• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
Chúa Nguyễn với công cuộc mở đất Biên Hòa – Đồng Nai

Mở đất về phương Nam là một định hướng có tính truyền thống, một quá trình liên tục của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình này bắt đầu từ thời tiền Lê, do thúc ép của điều kiện lịch sử ngay từ buổi đầu xây dựng nền tự chủ. Sang thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông với một tầm nhìn xa, trông rộng và khi đứng trước những hiểm họa từ các triều đại phong kiến phương Bắc đã đưa ông đến một quyết định phi thường, gả người con gái duy nhất là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân (nước Chămpa ở phía Nam) để nước Đại Việt có được món “quà cưới” vô tiền khoáng hậu là dải đất từ sông Gianh đến sông Thu Bồn. Câu nói "Việt điểu sào nam chi" (con chim khôn của Nước Việt phải biết chọn cành phương Nam mà làm tổ) là điều người xưa căn dặn, vua Trần Nhân Tông hiểu rõ lẽ đó và càng biết rõ hơn khi đứng trên đỉnh Hải Vân có thể "nhìn thấy" mũi Cà Mau. Lịch sử đã ghi nhận công cuộc mở đất Nam Bộ của các chúa Nguyễn được xem là khâu cuối cùng để hoàn thiện công cuộc mở mang lãnh thổ Đại Việt.
 vùng đất phương Nam thời chúa Nguyễn.png
Vùng đất phương Nam thời Chúa Nguyễn

Ngay từ cuối thế kỷ XVI, trước khi chúa Nguyễn thiết lập quan hệ với nước Chân Lạp, đã có những luồng di dân tự phát của người Việt từ vùng đất Thuận - Quảng đến Mô Xoài (Bà Rịa) rồi chuyển dần lên vùng Biên Hòa - Đồng Nai khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên ở địa bàn Bàn Lân, Bến Gỗ, Bến Cá, Cù Lao Rùa... khi những người dân Việt di cư đến, vùng đất này vẫn còn hoang vu, người Việt lập ra những làng mạc đầu tiên, tuy chưa phải là đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong, nhưng đã tạo tiền đề cho việc đón nhận những đợt di dân tiếp theo, cũng như tạo cơ sở về sau cho chúa Nguyễn thực hiện được công cuộc mở đất Nam bộ nói chung và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.

Sự kiện quan trọng có ý nghĩa mở đầu quá trình mở đất Nam Bộ cũng như việc đặt mối quan hệ chính thức giữa Chân Lạp và Đàng Trong là cuộc hôn nhân giữa vua Chân Lạp - Chey Chettha II và công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620. Sau sự kiện này, với những hoạt động trợ giúp thường xuyên của chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho nước Chân Lạp (gửi cả quân đội và chiến thuyền) chống lại các hoạt động chiến tranh và gây sức ép của nước Xiêm khiến cho liên minh giữa Chân Lạp và Đàng Trong ngày càng chặt chẽ. Mặt khác, Hoàng Hậu của Chân Lạp (công chúa Ngọc Vạn tước hiệu là Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey) thường can thiệp với nhà vua để tạo điều kiện cho người Việt được khai phá vùng Mô Xoài, Đồng Nai. Tiếp đó, vào năm 1623 trên cơ sở được sự chấp thuận của vua Chettha II, chúa Nguyễn được lập sở thu thuế ở Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) để bảo đảm quyền lợi và công việc làm ăn, sinh sống của người Việt, ngoài ra, chúa Nguyễn còn được đóng một đạo quân trên đất Chân Lạp nhằm bảo vệ con đường giao thương giữa Đàng Trong với Chân Lạp và nước Xiêm. Việc lập sở thu thế và đóng đồn trên đất Chân Lạp mang tính chất như một sự xác lập chủ quyền nhất định của chúa Nguyễn ở một khu vực cục bộ của Chân Lạp. Sự kiện này được xem là sự kiện quan trọng thứ hai đối với quá trình khẩn hoang vùng đất Nam Bộ của chúa Nguyễn.

Sau khi vua Chey Chetta II qua đời (năm 1628), chính quyền Chân Lạp rơi vào tình trạng chia rẽ, nhiều cuộc chiến diễn ra giữa các phe phái với sự trợ giúp quân sự của một bên là nước Xiêm và một bên là chúa Nguyễn. Cùng với sự can thiệp của mình vào nội bộ Chân Lạp theo sự thỉnh cầu thì thanh thế của chúa Nguyễn và vai trò của Đàng Trong ngày càng lên cao. Bối cảnh này giúp cho người Việt tiếp tục tiến hành khai phá những vùng đất hoang hoá không chỉ ở vùng Mô Xoài, Đồng Nai mà mở rộng cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (ngày nay) từng bước tạo điều kiện cho chúa Nguyễn thiết lập quyền kiểm soát của mình trên những vùng đất cư dân Việt đã dựng nghiệp.

Tiếp nối sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Nguyễn Phúc Tần sau khi lên ngôi đã thúc đẩy hơn nửa công cuộc mở đất phía Nam. Theo Đại Nam thực lục tiền biên, tháng 9 năm Mậu Tuất (năm 1658), vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân (Chan Ramathipati) xâm lấn đất đai của Chúa Nguyễn ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa), đã bị quan quân địa phương bắt giải về Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Tần “tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần hàng năm nộp cống”, từ đây mối quan hệ bang giao giữa hai nước chuyển sang mối quan hệ thuần phục đã tiếp tục tạo điều kiện cho quá trình di dân vào Nam bộ nói chung và vùng Đồng Nai nói riêng ngày càng đông hơn.

Năm 1672, tình hình triều đình Chân Lạp tiếp tục rối ren sau khi vua Batom Reachea bị giết chết, hoàng tộc bị chia thành nhiều phe phái khác nhau, khi đó Nặc Nộn đã cầu cứu Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Tần sai tướng Nguyễn Dương Lâm đem quân sang Chân Lạp hỗ trợ Nặc Nộn với cớ: “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”[1]. Sau khi giúp Nặc Nộn thắng lợi trong việc giành quyền triều chính, chúa Nguyễn phong cho Nặc Thu làm vua chính, đóng ở thành Long Úc (Udong), Nặc Nộn làm vua thứ đóng ở thành Sài Gòn. Sau sự kiện này chúa Nguyễn gần như trở thành một lực lượng thiết lập lại trật tự mỗi khi Chân Lạp có nội biến xảy ra giữa Nặc Thu và Nặc Nộn. Ở thời điểm này chúa Nguyễn hoàn toàn có thể can thiệp sâu sắc vào việc triều chính của Chân Lạp, nhưng lịch sử đã ghi nhận chúa Nguyễn vẫn thực hiện phương thức “di dân trước, nhà nước theo sau”, cho nên đối với Chân Lạp chúa Nguyễn chỉ đòi hỏi đơn thuần việc triều cống hàng năm và tạo điều kiện cho lưu dân người Việt vào làm ăn sinh sống.

Trong sử Nhà Nguyễn có ghi: “Kỷ Mùi, năm thứ 31 (1679) mùa Xuân, tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm; tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiếc thuyền đến của biển Tư Dung và Đà Nẵng, tự trần là bô thần nhà Minh, nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh nên đến xin làm tôi tớ”[2]. Trước sự thỉnh cầu của đoàn di dân người Hoa, Chúa Nguyễn Phúc Tần đã có một sự suy tính hết sức hợp lý và khôn khéo: “Nay đất Đông Phố nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều”[3]. Chúa Nguyễn đã quyết định thu nhận, một mặt phong thêm chức quan mới cho các tướng nhà Minh, mặt khác gửi thư cho vua Chân Lạp yêu cầu chia đất đai cho họ. Đoàn di dân của Trần Thượng Xuyên được đến đóng ở Bàn Lăng (Biên Hòa).

Vùng Biên Hòa - Đồng Nai thực sự và phát triển kể từ nửa sau thế kỷ XVII khi có thêm lực lượng người Hoa đến khai phá. Với một tư duy thương nghiệp truyền thống đoàn người Hoa của Trần Thượng Xuyên đã tập trung khai thác thế mạnh của Cù Lao Phố, một vùng đất “...nằm giữa sông Hương Phước, trải dài trên 7 dặm, chiều ngang bằng 2/3 chiều dài. Tuy nằm cách xa biển, nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ, và có thể sang tận Cao Miên”[4]. Vì vậy, phần lớn người Hoa đã chuyển từ Bàn Lăng về Cù Lao Phố, khai hoang, xây dựng nhà cửa, phố xá ngày một sầm uất, phát triển thương nghiệp ngày càng thịnh vượng thu hút được đông đảo các thuyền buôn của người Thanh, người Nhật Bản, Đồ Bà đi lại trao đổi buôn bán tấp nập. Sách Gia Định thành thông chí có có ghi về Cù Lao Phố trong thời kỳ này như sau: “... Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập lái buôn người Trung Quốc, lập ra phố xá, nhà ngói tường vôi lầu cao vót, quán mấy tầng, rực rỡ bên sông dưới ánh mặt trời, liên tục năm dặm, mở vạch ba đường phố. Phố lớn lát đá trắng, phố ngang lát đường đá ong, phố nhỏ lát đường đá xanh, đường bằng như đá mài, khách buôn họp đông, đường biển, đường sông, tránh gió bỏ neo lớn nhỏ sát nhau là một nơi đại đô hội. Nhà buôn giàu to chỉ ở đây là nhiều”[5]

Với sự phát triển của Cù Lao Phố, vùng đất Biên Hòa nhanh chóng trở thành một trong hai trung tâm dân cư đông đảo ở phía Nam, điều này đã tạo cơ sở cho quan trọng cho chúa Nguyễn trong việc thiết lập tổ chức hành chính trên vùng đất này. Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược với mục đích sát nhập đất Đồng Nai - Gia Định vào bản đồ xứ Đàng Trong. Vào kinh lược phương Nam, Nguyễn Hữu Cảnh đặt doanh trại tại Châu Đại Phố (Cù Lao Phố), nay thuộc thành phố Biên Hoà và bắt tay vào tổ chức lại xã hội, lập bộ máy hành chánh. Ông lập phủ Gia định, “... chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai là huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Thăng Bình, dựng dịnh Phiên Trấn” [6] (tức Gia Định) mỗi dinh đặt chức Lưu Phủ Cai Bộ và Ký lục để cai trị. Dinh chia làm nhiều phủ, phủ chia làm nhiều huyện, huyện chia làm nhiều tổng, tổng chia làm nhiều xã hay thôn... Ông tiến hành lập xã, thôn, phường, ấp chuẩn bị thuế đinh, thuế điền và lập sổ bộ đinh, điền. Dinh hay điền đều phải ghi vào sổ bộ, đều phải đóng thuế theo quy định. Từ xã, thôn, phường, ấp phải chia ra bộ phận có ranh giới, có con triện và các sổ bộ riêng. Ngoài ra, thực hiện chỉ dụ của chúa Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh đã hợp thức hoá việc khẩn hoang và lập phố chợ của Trần Thượng Xuyên trên đất Đồng Nai. Đối với người Hoa, Ông cho thi hành chính sách đồng hoá, ghép vào sổ bộ tịch, có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi cùng dân khác, ông đưa người Hoa đến buôn bán ở dinh Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương khiến từ đó người Thanh ở đây buôn bán đều thành dân hộ của Đàng Trong.

Nguyễn-Hữu Cảnh-(1650-1700) .jpg
Lễ Thành hầu​ Nguyễn Hữu Cảnh 

Việc lập nên các đơn vị hành chính trên vùng đất mới gắn liền với tên tuổi của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - ông được xem là người “điểm nhãn dư đồ lịch sử” của vùng đất phương Nam trong đó Đồng Nai là nơi ông đã chọn để lập tổng hành dinh khi vào kinh lược. Tên tuổi của ông gắn liền với từng mảnh đất, từng địa danh và tồn tại cho đến ngày nay. Điều đó thể hiện lòng tôn kính của người dân đối với bậc khai quốc công thần đã mở đường cho ông cha tiến những bước vững chắc trong công cuộc mở mang và xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.

Từ những sự kiện lịch sử trên, có thể nhận thấy quá trình mở mang vùng đất Nam bộ nói chung và vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng của các chúa Nguyễn đã diễn ra trong gấn 100 năm, nếu tính từ những cuộc di dân tự phát từ những năm cuối thế kỷ VXI và cuối cùng là chuyến “kinh lược” của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh năm 1698 khi thực hiện thiết lập đơn vị hành chính, xác lập chủ quyền lãnh thổ của Đàng Trong. Quá trình mở đất của chúa Nguyễn được thực hiện với hai hình thức chính đó là thông qua việc khai phá đất đai một cách hòa bình và chuyển nhượng. Chủ yếu thông qua phương pháp ngoại giao và có sự hỗ trợ nhất định của quân sự nhằm mục đích đắc thụ hợp pháp vùng đất này một cách hợp lý, hợp tình. Việc dùng sức mạnh quân sự chỉ là một biện pháp hỗ trợ làm hậu thuẫn nhằm tăng cường sức ép của Đàng Trong với các bên để đi đến việc dâng tặng một cách tự nguyện từng phần đất, đồng thời để bảo vệ vùng đất mới trước sự dòm ngó của kẻ thù và hoàn toàn phù hợp với tính pháp lý quốc tế.

Trong suốt hơn ba trăm năm qua biết bao thế hệ người đã bảo vệ và xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai ngày một khởi sắc, mỗi tấc đất quê hương đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của tiền nhân. Đối với mỗi một người dân Biên Hòa – Đồng Nai, đây còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng cao cả. Trách nhiệm của chúng ta hôm nay cần hiểu rõ những giá trị đó và hãy bằng những hành động cụ thể thiết thực góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                                                                             Nguyễn Trần Kiệt

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Minh Giang: Quá trình xác lập chủ quyền lãnh thổ phía nam của Việt Nam /Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.

2. Nguyễn Văn Hầu: Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long, chặng cuối cùng của cuộc Nam tiến, Sử Địa, 1970 số 19 – 20.

3. Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn, 1974

4. Hà Văn Tấn: Phù Nam và Óc Eo: ở đâu? Khi nào? và Ai? // Kỷ yếu Hội thảo khoa học Biên giới Tây Nam, ĐHQG HN, 1996.

5. TS. Trần Công Trục nguyên là Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Bài viết được tổng hợp từ chuỗi bài ba kỳ trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

 



[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên,Nxb. Sử học, Hà Nội 1962, tr.122

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, sđd, trang 125

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, sđd, trang 125

[4] Trường đại học sư phạm Tp Hồ Chí Minh, Nam bộ và Nam Trung bộ những vấn đề lịch sử thế kỷ XVII – XVIII, kỷ yếu hội thảo, 2002, trang 391.

[5] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, NXB. Giáo dục, 1998, trang194

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, trang 153​

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.