• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Diễn đàn trẻ em Đồng Nai năm 2022 - “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”

Sáng 10/8, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn; cùng đại diện các sở, ngành, 235 trẻ em đến từ các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, các huyện, thành phố và 17 phụ huynh đến từ 11 huyện, thành phố trong tình
 
11-8-2022 (3).jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn phát biểu khai mạc

Tại diễn đàn, 28 câu hỏi từ đại diện trẻ em cấp huyện và thành phố đã được đặt ra xoay quanh các nội dung chính như: trẻ em với quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bạo lực; tai nạn thương tích; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em khuyết tật và trẻ em không quốc tịch; quyền trẻ em mồ côi, bỏ rơi, bỏ mặc; quyền của trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; trẻ em không bị bóc lột sức lao động; trẻ em được bảo vệ khỏi ma túy, mua bán, bắt cóc; sự quan tâm, định hướng của phụ huynh với trẻ em… Các sở, ngành đã trực tiếp trả lời từng câu hỏi, từng vấn đề, tháo gỡ vướng mắc của các em về các vấn đề liên quan trong cuộc sống hàng ngày.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, trẻ em có quyền được lắng nghe, tự do bày tỏ quan điểm về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ, được tự do phát biểu, suy nghĩ, hội họp và tiếp cận thông tin, thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ và tăng cường sự phát triển cá nhân.

11-8-2022 (4).jpg

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình - PGĐ Sở VHTTDL giải đáp thắc mắc của các em tại Diễn đàn trực tuyến

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Giám đốc Sở - Nguyễn Thị Mộng Bình tiếp nhận các câu hỏi các em quan tâm ngay khi bắt đầu diễn đàn: Hiện nay, mỗi gia đình đều có cách giáo dục trẻ em khác nhau, vậy gia đình cần làm gì để định hướng, hỗ trợ đúng cách cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay? Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có được đánh đòn trẻ hay không? Làm thể nào để phân biệt giữa dạy dỗ và bạo hành của người thân? Khi bị bạo lực, trẻ cần chia sẻ với ai để được bảo vệ?...

Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mộng Bình cho rằng, nhiều thế hệ người Việt Nam quan niệm “thương cho roi cho vọt…” và luôn nghĩ rằng đòn roi, quát mắng sẽ khiến con nghe lời. Nhưng thực chất các hành vi: đánh, mắng chửi, miệt thị… đều là các hành vi bạo lực đối với trẻ, để lại hậu quả nặng nề đối với trẻ. Đây cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, và có các mức xử phạt khác nhau.

Khi trẻ bị bạo hành có thể lựa chọn một trong các cách bảo vệ mình như: chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình để được lắng nghe, hỗ trợ; chia sẻ với thầy cô giáo để nhận được sự can thiệp, giúp đỡ; hoặc có thể tìm đến các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tin cậy cộng đồng tại địa phương; hoặc các em cũng có thể liên hệ với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc số điện thoại đường dây nóng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ.

11-8-2022 (1).jpg

Theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, gia đình là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách con người. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi thành viên trong gia đình cần là tấm gương cho trẻ, định hướng bằng hành động và lời nói, trong đó cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc cho con chứ không có quyền được đánh đập, ngược đãi con. Ở góc độ ngành VHTTDL hiện đang triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030:

Trong đó, tập trung phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống gồm: Truyền thông vận động ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương trong giáo dục đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thế hệ trẻ thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Mặt khác, ngành triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các địa phương trong tỉnh. Trong các tiêu chí ứng xử đối với các thành viên trong gia đình có tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu; Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân; Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

Bên cạnh ghi nhận ý kiến của các em, trả lời những câu hỏi, kiến nghị của trẻ em nêu ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; các cơ quan, tổ chức cũng sẽ chuyển các khuyến nghị của trẻ em đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, trả lời bằng văn bản cụ thể. Diễn đàn trẻ em là hoạt động ý nghĩa, các em nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình, thông qua đó, các cơ quan, đoàn thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng nhằm xây dựng các chính sách, chương trình phù hợp để trẻ em ngày càng được  bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn./.

Như Quỳnh