Di tích khảo cổ Cầu Sắt nằm ven suối Ba Gió trên vùng đất đỏ bazan, cao tuyệt đối trên 100m, đất đai khí hậu và cảnh quan thuận lợi cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển. Vì vậy, khu vực Cầu Sắt là nơi được cư dân tiền sử tận dụng làm nơi sinh sống trong giai đoạn dài với diện phân bố rộng. Trải qua thời gian với nhiều thay đổi, hiện nay, di tích đã được khoanh vùng bảo vệ trong khu đất của gia đình ông Trần Quốc Hùng, ấp 2, xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với diện tích 1000m2, phía Bắc giáp suối Ba Gió, phía Đông giáp nhánh của suối Ba Gió và thửa đất 22, phía Tây giáp ranh suối Ba Gió.

Ông Nguyễn Hồng Ân - PGĐ Sở VHTTDL trao bằng xếp hạng di tích
Di tích khảo cổ Cầu Sắt được phát hiện lần đầu vào năm 1975 trải qua hai đợt khai quật năm 1976 và 2021, các nhà khảo cổ học đã xác định Cầu Sắt là di tích cư trú có tính chất quan trọng trong diễn trình lịch sử văn hóa Đồng Nai.
Di tích khảo cổ Cầu Sắt góp phần làm phong phú nguồn di sản của các thế hệ cư dân cổ trên vùng đất Long Khánh - Đồng Nai. Qua kết quả từ các lần thăm dò, khai quật và thông qua những hiện vật thu thập được, căn cứ trên nguồn gốc địa hình và các dữ kiện lịch sử, các nhà khảo cổ học đã xác định di tích khảo cổ Cầu Sắt thuộc loại hình cư trú chứa đựng nhiều giá trị lớn về vật chất - tinh thần, khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội của cư dân cổ nơi đây. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật đa dạng, phong phú, đặc biệt là công cụ sản xuất như: Rìu tứ giác, rìu có vai, bàn mài và đồ gốm… chứng tỏ cư dân cổ đã sinh sống tại đây trong thời gian từ 5.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay.
Di tích Cầu Sắt là một trong những di tích được phát hiện từ năm 1975 ở Đông Nam bộ và biểu thị cho giai đoạn sớm nhất trong truyền thống văn hóa Đồng Nai. Những phát hiện mới tại di tích khảo cổ Cầu Sắt qua các lần khai quật đã mở ra cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hướng tiếp cận mới về một nền văn hóa cổ tồn tại hàng ngàn năm trên vùng đất Long Khánh - Đồng Nai. Với những giá trị nêu trên, ngày 05-5-2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1448/QĐ-UBND về xếp hạng di tích khảo cổ Cầu Sắt, thành phố Long Khánh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Ân Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Long Khánh nói chung và di tích khảo cổ Cầu Sắt nói riêng, trong thời gian tới, khi Luật Di sản văn hóa năm 2024 có hiệu lực và chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động, tôi đề nghị Bảo tàng Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các phường, nhất là phường Bình Lộc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Cầu Sắt hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền cơ sở sẽ đồng hành cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích để di tích khảo cổ Cầu Sắt xứng tầm với vị thế của một di tích cấp tỉnh, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”./.
Trần Nhung