• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

“Hãy nói lời yêu thương”

Đó là chủ đề buổi nói chuyện chuyên đề được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho hơn 200 học sinh trường trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Trường Phổ thông Năng khiếu Thể thao vào sáng ngày 25/11. Khách mời chương trình: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức Kmi, Hiệu trưởng -Trường Cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức VABIS

27-11-2023 (4).JPG
 Thầy Phùng Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường TCVHNT Đồng Nai tặng hoa cho khách mời tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng

Hoạt động được tổ chức nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12) năm 2023 nhằm trang bị, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng ứng xử trong gia đình.

27-11-2023 (5).JPG


Tại buổi nói chuyện các em đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng trình bày về các vấn đề: cách lắng nghe và thấu hiểu, giải pháp giải quyết các xung đột và hãy nói lời yêu thương. Trong quá trình diễn ra buổi nói chuyện khách mời nhận được nhiều câu hỏi trao đổi, tương tác về các vấn đề và khó khăn mà các em học sinh đang quan tâm: Xử lý các mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình, làm sao kết thúc vòng lặp bạo lực...

27-11-2023 (6).JPG
Các em học sinh tham gia đặt nhiều câu hỏi cho khách mời về các vấn đề các em quan tâm

“Hãy nói lời yêu thương” chính là thông điệp mà Ban Tổ chức mong muốn lan tỏa từ chương trình: Hãy nói lời yêu thương một cách thật lòng với mọi người xung quanh, đặc biệt là với người thân của mình. Vì tình thương yêu có sức mạnh rất lớn, nó giúp người khác vững tin hơn trong cuộc sống, giúp người khác vượt qua gian khổ và có sức cảm hóa. Những lời nói yêu thương cũng sẽ là sợi dây gắn kết các thành viên giúp cho gia đình thêm hạnh phúc, anh em bạn bè thêm thuận hòa. 

27-11-2023 (7).JPG

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng với Ban Giám hiệu Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai và học sinh hai trường

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội.

Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/9/1981 sau khi quốc gia thứ 20 thông qua. Đây là điều ước quốc tế quan trọng nhất và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ.

Ngày 18/12/1982, Việt Nam đã tham gia phê chuẩn công ước này. Công ước đã đưa ra một định nghĩa đầy đủ về khái niệm “không phân biệt đối xử” và khẳng định: “Sự phân biệt đối xử với phụ nữ vi phạm các nguyên tắc về quyền bình đẳng và sự tôn trọng phẩm giá con người, là một trở ngại đối với việc phụ nữ tham gia bình đẳng với nam giới vào đời sống chính trị, xã hội và gia đình, gây khó khăn cho sự phát triển đầy đủ các khả năng tiềm tàng của phụ nữ trong việc phục vụ đất nước và loài người”.

Liên hợp quốc đã lấy ngày 25/11 hàng năm làm ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế, là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy các hành động để chấm dứt nạn bạo lực này./.

Như Quỳnh​