• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Vai trò gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề này đã được nêu lên cùng nhiều ý kiến về giải pháp tại hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức nhân Ngày gia đình Việt Nam 28-6.

hinh-anh-gia-dinh-hanh-phuc-13.jpg

Tại Hội thảo khi phân tích một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên lại thấy phần lớn xuất phát từ yếu tố gia đình.Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của họ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường. Bản thân cha mẹ chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại, thiếu trách nhiệm với trẻ… Nhiều phụ huynh chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng của vấn nạn này và những hậu quả mà nó gây ra cho trẻ, cho gia đình và xã hội. Nếu như cha mẹ chủ động trao đổi, cung cấp những thông tin, kỹ năng liên quan phòng, tránh các rủi ro và các nguy cơ do nghiện trò chơi trực tuyến, bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, nghiện các chất ma túy… thì lại ngại ngần trong trao đổi các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản, các nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc vấn đề bị lạm dụng, xâm hại tình dục…Giáo dục kỹ năng sống được xem như một thành tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách tích cực không chỉ cho thanh thiếu niên mà còn rất có ý nghĩa đối với cả những người trưởng thành. Giáo dục giới tính là một trong những cấu phần không thể thiếu trong các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Để bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ. Gia đình, trước hết là bố mẹ cần nhận thức đúng đắn và cung cấp kiến thức, kỹ năng dành cho trẻ có thể tự bảo vệ bản thân. Những kỹ năng này có thể đơn giản nhưng cũng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết.

IMG_2285.JPG


Quyền và bổn phận của Trẻ em

Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Quyền trẻ em là những đòi hỏi cơ bản, chính đáng mà trẻ em cần phải có để đảm bảo tồn tại và phát triển một cách tốt nhất.

1. Nhóm quyền sống còn: Trẻ em có quyền được sống; được khai sinh và có quốc tịch; được chăm sóc, nuôi dưỡng; được sống chung với cha mẹ và được chăm sóc sức khỏe khi bị ốm đau.

2. Nhóm quyền được phát triển: Trẻ em có quyền được chăm sóc dinh dưỡng, sức khoẻ để phát triển về thể lực; được vui chơi, giải trí; được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu để phát triển về trí tuệ; được bảo đảm an sinh xã hội.

3. Nhóm quyền được bảo vệ: Trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; được bảo vệ khỏi chất ma túy, khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang,...

4. Nhóm quyền được tham gia: Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, được bày tỏ ý kiến và hội họp, được tham gia ý kiến đối với những vấn đề liên quan đến cuộc sống của trẻ em.

Trẻ em cũng có các bổn phận đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương, đất nước và bản thân trẻ em

Những nguyên tắc an toàn chung

1. Hãy ghi nhớ tên, địa chỉ gia đình, tên cha mẹ, số điện thoại nhà riêng hoặc của bố/mẹ và người thân mà con tin cậy, số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để gọi trong các trường hợp khẩn cấp.

2. Luôn hỏi ý kiến và thông báo cha mẹ hoặc người chăm sóc mỗi khi con ra khỏi nhà, nói con đi đến đâu, đi bao lâu, đi với ai, bao giờ thì quay về nhà…

3. Luôn hỏi ý kiến cha mẹ hoặc người chăm sóc về việc nhận bất cứ một món quà nào từ người khác, kể cả đó là người quen biết.

4. Không bao giờ đi đâu một mình, kể cả là đi học, đi chơi, nhất là đi vào buổi tối.

5. Luôn cương quyết nói không mỗi khi có người nào đó động chạm vào con hay đối xử với contheo cách mà con cảm thấy lo sợ, không thoải mái hay bối rối.

Những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho con khi ở trường hoặc ở những nơi công cộng

1. Hãy tin vào cảm xúc, suy nghĩ và linh cảm của mình. Nếu cảm thấy sự an toàn của mình bị đe dọa, con hãy kể lại cho tới khi có người lắng nghe vấn đề của con, tin vào câu chuyện của con và nhận lời giúp đỡ con.

2. Không bao giờ đi ra khỏi trường một mình, nhất là những đoạn đường vắng vẻ.

3. Hãy kể lại với thầy cô giáo, cha mẹ, bạn thân, người thân để được giúp đỡ nếu có ai đó đe dọa con trên đường đến trường và hãy tránh xa người đó.

4. Nói “KHÔNG” nếu có ai đó nói cho con đi nhờ xe, kể cả người con biết mà con không thấy tin tưởng, thoải mái khi đi cùng.

5. Nếu có ai đó đi theo con, hãy cố gắng thoát ra càng nhanh càng tốt và hãy kể lại cho cha mẹ hoặc người chăm sóc con biết chuyện gì đã xảy ra.

6. Nếu có ai đó bắt con đi đâu đó, hãy cố chạy thoát và kêu to để được trợ giúp.

7. Hãy báo tin cho cha mẹ hoặc người chăm sóc con được biết nếu kế hoạch của con có gì thay đổi sau khi con tan học.

8. Không bao giờ chơi ở công viên hoặc nơi vắng một mình. Nếu con đi một mình từ trường về nhà, hãy kiểm tra mọi việc xung quanh trước khi bước vào nhà. Khi đã vào trong nhà, tuân thủ nguyên tắc an toàn khi ở nhà và báo cho cha mẹ, người chăm sóc con biết là con đã về nhà an toàn

watermarked-gd-hp.jpg


Những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho em trên môi trường mạng

1.Con hãy chú ý trong việc cài đặt và bảo vệ riêng tư của bản thân. Con nên lựa chọn những mật khẩu mạnh và thay đổi mật khẩu thường xuyên, không chia sẻ mật khẩu cho người khác để tránh bị đánh cắp.

2. Hãy cân nhắc trước khi kết bạn trên mạng xã hội. Con nên đặt ra những tiêu chuẩn kết bạn như "có bạn bè chung", "cùng trường", "con có quen biết", v.v... và kiểm tra danh tính hồ sơ trước khi kết nối bạn bè. Hãy sử dụng chế độ chặn hoặc chấm dứt kết nối với những người khiến con cảm thấy không thoải mái khi giao tiếp trên mạng.

3. Đăng xuất tài khoản sau khi sử dụng, nhất là khi con đăng nhập vào tài khoản bằng máy tính, điện thoại của người khác hoặc ở quán internet.

4. Hãy chia sẻ thông tin cá nhân của con một cách có suy nghĩ và cân nhắc. Con chỉ nên chia sẻ các bức ảnh, video của cá nhân con, vị trí hiện tại con đang ở và tất cả những thông tin cá nhân khác của con cho người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết.

5. Không chia sẻ những thông tin mà con không rõ nguồn gốc, tiết lộ thông tin cá nhân của người khác hoặc phát tán những hình ảnh, video chứa đựng những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm.

6. Nếu con đã kết bạn qua mạng với một ai đó và quyết định gặp mặt họ thì hãy đi cùng với một người lớn mà con tin tưởng, không nên đi một mình.

7. Con hãy ủng hộ các thông điệp tích cực trên mạng; phản đối lại những hành vi bắt nạt trên mạng bằng cách lờ đi hoặc không phản hồi lại sự công kích của họ.

8. Hãy kiểm soát thời gian sử dụng internet. Đừng để internet điều khiển cuộc sống của con.Hãy nhớ rằng con còn nhiều nhiệm vụ khác ở ngoài đời thực.

9. Hãy mạnh dạn kế lại ngay với bố, mẹ và những người lớn mà con tin tưởng để đề nghị sự giúp đỡ nếu có điều gì trên môi trường mạng khiến con cảm thấy khó chịu và bất an.

Con cần cảnh giác khi ai đó:

Thường xuyên lai vãng nơi con vui chơi. Làm quen, làm thân với con (Ví dụ: cho con quà, cho con đi nhờ xe, nhờ con giúp họ một việc gì đó khiến con ở vào tình thế chỉ có một mình, đối xử với con khác hẳn các bạn khác, nói rằng con thật sự đặc biệt, thật khác lạ và là người duy nhất thật sự hiểu họ…)

Muốn dùng thời gian ở riêng một mình với con hoặc tạo lý do để đưa con dến những nơi chỉ có một mình con với họ.

Không tôn trọng sự riêng tư của con (Ví dụ: bước vào nhà tắm khi con đang tắm, bước vào phòng riêng của con khi con đang thay quần áo, đứng gần giường ngủ của con mà không có ý do nào cả…)

Cố tình phơi bày những vùng kín trên cơ thể của họ cho con thấy, tìm cách đụng chạm vào những vùng kín trên cơ thể con hoặc yêu cầu con làm như thế đối với họ.

Có hành vi lấm lét, bí hiểm. Nói với con là “đừng kể với ai”, yêu cầu con “giữ bí mật” hoặc đe dọa sẽ làm hại con nếu con nói với người khác về những gì họ đã làm với con

5 loại báo động

Báo động nhìn: Nếu ai đó nhìn vào bộ phận riêng tư/khu vực đồ bơi của con (trực tiếp hay qua mạng xã hội)

Báo động sờ/ chạm: Nếu ai đó sờ vào bộ phận riêng tư/ khu vực đồ bơi của con

Báo động nói: Nếu ai đó nói với con về tình dục, phim khiêu dâm, bộ phận riêng tư của con/của ai đó…  (trực tiếp hay qua mạng xã hội)

Báo động ôm: Nếu ai đó ôm con

Báo động một mình: Nếu ai đó tạo tình huống chỉ có con với họ

Khi con cảm nhận 1 trong 5 báo động, hãy:

- Lập tức tránh xa càng xa càng tốt kẻ có hành động báo động

- Lập tức nhìn thắng, hét lên hoặc nói to kiên quyết “Không”, ”Dừng lại“; ”Tôi không cho phép”; “Nếu không dừng lại tôi sẽ nói cho mọi người biết..”

- Lập tức bỏ đi càng nhanh càng tốt khỏi nơi đó

- Lập tức kể ngay lại với người mình tin cậy nhất là cha mẹ.

quy-tac-ban-tay.jpg
Quy tắc 5 ngón tay

- Ngón cái - gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột: Những người này có thể ômhôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bésẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nếubất kỳ ai trong nhóm này chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to để nhận được sựtrợ giúp và nói với mẹ để được giúp đỡ kịp thời.

- Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè củacha mẹ: bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.

- Ngón áp út - người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu: bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Nếu con lo lắng về sự an toàn của bản thân con hay của người khác, con có thể

- Nói với cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè hay bất cứ người nào mà con tin tưởng.

- Gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111

- Gọi số điện thoại khẩn cấp 113 hoặc báo tin cho Công an nơi gần nhất.

Phải khẳng định, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống XHTD trẻ em. Mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ, phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại; giáo dục, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại. Cần dạy kỹ năng sống cho trẻ em trong gia đình, ngoài trường học, đồng thời tăng cường nâng cao biện pháp quản lý giáo dục con người trong gia đình và ngoài xã hội. Sự yêu thương, gần gũi, quan tâm của cha mẹ vừa là nền tảng quan trọng, vừa là “lá chắn” vững chắc để trẻ em phát triển, trưởng thành toàn diện về thể chất và nhân cách…                                                                

                                                                                                                                                    Như Quỳnh (t/h)