• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Tác phẩm: “Di tích lịch sử Nhà lao Tân Hiệp”

Là vùng đất cổ, Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Tiêu biểu hơn cả là di tích lịch sử cấp Quốc gia: Nhà lao Tân Hiệp – nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá khám với quy mô lớn và đỉnh cao của quá trình đấu tranh bất khuất của những người cộng sản, người yêu nước vào năm 1956. Hiện nay di tích tọa lạc ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
 

mo-hinh-tra-tan-o-nha-lao-tan-hiep.jpg
Để biết nhiều hơn về những giá trị của di tích lịch sử này, bạn đọc tìm hiểu qua tác phẩm: “Di tích lịch sử Nhà Lao Tân Hiệp” của nhà xuất bản Đồng Nai in xong và nộp lưu chiểu tháng 11 năm 2015.

144 trang sách được trình bày trong sáu phần,tập hợp những bài viết và những hình ảnh trực quan sinh động giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển di tích. Đồng thời nêu lên tầm quan trọng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Mở đầu tập sách là phần giới thiệu vùng đất Tân Tiến - Biên Hòa xưa và nay. Biên Hòa là thành phố duy nhất của tỉnh Đồng Nai tính đến nay, trong đó phường Tân Tiến được thành lập năm 1976, là một phường nội ô của thành phố Biên Hòa. Đây là phường có lịch sử hình thành khá lâu và cũng là phường có điều kiện kinh tế xã hội phát triển của Thành Phố Biên Hòa nên việc hình thành và tồn tại rất nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo là tất yếu.

Thông qua phần hai của tác phẩm, độc giả thấy sự hình thành và phát triển di tích trước và sau ngày giải phóng miền Nam. Có thể nói, trong những năm chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, chế độ Mỹ Ngụy đã gây ra nhiều tội ác đối với đồng bào ta, cùng với các nhà lao trên mảnh đất miền Nam, Nhà lao Tân Hiệp thực sự là một địa ngục trần gian, một công cụ khủng bố tàn bạo nhằm thực hiện âm mưu tiêu diệt tinh thần, ý chí, bất khuất của những người cộng sản, những người yêu nước và tiêu diệt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

Phần ba là phần giúp bạn đọc cảm nhận sâu sắc nhất về dấu ấn lịch sử của cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Những trang sách tái hiện lại cảnh tra tấn tù chính trị của Mỹ Ngụy. Chính vì lẽ đó, nguyện vọng vượt ngục trở về với cách mạng đã tôi luyện thành ý chí, thành chủ trương và hành động của người tù. Buổi chiều lịch sử ngày 02/12/1956 đã đưa cả 462 đồng chí thoát khỏi sự giam cầm, đày đọa của Mỹ Ngụy trở về với Đảng, với nhân dân, đưa cách mạng miền Nam sang một trang mới, chuẩn bị cho phong trào đấu tranh khởi nghĩa vũ trang tiến lên Đồng Khởi.

Ở phần bốn, sách viết về sau ngày nổi dậy, Nhà lao Tân Hiệp có nhiều thay đổi: Song song với việc củng cố bộ máy quản lý nhà lao, Mỹ Ngụy ra sức đàn áp, khủng bố anh em tù chính trị còn ở lại. Hậu quả sự tra tấn, đàn áp của Mỹ Ngụy đối với các chiến sỹ cách mạng, người yêu nước tại nhà lao Tân Hiệp rất khủng khiếp. Hàng trăm người bị giết hại, hàng ngàn người bị thương tật, tàn phế, di chứng còn tồn tại đến ngày hôm nay và cả thế hệ mai sau. Tuy nhêm, những chiến sĩ ấy vẫn hiên ngang không hề gục ngã, nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết, tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến với Nhà lao Tân Hiệp ngày nay, chúng ta sẽ được mở rộng tầm nhìn về kiến trúc và lễ thức tại di tích khi đọc tới phần năm của tập sách. Đó là những dấu tích của quá khứ lich sử như: Cổng Nhà lao, phòng ngủ lính gác, đồn canh, kho súng, tháp canh tất cả được xây bằng vật liệu kiên cố. Thu hút nhất là đài tưởng niệm cao vút, nằm giữa khuôn viên di tích. Mặt trước của đài tưởng niệm mô phỏng rõ nét hình ảnh những người tù đang nổi dậy giật tung xiềng xích, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí cách mạng, nghị lực vươn lên không chịu khuất phục trước Mỹ Ngụy. Đây còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có sức hút mạnh mẽ và cảm xúc đối với người xem. Đồng thời là một công trình nghệ thuật có ý nghĩ sâu sắc với nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai.

Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp - Biên Hòa ngày 02/12/1956 đã làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, là mốc son chói lọi trong truyền thống đấu tranh của nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích là rất quan trọng trong quá trình tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của nhân dân Đồng Nai nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung. Đây cũng là nội dung phần cuối của tác phẩm muốn gửi gắm đến người đọc./.

                                                                                                                       YênYên – Thư viện Đồng Nai​