• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Đó là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là nam giới cùng hành động để chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
 

IMG_5354.JPG
 Tập huấn Nghiệp vụ công tác gia đình và Phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2018
Hoạt động này còn là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới để tiến tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em, vì mục tiêu bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu nhân Kỷ niệm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25/11) chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và chuyên đề về giáo dục đời sống trong gia đình: Giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội; Mạng xã hội và sự ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng…tại tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2018 ở 11 huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; in và phát hành 5.000 tờ rơi bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; hướng dẫn các địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 46 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân nữ là 46 vụ. các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16-59 tuổi, số ít là nạn nhân dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là bạo lực thân thể, sau đó đến bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Muốn xoá bỏ hoặc hạn chế bạo lực gia đình thì phải loại trừ các nguyên nhân gốc rễ gây ra nó. Cần thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trở thành những tác nhân thay đổi.

Hiện toàn tỉnh hiện có 747 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với hơn 20.000 thành viên; 984 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình; 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ làm điểm tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; 1.131 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 43 CLB “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”; 71 Khu nhà trọ văn hóa được công nhận trên toàn tỉnh. Các mô hình trên góp phần không nhỏ vào phòng chống bạo lực gia đình, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh và khuyến khích nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giáo dục thanh thiếu niên về ý thức thực hiện bình đẳng giới; tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

IMG_5331.JPG 
Bà Phạm Thị Tâm - Cán bộ Gia đình và trẻ em xã Đắc Lua (huyện Tân Phú)​

Cán bộ Gia đình và trẻ em xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) Phạm Thị Tâm cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. “Hiện nay xã Đắc Lua có 281 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Mới đây, xã đã sáp nhập một số ấp, địa bàn rộng mà giao thông còn trắc trở, gây không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, Đảng bộ và chính quyền xã Đắc Lua luôn quan tâm đưa nội dung phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới vào triển khai sâu rộng trong các chi bộ; tuyên truyền lồng ghép trong buổi sinh hoạt trên loa phát thanh… Nhờ đó, ý thức của người dân ở đây đã và đang dần thay đổi, BLGĐ đã giảm nhiều, từ đầu năm đến nay chưa có vụ bạo lực nào”, bà Tâm chia sẻ.

IMG_5337.JPG 
Ông Hồ Văn Thìn - Trưởng nhóm phòng, chống BLGĐ khu phố Hiệp Lực (thị trấn Định Quán) ​
 

Trưởng nhóm phòng, chống BLGĐ khu phố Hiệp Lực (thị trấn Định Quán) Hồ Văn Thìn cho biết, làm việc tại khu phố và là trưởng nhóm phòng, chống BLGĐ đã nhiều năm, ông đã đứng ra hòa giải rất nhiều vụ BLGĐ. Ông hiểu rằng vai trò của nam giới là rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực. “Tôi nhận ra rằng, những buổi trao đổi, nói chuyện giữa “những người đàn ông” về các chủ đề gia đình và phòng chống bạo lực thường khá hiệu quả. Nhóm phòng, chống BLGĐ ở khu phố luôn lấy khẩu hiệu: “Đừng vung tay, hãy cầm tay!” làm phương châm hành động”, ông Thìn nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Thìn, trong cuộc sống gia đình, mọi người cần biết chia sẻ công việc với nhau, biết lắng nghe nhau. “Để người dân hiểu và có ý thức vun đắp hạnh phúc gia đình, khu phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi hội họp, sinh hoạt chuyên đề. Đặc biệt là xây dựng tủ sách khu phố với rất nhiều đầu sách về hôn nhân, pháp luật... Thế nên, tình trạng bạo lực ở khu phố đã giảm mạnh, một số trường hợp mâu thuẫn trong gia đình đều đã được các thành viên của nhóm hòa giải tích cực. Tính riêng trong 10 tháng của năm 2018 chưa có một vụ BLGĐ nào xảy ra”, ông Thìn cho biết.

Bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân về bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng đó. Những định kiến giới hay các quan niệm bất bình đẳng giới khác về vai trò của nam và nữ đã làm cho phụ nữ và trẻ em trở thành nhóm có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao. Việc phá vỡ sự im lặng trong phòng, chống bạo lực được xem là điều cần thiết. Với lẽ đó, trong 13 thông điệp tuyên truyền cho Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, có 6 thông điệp kêu gọi mọi người hãy hành động, lên tiếng. Ngoài ra, Bộ VH-TTDL đang triển khai thí điểm bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hy vọng, đây cũng là một trong những giải pháp “mềm” để ngăn chặn tình trạng BLGĐ, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

0_hjxt.png 
 

Có thể nói, việc tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự quan tâm, vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp, vận động nam giới nói riêng, xã hội nói chung cùng góp sức vào công tác phòng chống bạo lực gia đình. Việc này nhằm hướng đến mục đích khiến nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây ra bạo lực gia đình nữa mà là những người đang nỗ lực, đồng lòng chung tay vun đắp cho gia đình hạnh phúc. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải là ưu tiên hàng đầu./.

                                                                                                                                                  Như Quỳnh

 ​