản, tu bổ di tích đình Phú Mỹ (hạng mục: Chánh điện)

UBND tỉnh vừa quyết định duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi sơn son thếp vàng hiện vật di tích đình Phú Mỹ (hạng mục: Chánh điện) tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch.
 đình Phú Mỹ.jpg

​​Đình Phú Mỹ

Di tích đình Phú Mỹ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 3525/QĐCT-UBND ngày 10/10/2005. Đình Phú Mỹ được xây dựng trên một ngọn đồi dốc thoải có diện tích 7.358m2 với nhiều phong cảnh đẹp. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ như dầu, sao, đa …. bóng cây tỏa mát quanh năm tạo cho phong cảnh đình thêm cổ kính. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng trong kịch bản phim tư liệu “Đồng Nai danh lam cổ tự” đã nhận xét: “Đình Phú Mỹ là một trong những ngôi đình còn sót lại ở Đồng Nai tiêu biểu cho tính chất chuẩn mực quy mô và kiểu thức của một ngôi đình làng nông thôn ở miền Đông Nam bộ”. 

Bên cạnh việc thờ thần thành hoàng, đình Phú Mỹ còn thờ “tiền hiền, tiền hậu” - là những bậc tiền bối có công sức, tiền của để gây dựng làng xã và lập đình trong những ngày đầu khai phá cùng một số thần linh khác như thần nông, thần hổ…Ngoài chức năng thờ thần, đình Phú Mỹ còn là nơi gặp gỡ, trao đổi công tác của cán bộ hai xã Phú Hội và Phú Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chấm dứt vào năm 1966. Là nơi dạy chữ Quốc ngữ cho con em xã Phú Mỹ. Không chỉ có thế, cũng chính tại ngôi đình này 30 năm trước đã ghi dấu một nghĩa cử thiêng liêng của người dân Phú Hội với Bác Hồ kính yêu mà ngày nay con cháu các thế hệ nối tiếp nhau ở Phú Hội dù đi đâu cũng nhớ tới lễ Kỳ Yên cúng đình hàng năm (16/11âm lịch) tìm về để được dâng hương cho linh hồn Bác ở nơi tôn nghiêm nhất của làng.

Diện tích của đình mở ra bốn phía bằng bộ kèo đâm và bộ kèo quyết đều nhau vuông vức, không tường bao, mái lợp ngói âm dương được bố trí song song theo kiểu chữ tam gồm tiền đình, chánh điện, nhà khách và nhà bếp. Trải qua thời gian dài tồn tại cùng với điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên các hiện vật tại di tích (khu vực chánh điện) bị xuống cấp khá nghiêm trọng, cụ thể: Các hiện vật hoành phi, câu đối, khám thờ, bàn thờ…tại di tích đều được làm từ các loại gỗ nên hiện tại đã bị xuống cấp, bong tróc, ẩm mục, nấm mốc, mối mọt xâm hại, toàn bộ bề mặt đã bị phủ bằng lớp sơn công nghiệp. Hệ thống hoành phi, câu đối trong chánh điện bị nấm mốc, mối mọt xâm hại dẫn đến tình trạng các khớp mộng đã bị hư hỏng, nứt mục, bị gãy hoa văn trang trí. Không những thế, toàn bộ bề mặt hoành phi, liễn đối còn bị phủ bằng lớp sơn công nghiệp dẫn đến bong tróc ảnh hưởng tới sự tồn tại của hiện vật, làm giảm tuổi thọ của hiện vật.

Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi, sơn son thếp vàng hiện vật di tích đình Phú Mỹ (hạng mục: Chánh điện) nhằm tránh sự hư hỏng tiếp theo, kéo dài tuổi thọ cho các hiện vật tại di tích, góp phần tham gia tích cực vào việc phát triển văn hóa địa phương, tạo sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tăng thêm tính phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật ở Đồng Nai./.​

                                                                                                                                            Trần Nhung - QLVHTTDL