• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
Đôi nét về sắc phong thời nhà Nguyễn

Sắc phong (敕封) là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Dưới triều nhà Nguyễn, cơ bản có hai loại sắc phong: sắc phong nhân vật và sắc phong thần linh.
 

Về sắc phong nhân vật là loại hình văn bản hành chính do nhà vua ban phong về phẩm hàm, tước vị… cho các quan lại của triều đình, thăng thưởng hàm tước, ban tặng hoặc truy tặng thụy hiệu cho ông bà, cha mẹ của những viên quan có công trạng. Loại hình văn bản này là bảo vật có giá trị do các gia đình dòng tộc lưu giữ khá kỹ càng, ít phổ biến ra công chúng.

Sắc phong thần linh là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của nhân dân. Đối tượng của sắc phong thần là các nhân thần có công trạng lớn đối với đất nước, làng xã (như các vị thần đế vương và hậu phi các đời, thần Thành hoàng, Bổn cảnh Thành hoàng, Bổn xứ Thành hoàng, Đông Chinh Thành hoàng …), các Tiền hiền, Khai canh, Khai khẩn… đã linh ứng từ lâu và được dân làng sùng tín phụng thờ.

Ngoài ra, còn có những thần linh đã được đưa vào tự điển (điển chế thờ tự của quốc gia); các thiên thần, nhiên thần núi sông, đất đai toàn cõi như thần Thiên Y A Na, thần Ngũ hành Tiên nương, Hà Bá Thủy Quan, … luôn phò trợ, giúp đỡ cho dân cho nước. Đối với loại sắc phong thần thường được thờ cúng trong các đình làng (Thành hoàng...).

Một trong 4 bản sắc thần lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.jpg
Một trong 4 bản sắc thần lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
 

Theo nghiên cứu của TS.Nguyễn Khắc Thuần, trong lịch sử Việt Nam có khoảng 13.069 đạo sắc phong. Còn theo nghiên cứu của Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai - ông Lưu Văn Du thì tỉnh Đồng Nai hiện còn 37 đạo sắc phong lưu giữ tại các đình ở TP.Biên Hòa (19 đạo sắc), TX.Long Khánh (2 đạo sắc), các huyện: Long Thành (2 đạo sắc), Nhơn Trạch (4 đạo sắc), Vĩnh Cửu (9 đạo sắc) và Thống Nhất (1 đạo sắc).

Đạo sắc cổ xưa nhất ở tỉnh Đồng Nai hiện được lưu giữ tại đình Bình Thiền là vào đời Minh Mạng nhị niên (năm 1822), kế tiếp là đạo sắc đời Minh Mạng tam niên (năm 1823), Thiệu Trị tam niên (năm 1844) tại đình Bình Kính (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh). Ngoài ra, còn 25 đạo sắc đời Tự Đức ngũ niên (năm 1852) và 9 đạo sắc đời Khải Định nhị niên (năm 1918) lưu giữ tại các đình, như: Tân Lân, Bình Trước, Tân Mai, Bình Tự, Thành Hưng, Hóa An, An Hòa (TP.Biên Hòa), Tân Lập, Xuân Lộc (TX.Long Khánh), Phước Nguyên, Long Đức (huyện Long Thành)…

Về hình thức, các sắc phong hiện đang lưu giữ tại tỉnh Đồng Nai làm bằng chất liệu giấy màu vàng, in chìm hình rồng ẩn trong mây, xung quanh có khung hoa văn, mặt sau có vẽ quyển thư, hoa lá. Sắc được viết bằng chữ Hán từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, bút lực sắc xảo, triện đỏ hình vuông nằm bên góc trái dưới niên hiệu vua ban sắc.

Sắc phong truyền tải lại cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về têntuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử như quê quán, công trạng và xếp hạng phù hợp (thượng, trung, hạ đẳng thần), biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó; nó chứa đựng một số thông tin có thể bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng dân gian. Qua sắc phong người ta có thể biết thêm những thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, sở dĩ các sắc phong tồn tại được đến ngày nay, dù trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều tác động của thiên nhiên và con người là do được viết trên chất liệu giấy sắc hay còn gọi là giấy Nghè. Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt để chuyên cung cấp cho triều đình sử dụng. Loại giấy này quý trước hết là ở nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, có thể tồn tại hàng trăm năm mà không hề hư hỏng.

Có thể nói, sắc phong là một di sản quý của dân tộc và là nguồn tư liệu quý hiếm để nghiên cứu về thể chế của các triều đại nhà nước phong kiến; vì thế cần được bảo vệ và nghiên cứu hơn nữa để phát huy tác dụng.

* Tài liệu tham khảo:

- Bài Tìm hiểu thêm về sắc phong triều Nguyễn, Tôn Thất Thọ, in trong Tạp chí Xưa và Nay, số 499.

- Bài Thiêng liêng sắc thần, tác giả Thanh Thúy, in trên Báo Đồng Nai.

 

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.