• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
SÂN BAY BIÊN HÒA TRONG CUÔC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975)

Những năm 20 của thế kỷ XX, nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa lần thứ 2, tại tiểu khu hành chính Biên Hòa thuộc tỉnh Biên Hòa thực dân Pháp đã chiếm một khu vực đất giáp ranh hai xã Tân Phong và Bình Trước xây dựng một sân bay loại nhỏ, gọi tên là sân bay Tân Phong[1]. Lúc mới xây dựng sân bay chỉ rộng khoảng 3 km2, với một đường băng cấp phối đá đỏ dài khoảng 600m theo hướng Bắc – Nam, song song với đoạn đường liên tỉnh 24 cũ thẳng từ Dốc Sỏi lên khu vực Bình Ý (nay thuộc xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, Tinh Đồng Nai).

images1948191_99566660.jpg
Toàn cảnh sân bay biên Hòa giai đoạn (1954 – 1975)
Sự ra đời và hoạt động của sân bay Biên Hòa đến năm 195
4

Những năm 20 của thế kỷ XX, nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa lần thứ 2, tại tiểu khu hành chính Biên Hòa thuộc tỉnh Biên Hòa thực dân Pháp đã chiếm một khu vực đất giáp ranh hai xã Tân Phong và Bình Trước xây dựng một sân bay loại nhỏ, gọi tên là sân bay Tân Phong[1]. Lúc mới xây dựng sân bay chỉ rộng khoảng 3 km2, với một đường băng cấp phối đá đỏ dài khoảng 600m theo hướng Bắc – Nam, song song với đoạn đường liên tỉnh 24 cũ thẳng từ Dốc Sỏi lên khu vực Bình Ý (nay thuộc xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, Tinh Đồng Nai). Thường trực trên sân bay là một phi đội máy bay chiến đấu (avion de chasse) và máy bay quan sát loại chuồn chuồn cánh kép, nhân dân thường gọi là “máy bay đầm già” sản xuất sau chiến tranh thế giới thứ I. Trong sân bay Pháp còn xây dựng một xưởng sửa chữa máy bay được xem là lớn nhất Đông Dương lúc bây giờ. Thời kỳ này, trên sông Đồng Nai (đoạn gần chợ Biên Hòa ngày nay) còn có một bến đậu mấy chiếc thủy phi đoàn (may bay đậu dưới nước theo lối gọi hồi đó).

Trong những năm (1940 – 1945), phát xít Nhật đưa quân vào Việt Nam, lật đổ chính quyền thực dân Pháp giành quyền cai trị Việt Nam, người Nhật tiếp tục nâng cấp đường băng của sân bay Biên Hòa phù hợp cho việc sử dụng các loại máy bay khu trục chiến đấu của Nhật. Sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, chúng nâng cấp nối dài đường băng ra 1.400m, lát ghi sắt phù hợp cho việc sử dụng máy bay chiến đấu khu trục kiểu mới Skyrairder. Xung quanh sân bay không có hàng rào, chỉ có một số tháp canh với đèn pha đêm đêm rọi sáng để phòng lực lượng vũ trang của ta đột nhập phá hoại. Từ năm 1952, khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Pháp tiếp tục mở rộng vành đai bảo vệ sân bay và xây dựng thêm một đường băng mới dài 1.700m phục vụ cho các loại máy bay máy bay vận tải và chiến đấu cơ do mỹ viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương như: Bearcat và Dakota... đáp xuống. Thực dân Pháp còn cho xây dựng thêm một tháp canh lớn và một số tháp canh nhỏ tại xóm Giữa làng Tân Phong (nay thuộc khu phố 11, phường Tân Phong) để bảo vệ an toàn sân bay và nội ô. Thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Genèvo (20/7/1954) rút quân khỏi Việt Nam. Thực hiện những nội dung của Hiệp định đã ký kết; trước khi rút khỏi Việt Nam ngày 23/6/1956, Cao ủy Pháp tại Việt Nam thực hiện việc chuyển giao sân bay Biên Hòa lại cho chính phủ Việt Nam cộng hòa[2].

images1948185_49649391.jpg
Sân bay Biên Hòa trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam (1954 – 1975)

Đế quốc Mỹ với âm mưu xâm lược Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định Genèvo được ký kết, Mỹ đã nhanh chóng xúc tiến kế hoạch xâm nhập vào miền Nam nước ta để thay thế thực dân Pháp, dựng lên một chính quyền Việt Nam Cộng hòa làm tay sai cho Mỹ, dùng mọi biện pháp, thủ đoạn hòng phá hoại Hiệp định Genèvo nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta, mọi thủ đoạn của đế quốc Mỹ thực chất là xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự “ngăn chặn làn sóng đỏ lan tràn xuống vùng Đông Nam Á”. Đế quốc Mỹ đổ tiền của, nhiều phương tiện hiện đại xây dựng hàng loạt sân bay, bến cảng, kho tàng, đường giao thông... là cơ sở hạ tầng phục vụ ý đồ chiến lược này. Sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay quan trọng nhất ở miền Nam được Mỹ chú trọng.

Sau khi thực dân Pháp bàn giao sân bay Biên Hòa được xây dựng thành Căn cứ trợ lực không quân số 2 của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong báo cáo số 896-M/VP ngày 4/8/1958 của Tỉnh trưởng Biên Hòa gửi Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa có viết như sau: “Phi trường Biên Hòa của căn cứ trợ lực không quân số 2 tại Biên Hòa, hiện vẫn còn nguyên tình trạng từ ngày Pháp trao trả lại, chưa có điều kiện để sửa sang hàng rào giây kẽm gai và đường phòng thủ, bên ngoài phía Đông Bắc và Tây Bắc phi trường bị cây rừng mọc chen lẫn, lấp hết đường giăng kẽm gai”[3]. Ngoài ra, trong một báo cáo số 7460A-BNV/HC/D11 ngày 15/10/1958 của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa gửi Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về việc điều tra tình hình phi trường công tọa lạc tại các tỉnh Nam phần cũng có đề cập: “Phi trường Biên Hòa tọa độ 48PXT 9912, cách tỉnh lỵ tới 1500 thước về hướng Đông Bắc. Hiện trạng: diện tích 4.290.300 thước vuông; phi trường này chỉ có 2 đường bay: đường thứ nhất dài 1400 thước. Đã có từ lâu, đường thứ nhì dài 1.700 thước làm vào khoảng năm 1952, còn tốt cho phi cơ lên xuống...”[4].

Nhận thấy sân bay Biên Hòa có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng, các cố vấn quân sự của Mỹ đã đề xuất với chính quyền Sài Gòn về việc xây dựng một sân bay tại khu vực Biên Hòa để làm vệ tinh phòng vệ cho Sài Gòn trước những cuộc tấn công của quân ta. Để thực hiện việc nâng cấp và mở rộng sân bay, ngay từ năm 1958, Bộ Quốc phòng ngụy và Tòa hành chánh Biên Hòa ra thông cáo đuổi dân để lấy đất, hạn đến tháng 11 năm 1960 tất cả mọi nhà đều phải rời khỏi khu vực quy định. Nhân dân xã Tân Phong dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Vĩnh Cửu đã thực hiện cuộc đấu tranh chống lại viêc cướp của Mỹ - ngụy kéo dài trong suốt bốn năm, mặc dù không giữ được đất, được làng nhưng đã thể hiện được lòng yêu quê hương nồng thắm và ý chí kiên cường của nhân dân xã Tân Phong.

Chính quyền Mỹ - ngụy tiến hành khẩn trương quy hoạch công trình sân bay với việc nâng cấp và mở rộng sân bay Biên Hòa lên khoảng 20km2 (gấp 6 lần sân bay cũ), Năm 1963, sân bay Biên Hòa được chính quyền Mỹ ngụy xây dựng, nâng cấp hoàn thiện với diện tích khoảng 49km2 (gấp 6 lần sân bay cũ), chu vi sân bay mở rộng ra phía Bắc (xã Bình Ý), hướng Đông ra ấp Bà Thức (xã Tân Phong), hướng Tây núi Bửu Long và hướng Nam là khu vực dân cư nội ô thị xã Biên Hòa. Có hai đường băng dài 3.600m và 1.000m, thiết kế theo hướng Đông – Tây, sân bay được trang bị hệ thống rada, chỉ huy liên lạc rất tối tân, có thể đảm bảo cho các loại máy bay chiến đấu, máy bay vận tải hoạt động bất kể ngày đêm mọi điều kiện thời tiết.

Bên trong sân bay được bố trí theo 5 khu vực: khu vực 1 chứa máy bay ném bom chiến lược B75 là loại máy bay chiến lược Mỹ; khu vực 2 chứa may bay khu trục AD6 (Skyrairder), và các loại may bay hiện đại như F.101, F.102; khu vực 3 chứa máy bay L19, trực thăng, máy bay, vận tải và máy bay do thám U2; khu vực 4 là nhà ở cố vấn Mỹ, sĩ quan ngụy, câu lạc bộ sĩ quan; khu vực 5 là kho xăng, kho bom. Xung quanh sân bay một hệ thống đường giao thông dành cho xe tuần tra và phục vụ việc di chuyển xung quanh sân bay. Sân bay Biên Hòa còn là căn cứ huấn luyện, đào tạo giặc lái trên chiến trường miền Nam. Để duy trì hoạt động về mọi mặt của sân bay ngoài việc thường xuyên duy trì khoảng 500 sĩ quan, phi công, Mỹ - ngụy đã huy động hơn 2000 nhân viên kĩ thuật, lính thợ binh lính đồn trú bảo vệ. Do sân bay Biên Hòa có tầm quan trọng đặc biệt nên Mỹ ngụy tổ chức bố phòng rất nghiêm ngặt với nhiều lớp hàng rào kẽm gai có chiều rộng gần 1m, bãi mìn, lựu đạn dày đặc và nhiều lô cốt. Ban đêm, sân bay được soi sáng bởi một hệ thống đèn pha cực mạnh. Lực lượng bảo vệ sân bay gồm một đại đội pháo binh, một đại đội xe tăng, một đội quân khuyển (100 chó béc-giê) và một đến hai tiểu đoàn bộ binh. Tại cổng chính sân bay còn có một đại đội thuộc lực lượng an ninh quân đội kiểm soát chặt chẽ việc ra vào, bên ngoài có một tiểu đội quân Mỹ và một tiểu đoàn lính bảo an ngụy thường xuyên canh gác. Gần sân bay có sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, hai tiểu đoàn lính ngụy đóng ở thị xã Biên Hòa sẵn sàng cơ động ứng chiến khi cần. Ngoài ra, còn có một tiểu đoàn của sư 5 ngụy được giao nhiệm vụ tuần tiễu ven rừng cách sân bay 10km đề phòng các cuộc đột nhập vào sân bay. Cùng với lực lượng bố phòng ở mặt đất, trên khu vực sân bay thường xuyên có máy bay luân phiên tuần tiễu là một phi đội máy bay lên thẳng HU-1A và Skyrairder ở Tân Sơn Nhất sẵn sàng ứng chiến. Tàu địch cũng luôn đi lại tuần tiễu trên sông Đồng Nai để đảm bảo an toàn hơn nữa cho sân bay. Mỹ và quân đội tay sai còn liên tục mở những cuộc hành quân lùng sục chung quan sân bay nhằm ngăn chặn mọi hoạt động của quân ta trong khu vực này.

Với việc xây dựng và bố phòng chặt chẽ Mỹ ngụy cho rằng sân bay này là một sân bay đặc biệt an toàn và bí mật tưởng chừng một con chuột cũng không thể lọt vào; xem sân bay chính là tấm lá chắn không quân bảo vệ Sài Gòn trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam. Các máy bay tiêm kích xuất phát từ đây có thể bao quát được toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tấn công yểm trợ kịp thời cho các lực lượng của Mỹ và ngụy quân Sài Gòn khi xảy ra giao tranh dưới mặt đất. Cũng từ đây máy bay của đế quốc Mỹ hàng ngày đã cất cánh tàn sát đồng bào miền Nam như vụ ném bom trường học Cầu xe, Linh Phụng giết chết hàng chục em học sinh; vụ thảm sát ngày 27/9/1964, gây ra cái chết của 536 thường dân vô tội và hàng trăm người bị thương tại khu vực ngã ba Giồng Sắn (nay thuộc ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai... Sân bay Biên Hòa cũng là căn cứ xuất phát của các loại máy bay Mỹ tiến hành các hoạt động phá hoại miền Bắc, kể cả Lào và Camphuchia.

Sân bay Biên Hòa cũng là nơi quân đội Mỹ sử dụng để chứa chất độc Da Cam trước khi được mang đi rải khắp miền Nam Việt Nam. Hơn 80 triệu lít chất độc đã được rải xuống ở miền Nam Việt Nam trong một chiến dịch có mật danh là “Chiến dịch Ranch Hand” và sân bay Biên Hòa là địa bàn trọng điểm nhất. Theo số liệu của quân đội Hoa Kỳ, sân bay Biên Hòa được sử dụng để cất trữ, xử lý, vận chuyển 98.000 thùng cỡ 45 gallon (170 lít) Chất Da cam, 45.000 thùng Hóa chất trắng và 16.000 thùng Hóa chất xanh, trong đó nhiều chất có chứa 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD) – một loại phụ phẩm gây ô nhiễm.[5] Mục đích của quân Mỹ khi sử dụng những loại hóa chất này làm rụng lá cây tại các cánh rừng và đồng ruộng, để quân đội du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam không còn nơi trốn tránh. Ngoài tác hại cho môi trường, loại hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Ngày nay, sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh, sân bay Biên Hòa vẫn là một khu vực điểm nóng về mức độ nhiễm điôxin cao còn sót lại và đó là một minh chứng về tội ác của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam không chỉ có những vụ thảm sát, tra tấn, ném bom mà còn có hoạt động rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam.

1d97fea8a5ee4cb015ff.jpg
Quân giải phóng tấn công vào sân bay Biên Hòa​

Sân bay Biên Hòa - mục tiêu tiến công của quân giải phóng

 Sân bay Biên Hòa luôn là mục tiêu quan trọng trong những đợt tấn công của quân giải phóng cùng các lực lượng biệt động của ta ở miền Nam Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh chống đề quốc Mỹ xâm lược. Cuộc tiến công đầu tiên vào sân bay Biên Hòa dành chiến thắng vang dội đã làm nức lòng quân dân cả nước diễn ra vào đêm 31/10/1964, trong trận này Đoàn pháo binh U80 của Miền bắn 140 quả đạn cối vào sân bay, phá hủy 59 máy bay (trong đó có 21 máy bay B57 tối tân của Mỹ, 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2), diệt và làm bị thương 293 tên địch, thiêu hủy và nổ tung Hoàn toàn 2 kho đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát và 18 căn trại lính. Sau trận đánh Lo- ren Bếch-cơ một thượng sỹ quân đội Mỹ được giao nhiệm vụ bảo quản sân bay đã kinh hoàng nói rằng: “Không có một nơi nào tránh được đạn súng cối, thật giống như một cuộc liên hoan ở dưới địa ngục, trong đó tất cả các yêu quái đang bay bổng”[6]. Trung tá Mỹ Rây-Môn chỉ huy hành quân ở sân bay Biên Hòa nói: “Tất cả các viên đạn súng cối đều rơi dồn dập trong khoảng 15-20 phút, trong đó có hơn 100 phát trúng cứ điểm”[7]. Trận đánh đã giáng một đòn đầu tiên vào sân bay Biên Hòa của Mỹ-ngụy, chiến thắng đã làm nức lòng quân và dân toàn miền nam cũng như đồng bào cả nước, đồng thời làm cho kẻ thù run sợ. Sau chiến thắng sân bay Biên Hòa Bác Hồ đã làm bài thơ (với bút danh Chiến Sĩ) đăng trên báo Nhân dân số 3878 ngày 12/11/1964 ca ngợi chiến thắng như sau:

“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu;

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu.

Thành đồng trống thắng lay lầu trắng;

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”.

Sau chiến thắng đầu tiên, quân ta còn tổ chức nhiều trận đánh vào sân bay Biên Hòa như: trận đánh vào ngày 23/8/1965 của Tiểu đoàn 34 pháo binh (đoàn U 80); trận đánh 23 giờ đêm 11 rạng 12/5/1967 của Trung đoàn pháo 274 (tên lửa ĐKB); trận đánh 0 giờ ngày 31/1/1968 của Trung đoàn 4 sư 5 Miền; trận đánh ngày 10/9/1972 bằng hỏa tiễn ĐKB và hỏa tiễn H.12củ a Tiểu đoàn 14 thuộc Đoàn đặc công 113 vào các mục tiêu trong sân bay Biên Hòa... trong mỗi trận đánh quân ta phá hủy nhiều máy bay các loại và phương tiện chiến tranh và sinh lực của Mỹ ngụy.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, tại Biên Hòa trận địa pháo tầm xa 130 ly của quân ta ở Hiếu Liêm (chiến khu Đ) nã đạn dồn dập vào các căn cứ sân bay Biên Hòa, ngày 25/4/1975, quân  đội ngụy Sài Gòn tại sân bay Biên Hòa buộc phải di tản, rút lui toàn bộ, ta chiếm được sân bay Biên Hòa với hai đường băng chính gần như nguyên vẹn cùng rất nhiều máy bay chiến lợi phẩm của địch. Trong những chiến lợi phẩm thu được có rất nhiều máy bay với chủng loại khác nhau, trong đó riêng máy bay tiêm kích phòng không F5 của Mỹ ta thu được trên 40 chiếc bao gồm F-5A, F-5B, F-5E, hơn nửa trong số đó còn sử dụng được để chiến đấu và huấn luyện phi công.

Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ngày 21/5/1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 78/QĐ-QP thành lập Trung đoàn không quân chiến đấu mang phiên hiệu Trung đoàn 935 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng tại sân bay Biên Hòa. Ngày nay, sân bay Biên Hòa vẫn được Không quân ta tiếp tục sử dụng, Trung đoàn Không quân Tiêm kích 935 thuộc sư đoàn 370 được biên chế tại sân bay Biên Hòa với lực lượng sẵn sàng chiến đấu bao gồm các máy bay Su-30MK2V (chủ lực) cùng với một số cường kích A37 và các loại máy tiêm kích F5./.

Nguyễn Trần Kiệt

Ảnh: internet

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai,2000, Những ngày kỷ niệm và lịch sử, nhà xuất bản Đồng Nai.

2. Bộ Tham mưu Quân khu VII,1993, Đoàn Pháo binh Biên Hòa phóa binh miền, Nhà in Bộ tham mưu QK7.

3. Hồ Sơn Đài (cb)1990, miền Đông chiến công, Nhà xuất bản Đồng Nai.

4. Hà Văn Lâu,1990, Căn cứ quan sự của đế quốc Mỹ, NXB như thật sự 1960.

5. Nguyễn Yên Tri (cb),1989, Tân Phong 40 năm đấu tranh và xây dựng, nhà xuất bản Đồng Nai.

6. Trận đánh sân bay Biên Hòa đêm 31 tháng 10 năm 1964 H- QĐN.1964.

7. Quân chủng Phòng không – Không quân, 2015, Lịch sử Trung đoàn 935 (1975 – 2015), NXB Quân đội nhân dân.

 

 

 

[1] Gọi theo tên địa danh thôn Tân Phong thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà thành lập từ triều Gia Long. Đầu thời Pháp chiếm đóng thuộc hạt thanh tra Biên Hoà. Từ 5-1-1876 gọi là làng Tân Phong thuộc tiểu khu hành chính Biên Hoà, tỉnh Biên Hoà (1-1-1900). Từ 1-1-1928 thuộc quận Châu Thành cùng tỉnh. Sau năm 1956 gọi là xã Tân Phong. Sau 30-4-1975, thuộc thành phố Biên Hoà, tỉnh Biên Hoà. Từ tháng 1-1976 thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 17-1-1984 nâng thành phường Tân Phong. Ngày 29-8-1994 tách một phần đất lập phường Trảng Dài.Phường Tân Phong hiện có diện tích 1.686,16 ha, dân số hơn 30 ngàn người.      

[2] Hồ sơ về việc chuyển giao phi trường Biên Hòa cho Chính phủ Việt Nam  năm 1955 - 1956. Mục lục 01 - hôp số 950- hồ sơ số 9987 - Trung tâm lưu trữ quốc gia 2.

[3] Hồ sơ Phủ Tổng thống đệ nhất Cộng hòa - tình hình trong sân bay ở các địa phương. Mục lục 08, số hồ sơ 11634 - Trung tâm lưu trữ quốc gia 2.

[4] Sđd.

 

[5]Báo cáo đánh giá môi trường - ô nhiễm điôxin tại sân bay biên hòa của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày3/5/2016 

[6] Hồ Sơn Đài (cb),1990, Miền Đông chiến công, NXB Đồng Nai. Trang 68.

[7] Sđd trang 68.​

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.