.jpg)
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì,
phối hợp Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND huyện Nhơn Trạch lập
hồ sơ và thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Luật
Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan; giao Sở Tài
chính có ý kiến về kinh phí trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đình Phú Mỹ được xây dựng trên một ngọn đồi dốc thoải với phong cảnh đẹp,
là một quần thể kiến trúc đình làng truyền thống đặc trưng của Nam Bộ gồm nhiều
nhà tứ trụ nối tiếp nhau. Diện tích của đình mở ra bốn phía bằng bộ kèo đâm và
bộ kèo quyết đều nhau vuông vức, không tường bao, mái lợp ngói âm dương được bố
trí song song theo kiểu chữ Tam gồm: Tiền đình, chánh điện, nhà khách và nhà bếp.
Đình Phú Mỹ là một trong những ngôi đình cổ ở Đồng Nai có niên đại vào
thời Gia Long (1802). Ngoài chức năng thờ thần, đình Phú Mỹ còn là nơi gặp gỡ,
trao đổi công tác của cán bộ 2 xã Phú Hội và Phú Mỹ trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ và là nơi dạy chữ quốc ngữ cho con em xã Phú Mỹ (lớp đồng ấu
đầu tiên của xã được mở tại đình vào năm 1927 do thầy giáo Lương Văn Sung đảm
nhiệm). Từ năm 1970, đình Phú Mỹ còn là nơi tôn vinh, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
thông qua 3 bức hoành phi ghép 3 chữ đầu thành tên Hồ Chí Minh:
“Hồ nhiên nhi thiên
Chí vọng thâm ân
Minh hoài hậu đức”
Di tích đình Phú Mỹ là một di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật (đình
làng) có giá trị lịch sử, mang tính giáo dục cao. Trải qua thời gian tồn tại
cùng với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, hiện nay một số hạng mục của
di tích đã bị xuống cấp. Việc trùng tu, tôn tạo di tích nhằm kéo dài tuổi thọ
cho công trình, tránh sự hư hỏng tiếp theo tại di tích, đáp ứng nguyện vọng và
phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương./.
Trần Nhung