Tượng đồng tê tê Long Giao, niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ II được công nhận là Bảo vật Quốc gia thông qua Quyết định số 1712/QĐ-TTg năm 2024. Đây là một hiện vật độc bản, có tính bản địa và mang giá trị lịch sử, nghệ thuật độc đáo, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.
Năm 1985, tượng được phát hiện ở độ sâu 40cm tại khu vực Long Giao, cùng địa điểm với bộ sưu tập qua đồng Long Giao. Năm 1986, tượng được trưng bày tại Nhà truyền thống Nông trường Cao su Cẩm Mỹ, trước khi được chuyển giao cho Bảo tàng Đồng Nai để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Các đồng chí Lãnh đạo cắt băng khai mạc triển lãm
Tượng có trọng lượng 2,65kg, được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp nhiều mang, tạo hình thuộc dòng tượng tròn. Chất liệu đồng thau và lớp patina màu xám xanh bên ngoài càng làm tăng giá trị cổ xưa của tác phẩm. Tượng mô phỏng tê tê Java (Manis Javanicus) một cách tinh xảo, với cấu trúc từ phần đầu, mõm dài, tai và mắt nhỏ, cho đến lớp vảy từ cổ đến đuôi. Đặc biệt, hình dáng cân đối, sống động và các chi tiết chế tác tỉ mỉ phản ánh sự tài hoa của nghệ nhân luyện kim vùng Đồng Nai thời kỳ đầu Công nguyên.
Tượng đồng tê tê Long Giao minh chứng cho một giai đoạn lịch sử quan trọng – thời kỳ nhà nước sơ khai tại Đông Nam Bộ, khi một trung tâm luyện kim và đúc đồng thực sự tồn tại. Đồng thời, sự kết hợp giữa nghệ thuật và tín ngưỡng trong tác phẩm khẳng định sự phát triển vượt bậc của nền văn hóa tiền sử - sơ sử tại lưu vực sông Đồng Nai.
Tượng đồng tê tê Long Giao không chỉ là một hiện vật nghệ thuật tuyệt mỹ mà còn là bằng chứng quan trọng về tài năng đúc đồng bậc thầy và sức sáng tạo của người xưa. Đây thực sự là một di sản quý giá, khẳng định vị trí của Đồng Nai trong lịch sử văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.
Dịp này, Bảo tàng Đồng Nai cũng tổ chức Triển lãm “Nghề Luyện kim cổ ở Đồng Nai”.
Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai là một trong những minh chứng quan trọng cho sự phát triển của nền văn minh Đông Nam Á. Khoảng 3.000 năm trước, nghề đúc và luyện kim đồng thau đã phổ biến ở Đồng Nai, với nhiều hiện vật như rìu, giáo, lao, mũi tên, và lục lạc được chế tạo thông qua kỹ thuật đúc khuôn hai mang “liên hoàn”. Những hiện vật này đã phản ánh sự tiến bộ kỹ thuật trong chế tác kim loại, sự tinh tế và đa dạng trong công nghệ chế tác của người xưa.
Với 300 hiện vật và hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai từ ngày 11 tháng 4 cho đến ngày 30 tháng 5 năm 2025, khách tham quan có thể tìm hiểu không những về việc phát triển kỹ nghệ luyện kim ở Đồng Nai mà còn về nguồn gốc, vai trò kinh tế-xã hội, và tác động của đồng thau trong đời sống thời bấy giờ./.
Tin, ảnh: Mạnh Hùng