• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

DU LỊCH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỂ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH CHẤT LƯỢNG HƠN

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 24/5/2019, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch và có hiệu lực từ ngày 01/8/2019

NGHI DINH 45 - 1.jpg
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định là các tổ chức, cá nhân Việt Nam đang hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền. Mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy vào hành vi vi phạm, mức độ vi phạm và hình thức vi phạm, cũng như đối tượng vi phạm.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính, các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động; tịch thu tang vật vi phạm hành chính như giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả; thẻ hướng dẫn viên du lịch giả; biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch; Buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Buộc nộp đủ số tiền phí, lệ phí, các khoản phải nộp theo quy định.

NGHỊ DINH 45 - 2.jpg

Du khách nước ngoài tham quan vườn Ca cao tại Định Quán, Đồng Nai.​

Một số chuyên gia về lĩnh vực du lịch cho rằng đây là Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể các hành vi vi phạm và mức độ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực du lịch. Các cá nhân làm du lịch và doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phải nghiêm túc nghiên cứu, để thực hiện đủ, đúng, tránh sai phạm không đáng có dẫn đến các mức xử phạt từ đơn giản đến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, cũng như uy tín và sức hút của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

Cũng theo như Nghị định, thì một số những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, có thể bị doanh nghiệp hay cá nhân làm du lịch bỏ qua lại rất có thể bị phạt. Ví dụ như xe ô tô 9 chỗ phục vụ du khách không có rèm cửa chống nắng, không có thùng đựng rác, không có túi thuốc dự phòng… có thể bị phạt lên tới 5.000.000 đồng. Hoặc tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định…. bị phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng. Hay cao nhất là hành vi “Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật”, sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 - 18 tháng. Hoặc theo Nghị định quy định thì ngoài thanh tra chuyên ngành, chủ tịch UBND xã, huyện; quản lý thị trường; bộ đội biên phòng; cảnh sát biển; công an nhân dân đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Trong quá trình triển khai, có thể sẽ có những khó khăn thực tế mà các doanh nghiệp lữ hành đang gặp phải hiện nay, đó là việc sử dụng hướng dẫn viên bản địa, hướng dẫn viên người nước ngoài đi theo đoàn inbound, hướng dẫn viên theo thời vụ, theo tour ngày, kiểm duyệt thẻ, ký hợp đồng hướng dẫn viên… hay khách xin phép tách đoàn mua sắm, hoặc việc hướng dẫn viên dẫn đoàn không thể quản lý du khách sau 10 giờ đêm; hoặc phương tiện vận chuyển du khách ở vùng sâu, xa chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định…

Tuy nhiên, điều này càng cần các cá nhân, doanh nghiệp du lịch nghiên cứu kỹ Nghị định, để hoạt động đúng, đủ theo quy định của pháp luật, quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, quản lý và phục vụ du khách một cách tốt nhất mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, nâng tầm uy tín và sự tin tưởng của du khách cũng như cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Đồng thời, sự ra đời của Nghị định 45, chính là điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp làm du lịch chân chính hoạt động và phát triển, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với quyền lợi của khách hàng, hạn chế được các hoạt động kinh doanh du lịch phi pháp, lộn xộn trong thời gian qua.

                                                                                                                                                              Mai Phương