• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh

Di sản văn hóa là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Đại hội X của Đảng (6 - 2006) chỉ rõ: “Tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, các giá trị văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc. Bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian. Kết hợp hài hòa việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch”

TAP HUAN DI SAN (1).JPG
Tập huấn công tác di sản

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, các cấp, các ngành, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực trong quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Tham mưu xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, trong đó có bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các đề án về bảo tồn di sản văn hóa; huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa...

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đạt kết quả. Việc xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích được đẩy nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 57 di tích được xếp hạng (trong đó có 02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Hệ thống các di tích - danh thắng, các bảo tàng trong tỉnh là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn. Hàng năm, đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa tâm linh.

Các di tích xuống cấp được trùng tu - tôn tạo, phục hồi theo đúng các quy định của nhà nước. Kinh phí trùng tu, tôn tạo và phục hồi mỗi di tích từ vài trăm triệu đồng đến vài chục tỷ đồng. Nhà nước tập trung đầu tư trùng tu, nâng cấp các di tích trọng điểm như: Di tích cấp quốc gia đặc biệt mộ Cự thạch Hàng Gòn, di tích quốc gia Thành cổ Biên Hòa, di tích quốc gia Nhà lao Tân Hiệp.

Ngoài ra, một số di tích được trùng tu, sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa như: Chùa Ông, mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp, chùa Đại Giác, Miếu Tổ Sư, chùa Bửu Hưng, chùa Bửu Phong…

Tại các huyện, các di tích xếp hạng được bảo tồn khang trang như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Vĩnh Cửu), Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp (huyện Long Thành), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom và xã Bình Sơn, huyện Long Thành) mộ Cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) …bằng nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh. Các địa phương, đơn vị, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được phân cấp quản lý di tích thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh thực hiện công tác kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động lễ hội không đúng qui định tại các di tích.

Thực hiện chỉnh lý hồ sơ khoa học di tích chùa Đại Giác, chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong; tổ chức hội thảo xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, thành cổ Biên Hòa, nhà lao Tân Hiệp và Chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; tổ chức tập huấn công tác phát huy giá trị di tích…

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể có sự chuyển biến tích cực. Thực hiện công tác kiểm kê di sản truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai: Mường, Dao, Thái, Tày; tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể (di sản văn hóa người Mường xã phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; các bài thuốc dân gian các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai; ẩm thực truyền thống các tộc người bản địa ở Đồng Nai; nghệ thuật diễn xướng Bóng rỗi, Địa - Nàng ở Đồng Nai) và xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ cấp sắc người Dao ở Đồng Nai, lễ hội kỳ yên đình Nguyễn Hữu Cảnh).

Công tác bảo tồn, bảo tàng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hiện vật. Không chỉ trưng bày tại chỗ, bảo tàng đã phối hợp với bảo tàng các tỉnh trong nước trưng bày chuyên đề, giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế: Nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; Thực hiện Thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về sưu tầm hiện vật của Bảo tàng công lập còn nhiều chồng chéo khiến cho việc triển khai trên thực tế rất khó khăn; một số di tích đã được xếp hạng đang bị xuống cấp trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác quản lý di tích, tu bổ di tích còn gặp nhiều khó khăn; trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện tu sửa di tích còn rườm rà, gây khó khăn cho các di tích trong việc tu sửa, tu bổ, tôn tạo.

TAP HUAN DI SAN (2).JPG
Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác di sản văn hóa
Trong thời gian tới, để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững cần có sự phối kết hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tổ chức các chương trình tập huấn, đối thoại giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý với các cơ sở di tích để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của các cơ sở nhằm tiếp thu, để có hướng điều chỉnh, tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Đồng thời hướng dẫn các bảo tàng địa phương về việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào đổi mới chỉnh lý trưng bày ở Bảo tàng; xây dựng ở địa phương 1 ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể. Các ngân hàng này được kết nối đồng bộ tạo thành một hệ thống. Trên cơ sở đó, các tỉnh thành sẽ trao đổi, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau (về tổ chức, quản lý, thực hiện…) nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Ban hành quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích, lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã: Bổ sung, cập nhật thông tin, số liệu một số nội dung chuyên môn phù hợp với thực tiễn; phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tốt nhất tính chủ động, khả năng sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Phân cấp, ủy quyền quản lý cho các địa phương, đơn vị, tổ chức theo hướng tăng thẩm quyền để nâng cao vai trò trách nhiệm trong quản lý, điều hành hiệu quả các di tích - danh thắng; phát huy tính chủ động việc xã hội hóa nguồn kinh phí trong hoạt động của các di tích và đặc biệt là trong công tác huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích - danh thắng.

Bên cạnh đó, cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản./.                                                                                                                                                                                                                                   Trần Nhung​