• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

DU LỊCH

Hội thảo các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Đồng Nai và tổng kết 10 năm Khu DTSQTG Đồng Nai

Sáng 02/12, Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAP Việt Nam) phối hợp với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Đồng Nai tổ chức hội thảo Tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu DTSQTG Việt Nam. Hội thảo diễn ra trực tiếp tại Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì và trực tuyến với Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam chủ trì GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, 10 khu dự trữ sinh quyển trong nước được UNESCO công nhận

4-12-2021 (4).JPG
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các Khu DTSQTG tại Việt Nam báo cáo tổng kết và báo cáo tham luận chủ đề chuyển đổi số như một bước phát triển mới của mạng lưới hậu giai đoạn Covid - 19, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, công tác ứng dụng số hóa trong quản lý tài nguyên. Năm vừa qua, hầu hết các khu đều gặp khó khăn về dịch bệnh, tuy nhiên các khu sinh quyển của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, triển khai thực hiện 3 kế hoạch hành động của mạng lưới sinh quyển Việt Nam bao gồm: giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy nhãn sinh thái khu DTSQ và du lịch sinh thái. Đặc biệt, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO tổ chức tại Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển: Khu DTSQ Núi Chúa (tỉnh Ninh thuận) Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ), trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, nước có 19 khu DTSQ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn tỉnh để đưa vào bảo vệ phục hồi và phát triển rừng. Điều này cho thấy tỉnh rất quan tâm và có trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, nhấn mạnh, tỉnh sẽ vận dụng mọi khả năng, tuân thủ các nguyên tắc, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, phối hợp với Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam đẩy mạnh các chương trình hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy tiềm lực cộng đồng để Khu DTSQTG Đồng Nai trở thành ngôi nhà sinh thái là nơi gặp gỡ, giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

4-12-2021 (1).JPG
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Năm 2011, Khu DTSQTG Đồng Nai gia nhập mạng lưới các khu DTSQTG. Đây là sự công nhận những thành quả về bảo vệ diện tích rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Hiện Đồng Nai là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150 ngàn ha rừng tự nhiên liền mạch; hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học quy mô lớn. Cùng với các giá trị về sinh học, trong Khu DTSQTG Đồng Nai có Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên; 3 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh và Khu Ramsar Bàu Sấu. Đây là những địa danh có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, thích hợp cho các hoạt động giáo dục về nguồn. Vùng đất này còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây. Trong đó, người Chơro, S’tiêng và Mạ là những cư dân có mặt sớm và lưu giữ được nhiều phong tục, lễ hội mang màu sắc văn hóa riêng. Các giá trị này vừa làm nên nét đặc trưng riêng của Khu DTSQTG Đồng Nai so với các khu khác trong nước và trên thế giới, vừa là tiềm năng để thu hút du khách, nhà đầu tư, nhà khoa học đến tham quan, tìm hiểu. 

Sáng ngày 3/12, hội thảo tiếp tục diễn ra các nội dung tổng kết 10 năm Khu DTSQTG Đồng Nai (2011-2021). Khu DTSTGQ Đồng Nai hiện là hình mẫu trong việc thực hiện: phục hồi rừng tự nhiên, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đang có nguy cơ tiệt chủng, phát triển cây dược liệu trong rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Sau 10 năm được công nhận, Khu DTSQTG Đồng Nai bảo vệ được nghiêm ngặt diện tích rừng. Hệ sinh thái đất, nước, các loài động thực vật ngày càng phong phú. Các giá trị về tự nhiên, sinh học, văn hoá - lịch sử được giữ gìn và phát triển. Đời sống của người dân trong khu vực được cải thiện thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường, khoán bảo vệ rừng, khoán chăm sóc cây rừng. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hoá - Đồng Nai, hồ Trị An, Bàu Sấu… trong Khu DTSQ Đồng Nai đã và đang phát huy các giá trị về đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên thông qua hoạt động khai thác du lịch. Ngoài ra, đây còn là thư viện sống, giáo dục truyền thống lịch sử, tài nguyên môi trường, thực nghiệm cho học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài tỉnh. Báo cáo tổng kết 10 năm của Khu DTSTGQ Đồng Nai sẽ được MAP gửi đến tổ chức UNESCO đánh giá những kết quả đã làm được, định hướng hoạt động trong giai đoạn tới cho Khu DTSQTG Đồng Nai và các khu DTSQTG Việt Nam./.

Hoàng Anh