• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

DU LỊCH

Rau Choại... Khám phá vùng đất Nhơn Trạch từ những điều bình dị

Rau choại hay còn gọi là rau chạy, một loại cây thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên thành những trảng lớn ở những vùng ẩm thấp, ven các bờ suối. Rau choại là món ăn dân dã, từ lâu đã âm thầm vang danh làm nên nét phong phú trong văn hóa ẩm thực vùng đất phía Tây Nam tỉnh Đồng Nai

Một góc Nhơn Trạch.jpg
Một góc Nhơn Trạch
Nhơn Trạch  là 1 huyện của tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 50 km, nơi có nhiều con sông chảy lớn  chảy qua như: Sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh, sông Thị Vải... vì vậy, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều điểm du lịch dựa vào dòng sông con nước thu hút khách du lịch đến trải nghiệm như: KDL Bò Cạp Vàng, KDL làng Tre Việt, làng bè Phước An, khu nghỉ dưỡng sinh thái Chi - Bu, đặc biệt là Rừng Sác - vùng đất oai hùng gánh vác sứ mệnh lịch sử cùng dân tộc đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Chống Mỹ...

Về Nhơn Trạch, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng, mang đậm văn hóa của người dân địa phương như: Bánh bèo Phú Hội, chem chép nấu điều non, canh chua cá thòi lòi... và món rau choại xào tỏi luôn là niềm thương nỗi nhớ khiến du khách không quên khi nhớ về Nhơn Trạch.

1537804967.jpg
Rau Choại xòa tỏi - món ngon Nhơn Trạch
Tôi được thưởng thức món rau choại trong một dịp về Nhơn Trạch, chủ nhà hồ hởi giới thiệu thực đơn cơm đãi khách và rất “tự tin” khi nói về món ăn này như biết chắc là khách sẽ hài lòng. Trên mâm cơm “nhà quê” đãi khách nào là thịt kho tộ, cá đối nướng, canh chua thì món rau choạixào tỏi lại chiều lòng được nhiều người nhất.

Qua tìm hiểu trên các clip văn hóa ẩm thực và du lịch được biết loại rau này mọc rất nhiều ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên với tên gọi là rau dớn; vì mọc ở địa thế là vùng cao, có khí hậu mát mẻ, độ ẩm thấp nên đọt rau sẽ to và có màu xanh non mơn mỡm hơn các vùng khác. Còn vùng đất Nhơn Trạch nhiệt độ nóng hơn nên đọt rau có màu xanh nâu, cọng nhỏ và người dân địa phương gọi là rau choại hay rau chạy.

Nghe cái tên rau cũng khiến cho mọi người không khỏi thắc mắc, lý giải cho tên gọi này là do đặc tính của cây mọc hoang bên bờ suối, kênh rạch, những nơi ẩm thấp nước xăm xắp nên có rất nhiều đỉa, vắt sinh sống,người hái phải nhanh tay kiểu vừa hái vừa chạy nên cây mới có tên gọi như vậy.

Rau choại được bày bán dọc đường vào các điểm du lịch tại Nhơn TRạch.jpg
Rau choại được bày bán ở Nhơn Trạch
Loại rau này chỉ ăn được phần ngọn còn non khoảng gần 1 gang tay, khi mà đầu ngọn uốn cong, lơ thơ hai hàng lá nhỏ, non tơ trên cùng cong quéo lại như cái móc câu. Rau choại sinh trưởng tự nhiên, ra đọt nhiều và ngon nhất là từ đầu đến giữa mùa mưa. Sau đó các đọt này nhanh chóng trở thành những cành lá xanh um không ăn được nữa. Vì vậy, muốn thưởng thức phải chờ đến mùa mưa năm sau.

Muốn thu hoạch được rau ngon thì người dân phải hái từ sáng sớm, khi sương đêm còn đọng trên lá, công đoạn thu hoạch rau cũng rất công phu, tỉ mỉ. Phải dùng tay ngắt từng đọt một, khi vừa một ôm bàn tay thì buộc lại thành từng bó. Vì rau mọc hoang nên sản lượng rau thu hoạch không nhiều, khó có thể tìm mua rau choại tại các chợ truyền thống hay trong siêu thị hiện đại nên rau mặc nhiên trở thành “của hiếm”, đặc sản của người dân Nhơn Trạch.

Để giữ nguyên hương vị riêng của rau, người dân Nhơn Trạch thường chế biến theo cách đơn giản và nêm rất ít gia vị như luộc hoặc xào tỏi... Cái vị ngọt mát nơi đầu lưỡi, có phần hơi nhớt, cọng rau giòn giòn, ăn rất ngon miệng.

Để ra được một mẻ rau choại ngon thì người nấu cũng phải tinh tế và biết cách chế biến. Đối với món rau choại xào tỏi có thể tham khảo theo cách sau:

Bước 1: Rửa rau với nước sạch và ngâm với ít muối hạt, vớt ra rổ để cho ráo nước. Sau đó, trụng qua nước sôi và ngâm rau với nước đá giúp giữ được màu xanh và độ giòn của rau.

Bước 2: Phi tỏi thơm, cho rau choại vào đảo nhanh tay với lửa lớn, nêm chút nước mắm ngon rồi tắt bếp.

Bước 3: Lấy rau ra dĩa và rắc một ít tiêu xay lên trên. Để tăng thêm vị ngon của rau, có thể dùng kèm với nước tương thêm chút ớt xắt.

Tùy vào bản sắc văn hóa ẩm thực của từng vùng miền mà ta có được nhiều món ăn ngon từ cùng một nguyên liệu. Về miền Tây,du khách có thể thưởng thức món canh chua tôm rau choại hay dùng làm rau xanh ăn chung với lẩu mắm. Lên với Tây Nguyên lại có món rau dớn luộc chấm với các loại nước kho, hoặc chấm với muối hạt giã lá é rừng và ớt xanh. Riêng với vùng đất Tây Bắc, người ta thường xào rau dớn (rau choại) với lòng gà, lòng vịt hay lam với cá suối (bỏ vào ống tre thêm chút bột canh và rắc thêm chút hạt mắc khén - một loại gia vị đặc trưng riêng của núi rừng Tây Bắc). Dù chế biến như thế nào thì hương vị của món rau này rất riêng biệt, lạ miệng và tạo được ấn tượng đối với người dùng.

Dù mỗi vùng rau có tên gọi và cách chế biến khác nhau nhưng rau choại vẫn được xem là món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương của người dân Nhơn Trạch. Raulà nguyên liệu đặc trưng góp phần làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực Nhơn Trạch và khiến khách du lịch luôn cảm thấy thú vịkhi đặt chân đến nơi đây./.

                                                                                                                                           Đặng Hằng (QLVHTTDL)