Giá trị gia đình đang bị thử
thách
Gần
đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các vụ việc liên
quan đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đến nay dư luận vẫn còn ám ảnh câu
chuyện Nguyễn Thị Hồng Bích (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) vì mâu thuẫn
trong sinh hoạt với các thành viên trong gia đình, Bích đã mua chất độc xyanua để đầu độc cháu ruột.
Hay tình cảnh chị L.T.H. (ngụ khu phố 3A, phường Trảng Dài, thành phố
Biên Hòa), chị H đã có đơn gửi đến Công an tỉnh, Công an thành phố Biên Hòa và
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tố giác ông N.S.M. về hành vi bạo lực gia đình
(BLGĐ), cưỡng đoạt tài sản và đe dọa giết người.
Theo chị H, từ tháng 6/2022, chị quen biết ông M. và về sống chung nhưng
không đăng ký kết hôn. Thời gian sống chung, ông M. thường xuyên uống rượu say,
ghen tuông, bạo hành chị với những trận đòn roi…Rồi những chuyện tiêu cực vẫn xảy ra trong
gia đình như: Anh, chị em đánh cãi nhau, vợ chồng bất hòa, thiếu thủy chung dẫn
đến gia đình tan vỡ… là những lực cản vô cùng nguy hại trong việc xây dựng và
lan tỏa các hệ giá trị và chuẩn mực tốt đẹp của con người Đồng Nai.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công
nghệ, guồng quay của cuộc sống
khiến con người trở nên bận rộn. “Vùi mình” trong công việc, những thiết bị
công nghệ…đã tạo ra “bức tường vô hình” với những người mình yêu thương.
Từ
nhiều năm nay, gia đình ông Trần Văn Chiến (Phường Quang Vinh, Biên Hòa) đã
thiếu vắng những bữa cơm chiều ấm áp. Ông kể: Sau giờ học, các cháu nội, ngoại
của tôi tiếp tục tới các lớp học thêm, cuối tuần lịch học thêm các cháu càng
dày đặc. Con trai tôi làm trong lực lượng vũ trang, con dâu làm ngân hàng nên
thường rất bận, thành thử gia đình ăn, uống vào các thời điểm khác nhau, hiếm khi gia đình tôi tề tựu đông đủ. Nếu
đông đủ thì mỗi cháu cầm một chiếc điện thoại vừa ăn vừa chơi chứ không thực sự
hào hứng với bữa cơm.
“Tôi
thấy nhiều gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bữa cơm gia đình chính
là chất gắn kết gia đình, nhưng giờ bọn trẻ học hành nhiều quá, cũng như việc
chúng bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh nên ở cùng nhà mà ông bà ít
có thời gian trò chuyện cùng con cháu, nghĩ cũng buồn”, ông Chiến thở dài.
Hiểu rõ “bệnh” ắt mới mong trị “bệnh”. Để bảo vệ gia đình an toàn trước
sự “xâm lấn”, len lỏi của công nghệ số cần phải hiểu rõ về thực trạng cũng như
có nhận thức đúng về lợi ích, nguy cơ, tác hại của công nghệ số đối với đời sống
gia đình. Từ đó, có biện pháp phù hợp, chủ động trong việc thay đổi bản thân, định
hướng cho các thành viên trong gia đình cách thức sử dụng các thiết bị công nghệ
hiệu quả nhất. Cần phải đặt ra những quy tắc chung, thống nhất giữa các thành
viên để xây dựng nề nếp, quy định cụ thể trong việc sử dụng các thiết bị số.
Anh Nguyễn Sơn - Biên đạo múa Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chia sẻ: “Trước
những nguy hại của việc lạm dụng thiết bị thông minh, mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần
chủ động thay đổi bản thân để làm gương cho con trẻ thay đổi theo. Thay vì quan
tâm đến thế giới mạng, hãy chuyển sự quan tâm cho con cái, dành nhiều thời gian
cho các hoạt động chung của gia đình. Chỉ khi các thành viên trong gia đình tăng
cường trò chuyện, kết nối, chia sẻ hàng ngày với nhau thì mới có sự thấu hiểu,
yêu thương, gần gũi, gắn kết bền chặt. Có như vậy, tổ ấm mới không bị mai một,
có nguy cơ chuyển hoá thành “tổ lạnh”. Gia đình thời công nghệ số,
xa cách hay gắn kết đều ở ta”.
Trong
bối cảnh chuyển đổi hiện nay, sự xung đột giữa giá trị cũ - mới, truyền thống -
hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc hình thành hệ giá
trị gia đình gặp không ít khó khăn. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ở nhiều nơi,
giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ
đó, dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống.
Nỗ lực xây dựng gia đình văn hóa Đồng Nai
Cuộc vận động xây dựng gia
đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay dựa trên những giá trị văn
hóa truyền thống của gia đình Việt. Trong quá trình xây dựng gia đình văn
hóa, từng cá nhân, gia đình phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn
hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, lấy gia đình làm "pháo đài" chống
lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ
chế thị trường...
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa sôi nổi rộng
khắp trên toàn tỉnh góp phần gắn kết các
thế hệ, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi
cá nhân và đối với sự phát triển của toàn xã hội. Từ đó hình thành ở họ nhận thức
đúng đắn về trách nhiệm đối với gia đình, mỗi thành viên cảm thấy tự hào, tự tin
về truyền thống gia đình, có ý thức trao truyền cho nhau những tình cảm tốt
đẹp của gia đình… Năm 2023, toàn tỉnh có
685.969/694.373 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, tỷ lệ 98,8%.
Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ
chức tuyên dương 11 gia đình đạt danh hiệu văn hóa liên tục trên 10 năm, có nhiều
đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; phối hợp với
Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh tổ chức tuyên dương 21 gia đình trẻ tiêu biểu, là
những gia đình trẻ điển hình vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm
no, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, Sở
tích cực triển khai Nghị định
86/2023/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự,
thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn, tổ dân phố văn hóa,
Xã, phường, thị trấn tiêu biểu với khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa có nhiều điểm mới.
Nhận định về vai trò to lớn của gia đình bà
Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: “Gia đình là nơi phát
sinh và gìn giữ văn hóa dân tộc. Trong quá trình đồng hành cùng lịch sử dân tộc,
gia đình không ngừng bồi đắp những truyền thống tốt đẹp, là dòng chảy liên tục
và bền vững, tạo nên một diện mạo văn hóa hết sức độc đáo. Hiện nay, dưới tác động
mạnh mẽ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ giá trị của gia đình Việt
Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đã và đang có những biến đổi, song những
giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, trao truyền và lan tỏa,
tạo nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình hiện đại”.
“Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa,
con người Đồng Nai không phải ở đâu xa, mà hãy bắt đầu ở chính văn
hóa gia đình, ở việc coi gia đình như một thành trì văn hóa cần được giữ
vững. Những giá trị văn hóa cốt lõi mà các gia đình đều nên chia sẻ và tôn
trọng. Hãy bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhất, ví dụ: Lời nói, lời chào,
lời hỏi, lời mời, lời thưa, lời cảm ơn, lời xin lỗi...những lời ấy luôn được
vang lên trong đời sống gia đình, một cách đúng lúc đúng chỗ, thì đó đã
chính là một phần của văn hóa gia đình rồi”, Bà Mộng Bình nhấn mạnh.
Đổi mới trong công tác truyền thông, đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đạo đức, lối sống
trong gia đình, tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, PCBLGĐ… giúp tăng độ phủ sóng
tiếp cận đối tượng tuyên truyền. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về xây
dựng gia đình hạnh phúc - nền tảng của xã hội hạnh phúc, để mỗi người dân là một
hạt nhân tuyên truyền góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và
văn minh, gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, mỗi thiết chế gia đình đều góp
phần xây dựng và phát huy
giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng
cho phát triển toàn diện, bền vững./.
Hoàng Anh