• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Họp thống nhất chủ trương đầu tư, tôn tạo di tích Khu Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác

Ngày 03/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát, họp cùng các Sở ngành liên quan để thống nhất chủ trương đầu tư, tôn tạo di tích Khu Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Ông Nguyễn Hồng Ân - Phó giám đốc Sở VHTTDL chủ trì cuộc họp
 6-12-2021.jpg

Sau khi khảo sát thực tế và làm việc với huyện Nhơn Trạch, các đơn vị dự họp đều thống nhất chủ trương đầu tư, tôn tạo di tích Khu căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu quân sự rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Nhơn Trạch nhanh chóng điều chỉnh, cập nhật lại quy hoạch sử dụng đất, làm lại hồ sơ mới theo nội dung đã điều chỉnh gửi Sở VHTTDL trình UBND tỉnh thống nhất chủ trương trước khi xin ý kiến Bộ VHTTDL.

Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 2105/QĐ-BVHTTDL ngày 08/7/2014.

Ngày 15/4/1966, Đặc khu quân sự Rừng Sác chính thức được thành lập với mật danh T10, căn cứ Sở chỉ huy được đặt ở Rạch Tràm, sau đó chuyển qua Tắt Cái Ngang, sông Ba Gioi (nay là khu vực Rừng Rồng, ấp Bà Bông, xã Phước An). Nhiệm vụ của đặc khu là xây dựng căn cứ thành bàn đạp vững chắc để khống chế sông Lòng Tàu, đánh chìm tàu địch trên sông rạch nhỏ, tại cảng và tiến đến đánh kho tàng lớn của địch.

Tuy địa hình, cảnh quan nơi đây vẫn giữ được tương đối với hệ thống động thực vật phong phú nhưng do căn cứ làm chủ yếu bằng các vật liệu thô sơ như: Lá dừa nước, thân cây đước, sau khi chuyển sang địa điểm khác, hệ thống nhà làm việc, các cơ sở binh công xưởng của Sở Chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bị phá hủy hoàn toàn.

Trên khu đất của căn cứ xưa hiện có tấm bia đá tưởng niệm do đại tá Lê Bá Ước (đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác) lập để tưởng niệm các đồng chí, chiến sỹ đã hy sinh tại Đặc khu quân sự Rừng Sác. Việc đầu tư, tôn tạo di tích góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và cũng để tỏ lòng tôn kính, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh tại đây./.

 Trần Nhung