• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Gia đình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, vị thế của gia đình. Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Gia đình và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, xã hội lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho các gia đình tiến bộ, gia đình hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa của xã hội. Gia đình còn là cầu nối mỗi người với xã hội, nhiều thông tin về xã hội tác động đến con người thông qua gia đình. Nhận thức về một con người sẽ đầy đủ và toàn diện hơn khi nhận rõ hoàn cảnh của người ấy. Thực tế cho thấy, nhiều nội dung quản lý xã hội không chỉ thông qua hoạt động của các thiết chế xã hội, mà còn thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến con người.

anh-dep-ve-bac-ho-26.jpg
Thế nào là một gia đình tốt? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh gia đình tốt là một gia đình trên thuận, dưới hòa, không thiên vị “Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hòa không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu song, có kế hoạch, có ngăn nắp” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000, trang 337)

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nhân cách con người, nhân cách con người tốt hay xấu điều do sự giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, trong giáo dục cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục nếu thiếu sự giáo dục trong gia đình hoặc giáo dục trong gia đình không phù hợp với yêu cầu xã hội sẽ hạn chế việc giáo dục, vì vậy cần kết hợp gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục. “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, vì vậy Người dạy “Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000,  trang 81, 251)

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ Đảng trong ngành Giáo dục “Phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” 

A1.jpg
Giáo dục trong gia đình, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi người nên nhắc nhở, dạy bảo nhau “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo” 

Thực hiện theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Hiến pháp năm 2013 có  gồm các Điều 18; 21; 26; 36; 37; 58 và Điều 60 nói về gia đình. Các Luật có liên quan: Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Luật Bình đẳng giới; Luật Người cao tuổi; Luật Trẻ em năm 2016…Ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ/TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc và ngày 21/02/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49/CT - TW về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 629/QĐ - TTg về “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.Các văn bản: Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020; Chương trình Giáo dục Đời sống gia đình 2020; Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ; Đề án kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020; Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020…

Tại Đồng Nai, công tác gia đình sớm được tỉnh quan tâm, được cụ thể hóa thành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp về công tác gia đình. Các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của ngành và cấp mình và đã thực hiện có hiệu quả. Từng bước hình thành nên một bộ mặt văn hóa mới; trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, ấp văn hóa, cụm dân cư văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động về công tác gia đình đã từng bước được cụ thể về nội dung, đa dạng về hình thức và được triển khai sâu rộng đến các địa bàn dân cư, tạo được sự quan tâm của các cấp, các ngành về công tác gia đình. Từ sự chuyển biến về nhận thức, các cấp ủy và chính quyền đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác về xây dựng gia đình vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bên cạnh đó, xác định công tác gia đình là tiêu chí để xem xét, đánh giá chất lượng đội ngũ đảng viên và chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh và là một trong những tiêu chuẩn để quy hoạch, đề bạt cán bộ; đối với hộ gia đình là tiêu chí để xét công nhận “gia đình văn hoá”. Năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 777 vụ, đến năm 2012 giảm xuống còn 463 vụ; năm 2015 toàn tỉnh chỉ xảy ra 158 vụ; năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 86 vụ. Một trong những biện pháp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình hiệu quả thiết thực trong công tác PCBLGĐ ở Đồng Nai là xây dựng những mô hình phòng, chống bao lực gia đình như: Nhóm phòng, chống bao lực gia đình; CLB gia đình, địa chỉ tin cậy cộng đồng; Nhà tạm lánh và đường dây nóng tin cậy. Qua triển khai thực hiện đến nay trên toàn tỉnh đã xây dựng được gần 800 CLB gia đình, hơn 900 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, trên 1.100 địa chỉ tin cậy cộng đồng, gần 50 CLB “Nam giới nói không với bạo lực gia đình” và 100% Trạm y tế xã, phường thực hiện nhiệm vụ làm Điểm tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình khám và điều trị kịp thời cho các nạn nhân bạo lực gia đình bị thương tích. Các mô hình này đã và đang hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần giảm thiểu đáng kể số vụ BLGĐ xảy ra tại cơ sở. Tỷ lệ Gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa năm 2018 là 98,92%.

0_hjxt.png


Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt, để gia đình tốt thì phải xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng gia đình là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Gia đình phát triển bền vững là nhân tố quan trọng góp phần ổn định xã hội, đồng thời cũng thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ./.

                                                                                                                                         Như Quỳnh (tổng hợp)

 

 ​