• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Xếp hạng các di tích khảo cổ học Long Hưng, Tân Lại (thành phố Biên Hòa) và di tích lịch sử đền Thủy Lâm Động (huyện Định Quán)

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định xếp hạng các di tích khảo cổ Long Hưng, Tân Lại (thành phố Biên Hòa) và di tích lịch sử đền Thủy Lâm Động (huyện Định Quán).

16-5-2024 (2).jpg
Toàn cảnh đình Tân Lại

Di tích Đền Thủy Lâm Động xưa kia thuộc làng Phú Lâm, tổng Tà Lài, tỉnh Đồng Nai Thượng (nay ấp Hòa Bình, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Đền thờ được khởi tạo vào những năm đầu thế kỷ XX gắn với quá trình hình thành và phát triển đồn điền cao su Túc Trưng. Đền Thủy Lâm Động tọa lạc trên khu đất có diện tích 1.531m2, gồm các hạng mục: Cổng, tiền đền, cung đệ nhất, cung đệ nhị và cung đệ tam, động sơn trang, hậu tổ, gian thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, lầu cô - lầu cậu, nhà khách… Đối tượng thờ chính là: Mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải (Thủy) và phối thờ Chầu Lục, Chầu Bé, Bà Chúa Sơn Trang và 12 cô theo hầu, Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quán Thế Âm Bồ Tát và những người có công tạo dựng đền. Hàng năm, đền tổ chức lễ cúng gồm: Lễ tiệc Mẫu ngày 26/2 (âm lịch), lễ tiệc Bản Đền ngày 20/9 (âm lịch)….

Quá trình hình thành và phát triển đền Thủy Lâm Động gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân Đồn điền cao su Túc Trưng.

Các hoạt tế lễ tại đền Thủy Lâm Động gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng thực hành, sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Văn hóa tín ngưỡng thờ nữ thần (Mẫu) là văn hóa dân gian đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó đã được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa rộng khắp ra các vùng miền trên toàn quốc. Vì vậy, đền thờ Thủy Lâm Động với các hoạt tế lễ có sức thu hút, lan tỏa, trở thành một lễ hội lớn của khu vực, là di sản văn hóa phi vật thể đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay.

Di tích khảo cổ Long Hưng hiện tọa lạc trong phạm vi đình Long Hưng xã Long Hưng, Tp Biên Hòa. Di tích được phát hiện trước năm 1975 và được thám sát, khai quật vào các năm (1988, 2020) làm phát lộ nhiều di vật khảo cổ. Thông qua kết quả của các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ đặc biệt là năm 2020 các nhà khoa học đã phát hiện nền móng kiến trúc, gạch của các công trình thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo khoảng thế kỷ VII - XII, văn hóa Đại Việt - thời Nguyễn thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII.  Đây là cứ liệu khoa học quan trọng trong công tác nghiên cứu về loại hình kiến trúc văn hóa Óc Eo đến văn hóa Đại Việt - Thời Nguyễn.

Gắn liền với di tích khảo cổ Long hưng là đình Long Hưng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của nhân dân địa phương… Ngôi đình và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đình Long Hưng tồn tại và đồng hành đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Với kiến trúc đặc trưng của đình làng Nam Bộ, đình Long Hưng cho đến nay vẫn bảo lưu được nét truyền thống, tạo ra cái đẹp và nét thiêng cho ngôi đình…. Những giá trị di sản văn hóa ấy đóng góp không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Di tích khảo cổ Tân Lại thuộc khu phố 1, phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Di tích phản ánh giai đoạn lịch sử phát triển từ Tiền sử đến lịch sử (giai đoạn sớm thuộc văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo, giai đoạn muộn thuộc thời kỳ nhà Nguyễn), mỗi giai đoạn phản ánh văn hóa của nó, góp phần làm phong phú nguồn di sản của các thế hệ cư dân cổ trên vùng đất Đồng Nai. Bên cạnh đó, cùng với đình Tân Lại, những hiện vật phát hiện dưới lòng đất Tân Lại đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu tiến trình của lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là cứ liệu khoa học quan trọng trong công tác nghiên cứu về loại hình kiến trúc văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo và thời nhà Nguyễn trên vùng đất này.

Ngoài ra, đây là di tích cư trú, kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị lớn về vật chất - tinh thần, khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội của cư dân cổ nơi đây. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai chứng tỏ cư dân cổ đã sinh sống tại đây trong thời gian từ 2.500 đến 3.000 năm cách ngày nay.

Gắn liền với di tích khảo cổ đã được các nhà nghiên cứu đào thám sát, khai quật là đình Tân Lại - một công trình kiến trúc được xây dựng còn bảo lưu những nét kiến trúc truyền thống, tiêu biểu của đình làng Nam Bộ gồm mặt bằng xây dựng kiểu chữ Tam (), Chánh điện kiểu “tứ trụ”, mái dạng “bánh ít”. Nghệ thuật chạm khắc trên hoành phi, long đình, đồ thờ cúng bằng gỗ tinh xảo, hoa văn trang trí theo mô típ, đề tài truyền thống, sơn son, thếp vàng tạo nên vẻ đẹp và nét thiêng cho ngôi đình. Đây là những hiện vật, tài liệu quý, giúp cho việc nghiên cứu kiến trúc đình Tân Lại nói riêng và hệ thống đình làng Đồng Nai nói chung./.

Trần Nhung​