• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai dàn dựng vở diễn mới “Sống mãi với non sông”

Năm 2017, Nhà hát được giao dàn dựng 02 vở diễn mới 01 vở tâm lý xã hội hiện đại và 01 vở lịch sử, cổ trang. Vào đầu tháng 10/2017, Nhà hát bắt tay dàn dựng song song 02 vở. Vở diễn lịch sử cổ trang với tên gọi “Sống mãi với non sông”, tác giả và chuyển thể Đăng Minh, họa sỹ thiết kế mỹ thuật sân khấu NSƯT Nguyễn Hồng Long, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà.

20171122_084907.jpg
Nội dung vở diễn nói về vụ thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng với số phận 3 con người Vua Thái Tông, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Cảnh một mở ra là cung hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, pháp sư đang múa may quay cuồng làm phép. Pháp sư phán rằng đứa con trong bụng của Tiệp dư Ngọc Dao sẽ là đấng tiên thiên, tiên đồng giáng hạ, thay trời hành đạo, sẽ là trở ngại ngăn đường đăng cơ của thái tử Bang Cơ (con Hoàng hậu Thị Anh). Hoàng thượng Thái Tông lại rất sủng ái Tiệp dư Ngọc Dao. Những lời lẽ của pháp sư, cùng sự nghi kỵ, hờn ghen trong lòng, sự lo lắng cho ngôi vị của con mình, đã làm cho Hoàng hậu Thị Anh trở nên rất độc ác, muốn hãm hại Tiệp dư Ngọc Dao và cái long thai trong bụng bà. Vua Thái Tông còn quá trẻ, còn mải ham vui với những sắc dục tầm thường, chưa đủ tâm, đủ tầm để trị vì đất nước, lại nghe những lời châm chích của Hoàng hậu Thị Anh, rằng Quan hành khiển Gián nghị đại phu Nguyễn Trãi còn uy hơn cả Vua. Nguyễn Trãi được tiên đế ban cho chức đại phu, lại là thầy dạy học của hoàng thượng. Vua nghe những lời đó thì nổi cơn thịnh nộ, tự cho mình đã đủ tài trí để độc lập cai trị đất nước, không cần đến các quan đại thần phải phò trợ.

Cảnh hai, dinh thự của Nguyễn Trãi ở Thăng Long, Nguyễn Trãi ngồi một mình bên ngọn nến hiu hắt. Nguyễn Trãi thấy mình thật cô đơn giữa giông gió triều đình. Ông buồn vì giặc ngoài vừa khuất bóng thì giặc trong đã nhung nhúc một bầy. Giặc tan rồi dân tình vẫn còn muôn nỗi khổ đau. Thị Lộ vợ lẽ Nguyễn Trãi được Vua phong là Lễ nghi học sĩ dạy các cung phi, cung nữ trong cung, được gần gũi Vua. Thị Lộ nhỏ hơn Nguyễn Trãi 20 tuổi. Hai người nhớ lại buổi đầu gặp gỡ. Bỗng Ngọc Dao chạy vào trong tâm thế hốt hoảng, bà đang trốn chạy sự truy lùng của quan quân triều đình. Tính mạng đang nguy hiểm, bà bị người ta vu khống là yểm bùa để ám hại đức vua. Nguyễn Trãi sai người đưa Tiệp dư Ngọc Dao tới chùa Huy Văn để lánh nạn.

Cảnh 3, Điện Kính thiên, vua, hoàng hậu và các quan duyệt lễ nhạc. Bọn nịnh thần như Đề Hình, Tạ Thanh, Lương Đăng, Đinh Thắng… dâng lên Vua và Hoàng hậu thứ nhạc trụy lạc, dâm ô, không phù hợp làm lễ nhạc của triều đình. Nhưng Vua Thái Tông và Hoàng hậu lại hết sức thích thú và ban thưởng cho bọn chúng. Nguyễn Trãi và các quan thanh liêm can gián vua nhưng vua không màng tới. Vua bị những lời của nịnh thần che mờ mắt, chìm đắm trong hưởng lạc, không lo coi sóc muôn dân, bỏ bê việc triều chính. Nguyễn Trãi xin Vua cho cáo quan về quê.

20171122_090624.jpg
Cảnh bốn, tại nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Nguyễn Trãi dù đã cáo quan nhưng lòng vẫn luôn hướng về cuộc sống của nhân dân, ông thương nhân dân còn trong cảnh lầm than, đói khổ, không yên lòng khi Vua trẻ lên cai trị mà chỉ nghe lời của nịnh thần. Vua Thái Tông đi kiểm tra mấy đạo binh Đông Bắc đã ghé thăm nhà Nguyễn Trãi. Vua Thái Tông yêu cầu Nguyễn Trãi hồi triều để tiếp tục phò Vua giúp nước. Vua cho Nguyễn Trãi 1 tuần trăng để chuẩn bị, rồi ra lệnh cho cho Nguyễn Thị Lộ hồi cung cùng Vua.

Cảnh năm, tại vườn Lệ Chi, Vua nói lời yêu thương với Nguyễn Thị Lộ, nhưng Nguyễn Thị Lộ luôn giữ vững lòng thủy chung với chồng, giữ lễ là bậc tôi. Vua lao tới ôm chặt Nguyễn Thị Lộ, bị bà tát vào mặt. Bỗng Vua rướn lên rồi tắt thở, vòng tay vẫn còn ôm chặt Thị Lộ.  Đề Hình xuất hiện, khép tội cho Thị Lộ và Nguyễn Trãi có âm mưu đầu độc giết vua. Ra lệnh bắt tống giam Thị Lộ vào ngục, tức tốc cho lính bắt Nguyễn Trãi và toàn gia giải về triều luận tội.

Cảnh sáu, đường từ Chí Linh về Thăng Long, Nguyễn Trãi và thân nhân bị xiềng xích giải đi, người dân tụ hai bên đường ùa ra. Nhân dân xót thương, đưa tiễn người con trung liệt.

Cảnh bảy, Thị Lộ bị trói tay, gang mông, Đề Hình và quân lính tra khảo. Bà bị tra tấn hết sức dã man. Đề Hình nói với bà nếu bà nhận tội may ra sẽ cứu được Nguyễn Trãi khỏi án tru di tam tộc, cuối cùng bà đã nhận tội, để mong có thể cứu chồng và gia tộc nhà chồng. Nhưng rốt cuộc, cả bà Thị Lộ, Nguyễn Trãi và tam tộc của ông đều bị giết. Một cảnh tượng kinh hoàng được tái hiện trên sân khấu.

Kết thúc vở diễn là màn Vua Lê Thánh Tông (con của Tiệp dư Ngọc Dao được Nguyễn Trãi cứu) ra chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi.

Đây là một vở diễn về đề tài lịch sử, cũng là bài học trị nước để lại cho muôn đời sau. Thường khi đất nước chiến tranh, loạn lạc thì cả nước đoàn kết một lòng diệt giặc, bảo vệ đất nước, nhưng ngay sau khi đất nước thái bình thì lại phải đối phó với nạn “giặc trong”. Mà theo lẽ thường thì diệt “giặc trong” còn khó hơn diệt “giặc ngoài”. Nạn “giặc trong” mà Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay là theo Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thảo luận đó là “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Vở diễn Sống mãi với non sông nhằm ca ngợi người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và người vợ hiền nghĩa của ông là bà Nguyễn Thị Lộ, là nén tâm hương gửi đến vong hồn những người đã khuất; đồng thời cũng là một tiếng nói góp chung vào sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay của tập thể nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát. Vở diễn sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2017, và ra mắt công chúng, khán giả vào đầu năm 2018.

Các nhân vật chính trong vở diễn gồm: NSND Ngân Vương vai Nguyễn Trãi, Nghệ sỹ Xuân Chúc vai Thị Lộ, Nghệ sỹ Khánh Dư vai Vua Lê Thái Tông, Nghệ sỹ Mỹ Vân vai Hoàng hậu Thị Anh, Nghệ sỹ Thanh Tâm- vai Tiệp dư Ngọc Dao, Nghệ sỹ Linh Khánh vai Đề Hình, Nghệ sỹ Trường Khải vai Tạ Thanh./.

Lan Anh