• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Vai trò, địa vị của phụ nữ trong gia đình xưa và nay

Ở nước ta chế độ mẫu hệ xuất hiện trong thời Hậu kỳ đồ đá cũ (khoảng 40 đến 11 ngàn năm cách ngày nay). Đây là thời kỳ địa vị của người phụ nữ được kính trọng hơn đàn ông, do con sinh ra chỉ biết đến người mẹ và người đàn ông chưa nắm quyền chi phối về kinh tế khi họ cũng chỉ sản xuất bằng hoặc thậm chí không bằng phụ nữ; người phụ nữ đảm nhiệm việc hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi sơ khai và phân phối thức ăn cho cả thị tộc, qua đó giữ quyền chi phối thị tộc, điều khiển công việc và điều hòa quan hệ giữa các thành viên. Có thể nói chính chế độ quần hôn của "thời đại mông muội" và loại hình kinh tế săn, câu ,lượm hái của thời nguyên thuỷ đã làm cho cho vai trò của người phụ nữ trong gia đình và thị tộc trở nên trọng yếu.

1.jpg

Cùng với sự phát triển của lịch sử thì xã hội thị tộc mẫu hệ dần phải nhường chỗ cho xã hội phụ hệ, trong đó vai trò người đàn ông là chính, là quyết định. Đặc biệt, bước sang thời kỳ phong kiến với sự du nhập của tư tưởng Nho gia thì địa vị của  người phụ nữ trong gia đình và xã hội chỉ còn được gói trọn qua ba trạng thái “Tại gia tọng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” có nghĩa là cả ba giai đoạn của đời người thời thơ ấu, khi trưởng thành, lúc xế chiều chỉ gói gọn trong hai chữ phục tùng. Gia đình luôn được xem là cái lõi của Nho gia thế nhưng Nho gia chưa bao giờ coi phụ nữ là trung tâm của gia đình và xã hội, mà chỉ được xem như là một bộ phận bên lề, trở thành một cái bóng ủ dột đến tội nghiệp trong chính gia đình mình. Phụ nữ ngày xưa không được đến trường vì cái lẽ đương nhiên là không bao giờ “đái qua ngọn cỏ”, trong khi đó đàn ông có quyền lực gần như vua trong cái “lãnh địa” gia đình. Quanh năm, suốt tháng mọi việc dù giỗ, tết trong làng hay ở họ người đàn ông vẫn là đại diện duy nhất có bổn phận đại diện cho gia đình và thế là mặc sức rong chơi với những cuộc nhậu mà không cần biết vợ con mình ở nhà ăn gì, nghỉ gì.

images.jpg
Trong thời kỳ phong kiến, người đàn ông luôn phấn đấu để trở thành mẫu người quân tử  với vai trò là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” và đây gần như là một nguyên tắc bởi vậy mọi hành động đi ngược lại quyền lực của người đàn ông được coi là tội lỗi, sự phản kháng của người phụ là không thể, nên đành cam chịu và lặng lẽ và đôi khi vẫn được hiểu sai là sự dịu dàng. Hàng ngàn năm Nho gia đã tước bỏ lâu dài mong ước được bày tỏ của người phụ nữ dù chỉ là một nổi niềm, họ chỉ được phép nhận những gì đàn ông có thể cho chứ không thể ngược lại, càng ở tầng lớp dưới trong xã hội, sự bất công càng lớn. Ở thời kỳ này, cái tuyệt vọng và cay nghiệt đối với số phận của người phụ nữ  còn ở vấn đề sinh con, đẻ cái khi mà quan niệm của xã hội là “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (trong ba điều bất hiếu cái lớn nhất là không có con để nối dõi tông đường) kỳ lạ thay chuyện sinh con trai hay gái là chuyện của chuyện đó, chuyện may rủi thế nhưng đối với Nho giáo lại xem tội lỗi này thuộc về người phụ nữ. Những người phụ nữ không may mắn chỉ biết suy sụp rất nhanh trước sự vô tri của thời gian, họ chẳng biết làm gì hơn khi không sinh con trai theo đúng “đơn đặt hàng” của xã hội.

Chế độ đa thê tồn tại hàng ngàn năm đã để lại nhiều di hại khó gột rửa, vai trò của người đàn ông trong gia đình và xã hội đã tạo ra lợi thế để xác lập chế độ gia trưởng, người phụ nữ chỉ biết phục tùng với chức phận nấu cơm, sưởi ấm và … sinh con. Bị trói buộc với vô vàn các bổn phận và nghĩa vụ như không được ăn cơm cùng mâm với chồng, không được lên nhà thờ thắp nhang lúc “đến tháng”, phải chịu đựng rất lâu, thật nhiều tình cảnh “ông ăn chả” mà bà không có điều kiện để “ăn nem”. Chế độ đa thê đã loại trừ lâu dài bóng dáng thần tình yêu ra khỏi cuộc sống, sẽ không ngạc nhiên khi cả phương Đông  nói chung và ở Việt Nam nói riêng lại vắng bóng vị thần tình yêu, trong khi đây là vị thần số một của văn minh phương Tây. Người Pháp có câu “phải có hai người mới có thể khen trời đẹp” thế nhưng ở phương Đông suốt ngàn năm phong kiến chỉ thấy bóng dáng của một người.

5_82800.jpg
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang đến cho người phụ nữ Việt Nam một món quà vô giá. Nhà nước chính thức khẳng định quyền bình đẳng không phân biệt giới tính nam nữ, Luật Bình đẳng giới cũng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2007. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay ý thức bảo thủ của Nho giáo được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ vẫn tiếp tục chi phối các mối quan hệ người đàn ông vẫn tiếp tục đi sớm về muộn, có thể tham gia bất kỳ cuộc vui nào nếu thích, trong khi ấy chắc chắn gia đình sẽ tan vỡ nếu vài ba lần người phụ nữ trong gia đình cũng làm như vậy; phụ nữ vẫn phải nhường nhịn, hy sinh cho chồng nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng và tiếp tục buồn tủi trước sự ích kỷ, ngạo mạn của đàn ông nói chung. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước ta thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007,  để đảm bảo pháp luật sẽ trừng trị cả chồng, hoặc vợ nếu thể hiện hành động bạo lực trong gia đình nhưng chắc chắn một điều rằng thiệt thòi vẫn thuộc về phụ nữ như nó vẫn thế từ lâu rồi. 

Đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đai hóa và hội nhập quốc tế,  quan niệm xã hội về địa vị của người phụ nữ rồi cũng khác xưa, phụ nữ được coi trọng và bình đẳng với nam giới, vì phụ nữ  ngày nay đã khẳng định được họ có thể gánh vác những trọng trách lớn của đất nước của gia đình và mọi vấn đề khác trong xã hội. Trong rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay người phụ nữ đã có một vị trí đáng kể về mặt thu nhập kinh tế, họ ít khi là lao động chính, vai trò đóng góp về kinh tế có thể là không nhiều nhưng khả năng “tích lũy” và “cầm giữ” là vấn đề trọng yếu của họ trong bài toán thu - chi của cuộc đời. Ước muốn thay đổi cái cũ đã nhàm chán là thuộc tính muôn đời nhưng chỉ đến bây giờ người phụ nữ mới thực sự có phương tiện hiệu quả và cần thiết./.

                                                                                                                           Nguyễn Trần Kiệt