• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Quyết định xếp hạng di tích khảo cổ học Đồi phòng không và Suối Linh

UBND tỉnh vừa ra Quyết định xếp hạng 02 di tích khảo cổ học Đồi Phòng Không và Suối Linh, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu

4-1-2022 (7).jpg

Di tích Khảo cổ Suối Linh

Di tích Đồi Phòng Không thuộc địa phận ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985 và đặt tên theo tên ngọn đồi phát hiện di tích. Di tích khảo cổ Đồi Phòng Không là một di tích xưởng chế tác vòng tay bằng đá phiến sừng đầu tiên được phát hiện ở Đông Nam Bộ, có giá trị khoa học quan trọng trong tiến trình nghiên cứu vùng đất Đồng Nai xưa, là nguồn sử liệu vật chất quý báu, cung cấp cơ sở khoa học xác thực trong việc làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Với hàng loạt điểm trên bề mặt di tích và các hố thám sát đã xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy sự hoạt động của chế tác đồ trang sức vòng tay bằng đá phiến sừng với quy mô rộng lớn mang tính chất chuyên môn hoá cao, phản ánh thành tựu của cư dân cổ Đồng Nai xưa.

Di tích Khảo cổ Suối Linh được phát hiện tình cờ trong quá trình ủi đất để mở đường từ Lâm trường Hiếu Liêm vào khu Mã Đà, một số kỹ sư địa chất đoàn 20A đã phát hiện ra một số mảnh gốm, đồ đá ở khu vực này. Di tích Suối Linh là một di chỉ khảo cổ có tính chất văn hóa rõ ràng, độ dày tầng văn hóa trung bình, tính chất văn hóa đồng nhất giữa các độ sâu. Ngoài địa tầng rõ rệt, số lượng mảnh gốm thu được khá lớn: 70.233 mảnh, chứng tỏ di chỉ cư trú này do một cộng đồng cư dân sinh sống trong một giai đoạn lâu dài. Những hiện vật tồn tại trong các tầng văn hóa cũng là những hiện vật được người xưa sử dụng hàng ngày như: bi gốm, vòng trang sức bằng gốm, bùa đeo bằng gốm, các loại hình rìu, bôn, đục, dao cắt, mũi nhọn, mũi tên…Ngoài tính chất là làng cổ, Suối Linh còn là một công xưởng chế tác công cụ đá và đồ gốm. Đây là một dạng di chỉ - xưởng với việc chế tác công cụ đá ở đây thật rõ nét.

Di tích khảo cổ Suối Linh là một trong những di tích được phát hiện sau năm 1975 ở Đông Nam bộ và là một trong những di tích đại diện trong chuỗi phát triển của phức hệ văn hóa Đồng Nai. Những phát hiện mới tại di tích khảo cổ Suối Linh đã mở ra cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hướng tiếp cận mới về một nền văn hóa cổ tồn tại hàng ngàn năm trên vùng đất Đồng Nai./.​

Trần Nhung