• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

​Đồng Nai: Thêm một di tích được xếp hạng, nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 55

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định xếp hạng cấp tỉnh đối với di tích Địa điểm ghi dấu sự kiện trận tập kích đồn Hoàng Diệu ngày 18/5/1969 (ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai); nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 55 di tích, trong đó 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích quốc gia và 24 cấp tỉnh.

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích: Đồn Hoàng Diệu là một đồn nhỏ được Mỹ - ngụy xây dựng khoảng đầu những năm 1960, làm nơi đứng chân của Trung đoàn 52, Sư đoàn 10 (sau đổi thành Sư đoàn 18), thuộc ấp Tân Phú, xã Xuân Lộc, quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh (nay thuộc phường Xuân Thanh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), nhằm khống chế và đàn áp phong trào đấu tranh của quândân Long Khánh. Năm 1965, ngay sau khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân tới Tiểu khu Long Khánh, Mỹ - ngụy xác định: thị xã Long Khánh là địa bàn chiến lược quan trọng, vành đai phòng thủ tầm xa của đô thành bảo vệ đầu não Mỹ - ngụy ở Sài Gòn. Vì vậy, ngay từ năm 1966, chúng đã cho mở rộng đồn pháo binh Hoàng Diệu, không ngừng củng cố, tăng cường lực lượng, trang bị vũ khí hiện đại tối tân; xung quanh đồn bố trí các lô cốt, tháp canh. Toàn bộ đồn Hoàng Diệu được bảo vệ bởi hàng dây thép gai, bùng nhùng, giữa các hàng rào chúng bố trí hệ thống giao thông hào chạy xung quanh. Mục đích, khống chế toàn thị xã Long Khánh, từng bước biến nơi đây thành căn cứ quân sự hiện đại và kiên cố của vùng, làm nơi xuất phát của các cuộc tìm diệt, đánh phá, càn quét lấn chiếm các vùng giải phóng của ta với mục tiêu tiêu diệt cơ quan và lực lượng cách mạng của ta.

Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, ta quyết định tập kích đồn Hoàng Diệu - Long Khánh. Do thời gian chuẩn bị khẩn trương, cán bộ lực lượng vũ trang của ta đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu rõ cuộc sống thống khổ dưới sự áp bức của Mỹ - ngụy, khơi dậy tinh thần yêu nước trong quần chúng nhân dân. Để theo dõi quy luật hoạt động của địch, Đội biệt động thị xã Long Khánh được giao nhiệm vụ điều nghiên, nắm bắt tình hình hoạt động của địch trong đồn Hoàng Diệu. Sau một thời gian bám địa bàn, nhờ làm tốt công tác binh vận, dân vận và được quần chúng nhân dân che chở, cung cấp thông tin, lịch trình sinh hoạt của bọn lính trong đồn Hoàng Diệu. Công tác điều nghiên trận đánh thu được nhiều kết quả, ta quyết định tập kích đồn Hoàng Diệu vào giờ G đêm 17/5/1969. Lực lượng tham gia trận tập kích gồm Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 dưới sự tăng cường của Đại đội C25, Trung đoàn 95/F27  được sự dẫn đường của Đội biệt động, Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh.

Theo nhân chứng lịch sử và một số tài liệu ghi lại thì kế hoạch tác chiến đề ra khoảng 22h đêm 17/5/1969, dưới sự dẫn đường của Đội biệt động, Đội trinh sát vũ trang thị xã Long Khánh, quân ta chia làm hai mũi bí mật áp sát các đài chỉ huy của địch chuẩn bị trận tập kích. Hướng thứ nhất: từ hướng Bảo Vinh A đánh vào. Hướng thứ hai: từ hướng nghĩa địa Bảo Vinh B đánh lên.

 Theo đúng kế hoạch đề ra, khoảng 22h ngày 17/5/1969, quân ta từ hai hướng bí mật áp sát các đài chỉ huy của địch, chờ hiệu lệnh tấn công. Tuy nhiên, chưa đến giờ nổ súng thì kế hoạch tập kích bất ngờ bị lộ, lúc này buộc quân ta phải nổ súng tấn công, giành thế chủ động. Thời gian đầu, do quân địch lúng túng, bị động nên quân ta nắm được thế chủ động, tiêu diệt một số quân lính, súng của địch. Sau một lúc bị bất ngờ, quân địch phản công quyết liệt, chúng cho bắn pháo sáng và đạn dữ dội vào đội hình quân ta nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường chống trả. Đến khoảng 02h sáng ngày 18/5/1969, địch tăng cường thêm máy bay từ sân bay Xuân Lộc xuống dội pháo sáng, bắn pháo hủy diệt khiến cho lực lượng của ta tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, quân ta được lệnh nhanh chóng tìm đường rút về căn cứ bảo toàn lực lượng.

Trận tập kích đồn Hoàng Diệu đêm 17 rạng sáng ngày 18/5/1969, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận quân địch và lực lượng đến ứng cứu; phá hủy một số khẩu pháo tự hành; góp phần cổ vũ tinh thần quân và dân Long Khánh trong cuộc chiến chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tuy nhiên, theo thống kê số lượng của địch thì phía ta 36 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95/F27 và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 đã hy sinh. Chiều ngày 18/5/1969, địch tiến hành gom thi thể các chiến sĩ, dùng phương tiện xe cơ giới kéo các cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh vùi vào hố chôn tập thể tại nghĩa địa Bảo Vinh B gần đồn Hoàng Diệu rất dã man. Đây là tổn thất vô cùng to lớn, Đảng và Nhà nước ta mất đi những đảng viên kiên trung, bất khuất; quân đội ta mất đi những cán bộ, chiến sĩ trung dũng, kiên cường; quê hương và gia đình mất đi những người con trung hiếu.

Ngày 13/9/2014, sau 22 năm tổ chức tìm kiếm (1992 - 2014), hố chôn tập thể 36 liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích đồn Hoàng Diệu ngày 18/5/1969 được phát hiện; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai - Long Khánh đã tiến hành quy tập và trang trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh./.

Toàn cảnh Lễ truy điệu 36 liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích Căn cứ Hoàng Diệu ngày 1851969155. Toàn cảnh Lễ truy điệu 36 liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích Căn cứ Hoàng Diệu ngày 1851969 (8).jpg
Toàn cảnh Lễ truy điệu 36 liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích Căn cứ Hoàng Diệu ngày 18/5/1969

Huỳnh Nga