• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH, PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC, PHÒNG NGỪA ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI (Phần 1)

Giáo dục kỹ năng sống được xem như một thành tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách tích cực không chỉ cho thanh thiếu niên mà còn rất có ý nghĩa đối với cả những người trưởng thành. Giáo dục giới tính là một trong những cấu phần không thể thiếu trong các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Để bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ. Những kỹ năng này có thể đơn giản nhưng cũng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết. Việc giáo dục giới tính cho con có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”?. Trong bối cảnh hiện nay khi mà trẻ vị thành niên bước vào đời sống tình dục sớm và không biết các phương pháp tự phòng vệ, hơn nữa, tình trạng xâm hại tình dục và những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tâm thần của thanh thiếu niên. Vì vậy, giáo dục giới tính càng trở nên cần thiết vì nó chú ý trước tiên đến khía cạnh trách nhiệm, tâm lý, đạo đức, văn hóa ứng xử chứ không chỉ cung cấp những hiểu biết về sinh sản và tình dục.

 images946372_ba0_ve_con_xam_hai.jpg

I. GIÁO DỤC GIỚI TÍNH, PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC, ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI

1. Một số khái niệm liên quan Giáo dục giới tính

Giáo dục giới tính là môn học nhằm chuẩn bị cho thanh thiếu niên những hiểu biết để biết cách ứng xử với nhau một cách tôn trọng và có trách nhiệm và cũng để biết tự bảo vệ sức khỏe sinh sản. Mục đích sâu xa và quan trọng nhất của môn học này là xây dựng nhân cách cho vị thành niên, sao cho nhân cách ấy phất triển phù hợp với những yêu cầu, kỳ vọng của xã hội hiện đại. Theo định nghĩa của ngành y tế, giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người. Những cách giáo dục giới tính thông thường là thông qua cha mẹ, người chăm sóc, các chương trình trường học và các chiến dịch sức khoẻ cộng đồng. Giáo dục giới tính hướng tới việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh và có trách nhiệm giữa nam và nữ, dạy cho con trai và con gái biết sống và ứng xử phù hợp với vai trò giới, có hiểu biết về chính cơ thể mình và về các vấn đề lien quan đến tính dục và sinh sản, về các nguy cơ của hành vi tình dục không an  toàn để từ đó biết tự bảo vệ. Các em cần được chuẩn bị để biết suy nghĩ có trách nhiệm về hành vi tình dục, thay vì hành động theo bản năng, biết phòng tránh thai ngoài mong muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là về những nguy cơ lây nhiễm HIV/ AIDS. Giáo dục giới tính có thể được dạy một cách không chính thức, như khi một ai đó nhận được thông tin từ một cuộc trò chuyện với cha mẹ, bạn bè, sinh hoạt Đoàn thể hay qua truyền thông. Giáo dục giới tính cũng có thể được truyền dạy qua các tác giả với các tác phẩm về giới tính, chuyên mục báo chí, hay qua các trang web về giáo dục giới tính.

Xâm hại tình dục

Xâm hại tình dục trẻ em là tất cả các hành vi dụ dỗ, xúi bẩy, lôi kéo, ép buộc trẻ em thực hiện một số hành vi mang tính chất tình dục không phù hợp với lứa tuổi của các em. Hành vi nhìn chỗ kín (thị dâm), nói chuyện về vấn đề lien quan đến hoạt động tình dục, bộ phận sinh dục (khẩu dâm), nghe, động chạm, ôm đều có thể được xem là xâm hại tình dục. Khái niệm xâm hại tình dục được hiểu rất rộng chứ không chỉ là có hành vi quan hệ tình dục như nhiều người vẫn nghĩ. Xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như nhìn, rồi đến các việc dụ dỗ, cho trẻ xem phim khiêu dâm, dụ dỗ trẻ không mặc quần áo, sờ mó vào các chỗkín của trẻ, và cuối cùng là dâm ô, giao cấu, hiếp dâm với trẻ. Tất cả các hình thức đó được định nghĩa là xâm hại tình dục trẻ em.

2. Có cần thiết giáo dục giới tính cho trẻ không?

mfz1479266259.jpg
Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình. Điều chắc chắn là con số thực sẽ là con số lớn hơn nhiều so với số liệu đã được thống kê bởi các cơ quan ban ngành do có nhiều trường hợp hoặc là chưa có kỹ năng nhận biết, tố giác, hoặc là còn lo sợ chưa dám tố giác. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Mặc dù đã được nhìn nhận cởi mở và thẳng thắn hơn, nhưng tình dục và các vấn đề giới tính vẫn còn là vấn đề “khó nói” ở Việt Nam, nhất là trong môi trường giáo dục ở nhà trường và gia đình. Việc thiếu các kiến thức, kỹ năng an toàn tình dục là một trong những lỗ hổng quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở nhóm tuổi vị thành niên. Như vậy, việc giáo dục giới tính cho trẻ là rất cần thiết và cũng rất cấp thiết. Cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cũng như phòng ngừa các vấn đề tình dục cho trẻ. Không nhất thiết cha mẹ phải là chuyên gia am hiểu về vấn đề này mà chính thái độ của cha mẹ với vấn đề giới tính, tình dục là điều quan trọng để giúp trẻ định hướng đúng đắn. Cha mẹ cần chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình. Việc cha mẹ chú ý lắng nghe những chia sẻ của trẻ là điều rất cần thiết, điều này giúp cho trẻ có thể tự tin trao đổi với ba mẹ, không phải dấu diếm, sống dằn vặt sợ hãi một mình về bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào. Nên giáo dục giới tính và giáo dục tình dục cho trẻ vào thời điểm nào?

Trẻ em cần được giáo dục giới tính từ sớm, bắt đầu từ sự nhận biết về cơ thể, đến nhận biết về giới, nhận biết về kỹ năng bảo vệ mình, tôn trọng bạn khác giới, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống xâm hại tình dục. Trong giai đoạn con bạn từ 2 đến 8 tuổi, hãy giới thiệu cho con các bộ phận của cơ thể; tác dụng, tầm quan trọng và cách giữ vệ sinh; giúp con ý thức được vai trò của cơ thể và sự riêng tư của mình, đồng thời dạy con tránh tiếp xúc thân mật với những người khác giới con quen biết. Đến giai đoạn trẻ từ 9 - 14 tuổi, hãy dạy con cách nhận biết sự thay đổi cơ thể để con không hoang mang và hiểu đúng. Đồng thời dạy con giữ vệ sinh và giúp con hiểu những hệ lụy, cách phòng tránh vấn đề về giới tính.

Không nên né tránh mà hãy trả lời thẳng thắn các thắc mắc của con. Việc giáo dục giới tính ở giai đoạn này rất quan trọng, nó sẽ giúp con trẻ tránh khỏi những hoang mang về sự thay đổi bất thường trên cơ thể hay phòng tránh được những tác hại và nguy hiểm về tình dục để con có thể phòng tránh.

Khi đến tuổi 15 hoặc sớm hơn, con của bạn đã biết đến tình yêu khác giới, vậy nên để tránh các hệ lụy tình dục khi con yêu đương sớm, cha mẹ nên chấp nhận các mối quan hệ tình cảm của con một cách nhẹ nhàng nhưng hãy cung cấp đầy đủ thông tin cho con biết, hiểu và luôn bên con. Hãy “vẽ đường cho hươu chạy” một cách đúng đắn. Cho con không gian học tập và phát triển lành mạnh Việc giáo dục giới tính cần được đặt trong một không gian cởi mở, dân chủ và lành mạnh. Việc tạo ra môi trường tốt cho con cái bởi thế có vai trò vô cùng quan trọng.

Ngay khi con còn nhỏ, trong gia đình cha mẹ hãy dành cho con cái sự quan tâm đầy đủ, không khí gia đình hạnh phúc, hòa thuận. Hãy tìm cách hiệu quả và phù hợp để con biết về những nguy cơ về việc bị lợi dụng, xâm hại bằng những hành động, nhắc nhở trực quan, ví dụ: Không được ngồi vào lòng bất kỳ ai, không được cho ai chạm vào cơ thể…Tại trường học, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các giáo viên trong việc đảm bảo an toàn cho con cái mình, không để con vào tay người lạ, loại bỏ các không gian không an toàn và khó kiểm soát trong khuôn viên trường. Cùng nhà trường có phương án giáo dục giới tính, cảnh báo và phòng ngừa phụ hợp. Nếu sự việc xâm hại xảy ra, cả cha mẹ và nhà trường cần có thái độ phù hợp. Hạn chế truy hỏi con mình vì mỗi lần phải kể lại con sẽ tổn thương them lần nữa. Nên ổn định tâm lý của trẻ sau đó dần dần giúp trẻ hiểu và có cách phòng ngừa để sự việc không lặp lại.

Tóm lại, không gian học tập tại trường học, không gian học thêm, không khí trong gia đình…đều có thể ảnh hưởng đến việc con bạn có nguy cơ bị xâm hại hay không. Nên phối hợp cùng nhà trường, xã hội cho con một môi trường lành mạnh nhất.

3. Nội dung giáo dục giới tính cần thiết cho trẻ em

xamhai4.jpg

Giáo dục kỹ năng cho trẻ em trong phòng ngừa xâm hại tình dục là nhằm tạo năng lực tâm lý xã hội cho lớp trẻ, chủ yếu nhằm giúp cho họ phát huy nội lực với những kỹ năng hành động cụ thể để tự bảo vệ và ứng phó với cuộc sống, với những hoàn cảnh bất lợi. Hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em cần phải có cách nhìn nhận đúng về hoạt động này, đó là hoạt động của người học và do người học. Nó chỉ tạo ra sự thay đổi ở các em khi các em tham gia tự giác tích cực và chủ động. Ngoài việc giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử, học tập, sinh hoạt, cha mẹ, nhà trường cần quan tâm hướng dẫn các em các kỹ năng thoát hiểm khi bị tấn công, cưỡng bức; các tình huống bất lợi thường gặp như: khi đi đường vắng, đêm tối, ở nhà một mình, tiếp xúc với người  lạ, người khác giới…; đặc biệt, cần chú ý giáo dục, hướng dẫn các các em về giới tính, ý thức cảnh giác, về cách thức tố giác, thông tin cho người lớn, các cơ quan chức năng những hiện tượng, hành vi liên quan đến xâm hại  tình dục (như dụ dỗ, lừa phỉnh, đe dọa, lợi dụng nghề nghiệp để có hành vi dâm ô…).

Nội dung giáo dục trẻ về giới tính để phòng ngừa xâm hại tình dục

- Dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm: Kỹ năng đầu tiên mà bạn nên dạy cho trẻ là kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Bốn  vùng nhạy cảm trên cơ thể là: miệng, ngực, vùng giữa hai đùi và mông. Nhiều trường hợp các bé bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá non nớt và thiếu hiểu biết. Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và mọi người khác không được tự ý chạm vào, sờ vào các vùng nhạy cảm này.

- Dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể: không cho người bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve. Vùng nhạy cảm là của riêng bé, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ.

- Trẻ cũng không được phép chạm vào vùng nhạy cảm của người khác. Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình thì các bậc phụ huynh cũng nên dạy trẻ chú ý không nên chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.

- Không gần gũi với người lạ mặt: Dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, ít người và những nơi tối tăm, kín đáo.

- Tuyệt đối không cho người lạ mặt vào nhà: Khi trẻ ở nhà một mình, cần dạy trẻ lưu ý an toàn và tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hang xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

- Chạy thật nhanh hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác trong trường hợp bị tấn công: Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, bạn nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Cha mẹ có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh. Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy chỉ có thể dùng sự thông minh và những kỹ năng mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

- Nói ngay cho cha mẹ khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ hành vi của người nào: Cần dạy cho trẻ rằng các bé không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Ngoài ra, khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm. Để trẻ thực hiện kỹ năng này thì điều vô cùng quan trọng là cha mẹ phải để trẻ tin tưởng được rằng cha mẹ là người tốt nhất đối với trẻ và luôn luôn lắng nghe, tin tưởng và chia sẻ với trẻ mọi điều. Nếu không, trẻ sẽ rất ngại ngần để nói với cha mẹ ngay cả khi trẻ nhận thức được sự nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ và người lớn. Giúp trẻ nhận biết về thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là ai?

Theo các nghiên cứu về các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%.Cha mẹ cần nói với con về thủ phạm xâm hại tình dục để con có thể phòng, tránh. Những người họ hàng thân thuộc, những người quen của gia đình, hàng xóm…đặc biệt là những người khác giới đều có thể là thủ phạm xâm hại tình dục. Trong một số trường hợp, trẻ đã có những khái niệm về sàm sỡ, xâm hại tình dục,…thì cha mẹ cần chỉ rõ cho các em về các những người có thể là thủ phạm.

Tình huống cụ thể: Ở lứa tuổi tiểu học, nhà trường thường tổ chức hoạt động ngoại khóa. Với các hoạt động này, thường có hướng dẫn viên là nam giới. Cha mẹ cần nhắc nhở con, nhất là con gái khi đi vệ sinh ở nơi dã ngoại thì nên rủ một vài bạn gái cùng đi. Con gái tuyệt đối không nhờ ‘anh hướng dẫn vui tính’ dẫn đi vệ sinh vì có thể anh hướng dẫn là một người tốt hoặc là một người không tốt. Bình thường anh rất tốt nhưng một lúc nào đó anh ấy không tốt thì sẽ trở thành người sàm sỡ mình. Một số kỹ năng dành cho cha mẹ trong giáo dục con phòng tránh xâm hại tình dục

Quy tắc bàn tay - kỹ năng dạy con phòng tránh xâm hại tình dục

quy-tac-5-ngon-tay-giup-tre-chong-xam-hai-tinh-duc-1.jpg

- Ngón cái - gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột: Những người này có thể ôm hôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hang của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nếu bất kỳ ai trong nhóm này chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to để nhận được sự trợ giúp và nói với mẹ để được giúp đỡ kịp thời.

- Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ: bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.

- Ngón áp út - người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu: bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Ứng xử của cha mẹ trong trường hợp con là nạn nhân của xâm hại tình dục Cha mẹ nên:

- Cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng và chia sẻ với cha mẹ tường tận câu chuyện.

- Không để cho con có cảm giác phải che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.

- Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.

- Sử dụng các liệu pháp tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.

Cha mẹ tránh:

- Làm ầm ĩ và quá lên mức độ trầm trọng của việc sẽ khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn.

- Tìm cách vạch trần thủ phạm xâm hại tình dục để tránh gây hại cho những trẻ em khác.

(Còn phần 2)

Tài liệu Giáo dục đời sống gia đình - Như Quỳnh

 ​