Ông Nguyễn Hồng Ân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng xếp hạng di tích
Di tích khảo cổ Tân Lại thuộc khu
phố 1, phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Di tích phản ánh giai đoạn
lịch sử phát triển từ Tiền sử đến lịch sử (giai đoạn sớm thuộc văn hóa Óc Eo - hậu Óc
Eo, giai đoạn muộn thuộc thời kỳ nhà Nguyễn), mỗi giai đoạn phản ánh văn hóa của
nó, góp phần làm phong phú nguồn di sản của các thế hệ cư dân cổ trên vùng
đất Đồng Nai. Bên cạnh đó, cùng với đình Tân Lại,
những hiện vật phát hiện dưới lòng đất Tân Lại đã góp phần quan trọng trong
việc nghiên cứu tiến trình của lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa
- Đồng Nai. Đây là cứ liệu khoa học quan trọng trong công tác nghiên cứu về
loại hình kiến trúc văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo và
thời nhà Nguyễn trên vùng đất này.
.jpg)
Nghi lễ đón bằng
Ngoài ra,
đây là di tích cư trú, kiến trúc
chứa đựng nhiều giá trị lớn về vật chất - tinh thần, khoa học - kỹ thuật, kinh
tế - xã hội của cư dân cổ nơi đây. Những hiện vật thu thập được trong quá trình
khai chứng tỏ cư dân cổ đã sinh sống tại đây trong thời gian từ 2.500 đến 3.000
năm cách ngày nay.
Gắn liền với di tích khảo cổ đã được
các nhà nghiên cứu đào thám sát, khai quật là đình Tân Lại - một công trình kiến
trúc được xây dựng còn bảo lưu những nét kiến trúc truyền thống, tiêu biểu của
đình làng Nam Bộ gồm mặt bằng xây dựng kiểu chữ Tam (三), Chánh điện kiểu “tứ trụ”, mái dạng “bánh ít”. Nghệ thuật
chạm khắc trên hoành phi, long đình, đồ thờ cúng bằng gỗ tinh xảo, hoa văn
trang trí theo mô típ, đề tài truyền thống, sơn son, thếp vàng tạo nên vẻ đẹp
và nét thiêng cho ngôi đình. Đây là những hiện vật, tài liệu quý, giúp cho việc
nghiên cứu kiến trúc đình Tân Lại nói riêng và hệ thống đình làng Đồng Nai nói
chung./.
Trần Nhung