• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Những tư tưởng lớn trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng văn hóa

Năm nay toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Đây là dịp để chúng ta xem xét, đánh giá về những công việc đã làm, rút ra những kinh nghiệm, những bài học, ôn lại những chặng đường đã đi để tiếp tục thực hiện thật tốt Di chúc của Bác: “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Cũng như mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân trong xã hội, xem xét lại việc thực hiện Di chúc của Bác trong thời gian qua để thấy dược những tư tưởng lớn trong di chúc của Người để từ đó tìm ra những giải pháp để tiếp tục thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người trong thời gian tới.

images2225476_a2__4_.jpg
Lãnh đạo tỉnh tham quacác tư liệu hình ảnh về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Chăm lo công tác xây dựng Đảng

Những dòng đầu tiên trong di chúc gửi lại, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là “Trước hết nói về Đảng". Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo công tác xây dựng Đảng. Ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân mà còn thấy rằng, sức mạnh của quần chúng chỉ được phát huy đầy đủ khi có một Đảng cách mạng lãnh đạo.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong 50 năm qua ngành tư tưởng - văn hoá thường xuyên tuyên truyền toàn Đảng, toàn dân chăm lo nhiệm vụ xây dựng Đảng, xác định đó là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định để bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp, các ngành đã tập trung tổ chức chỉ đạo tốt công tác học tập, quán triệt các văn kiện Đảng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng về quan điểm, đường lối, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các chủ trương, chính sách lớn, đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tư tưởng lệch lạc, sai lầm, phản động, độc hại, tự chuyển hóa - tự diễn biến, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, bảo vệ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

2.Hết lòng phục vụ Tổ quốc, chăm lo đời sống nhân dân

Đối với nhân dân ta, Bác Hồ bao giờ cũng dành một tình thương yêu hết sức đặc biệt. Lúc còn sống, Bác thường nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Lúc sắp đi xa, Bác còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thế bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, cả cuộc đời Bác “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Trong tâm niệm cuối đời, Bác cũng chỉ lo cho nhân dân, Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Bác còn viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”.

Tuy nhiên, hiện nay khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước trong khu vực và trên thế giới còn lớn. Kinh tế nước ta có bước phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc. Nhiều vấn đề xã hội còn khá bức xúc. Tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vẫn còn cao. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta những trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi công tác tư tưởng - văn hoá phải biết phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh của toàn dân tộc, các cơ hội của sự phát triển, vượt qua thách thức, xây dựng ý chí tự cường dân tộc, động viên mọi người vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, cho cộng đồng và toàn xã hội, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, thực hiện bằng được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

3.Nêu cao lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Trong Di chúc, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Di chúc đã thể hiện ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Nước ta là một, dân tộc ta là một” cũng như niềm tin của Người vào sức mạnh của dân tộc, vào sự tất thắng của chính nghĩa cách mạng nước ta. Di chúc của Người cũng thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam,“Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Cũng chính vì lẽ đó nên tư tưởng văn hóa cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng xa lạ, thù địch với lý tưởng, mục tiêu của Đảng, chống chủ nghĩa cơ hội, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

4. Gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Đảng ta đã phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn xây dựng tinh thần quốc tế cộng sản trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, coi đó là một nguồn lực tinh thần và vật chất hết sức quan trọng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoà bình hiện nay. Hiện nay, Đảng ta đề ra chính sách “mở cửa”, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước. Một mặt, chúng ta ra sức xây dựng các quan hệ tốt với các bạn bè trên thế giới, mặt khác, chúng ta cũng mở rộng giao thương trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh... nhằm tạo điều kiện giữ vững hoà bình và ổn định để phát triển đất nước. Nhờ đó, nước ta đã thoát được thế bị bao vây, cấm vận; uy tín và vị thế của nước ta trên thế giới ngày càng được tăng thêm.

Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng ta, công tác tư tưởng - văn hoá đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phương châm đối ngoại của Đảng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện để phát triển hơn nữa các hoạt động đầu tư và liên kết kinh tế với nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc giao lưu, hợp tác về kinh tế, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật với các nước cũng được tăng cường đã nâng cao sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước. Bên cạnh việc giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngành tư tưởng văn hóa còn quan tâm bồi dưỡng tinh thần đoàn kết quốc tế, thủy chung với bạn bè, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, vị kỷ dân tộc.

5. Về việc riêng

Trong Di chúc, Bác Hồ dành 79 chữ để nói “về việc riêng”. Tuy nói việc riêng, nhưng cũng chỉ là vì lợi ích chung. Người viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Người khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Cả cuộc đời của Người là thuộc về Tổ quốc, cách mạng và nhân dân, Người sống bằng niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc của nhân dân và vì vậy Người sống mãi trong tâm hồn nhân dân. Những điều Bác Hồ nói về mình đã làm cho toàn bộ Di chúc trở thành một luận văn chính trị trong sáng, cao cả, ngang tầm những nhà tư tưởng của mọi thời đại.

Có thể nói rằng, Di chúc là công việc cuối cùng rất có ý nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể làm cho Đảng, cho nhân dân, đem lại niềm tin, sức mạnh mới cho cả dân tộc. Từ những cán bộ chuyên trách của cơ quan tư tưởng và văn hóa của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, những cán bộ làm công tác trên các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, xuất bản, báo chí, thông tin cổ động, ở đâu, trên cương vị nào cũng đều coi Di chúc của Bác là lẽ phải, tình yêu của mình, là điều tâm niệm cho cả cuộc đời và sự nghiệp của mình. Trong chiến tranh, đội quân những người làm công tác tư tưởng - văn hoá, báo chí, nghệ thuật đã đến tận mọi chiến hào, với mỗi đồng bào, chiến sĩ làm tốt công tác tuyên truyền, huấn học, động viên, cổ vũ toàn dân đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ, nhân viên ngành tư tưởng - văn hoá trong cả nước quyết tâm khắc phục những khó khăn, khuyết điểm yếu kém, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vươn lên góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đại hội XI của Đảng đề ra, thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến cơ bản về chính trị tư tưởng trong cả nước và nâng cao chất lượng hoạt động tư tưởng về mọi mặt. Và thực tế đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh - Di chúc Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam, trong tình cảm kính yêu của những người làm công tác tư tưởng - văn hoá cả nước.

                                                                                                                    Hồng Hạnh (Thư viện tỉnh)​