• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Bảo tàng, di tích - chọn thời cơ thay đổi

Năm 2021, ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế) đã lựa chọn chủ đề: "Tương lai của bảo tàng: Khôi phục và tái định hình" với mục đích khuyến khích các bảo tàng, chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hóa, cùng tăng cường hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức mới để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa, đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động, hợp tác mới của các thiết chế văn hóa, bảo tàng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại.
 27-11-2021 (15).jpg
Số hóa hiện vật Tượng thần Vishnu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng, phát triển văn hóa số được xác định là một trong bảy mục tiêu cụ thể và “thực hiện số hóa di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một trong tám nhiệm vụ quan trọng của bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Xu hướng ứng dụng công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và dịch Covid-19 là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình này, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản.

Bảo tàng Đồng Nai hiện sở hữu hơn 20.000 hiện vật quý về khảo cổ học, dân tộc học, động - thực vật, hiện vật cách mạng; lưu giữ hàng ngàn đầu sách, hình ảnh về thành tựu các lĩnh vực, công trình nghiên cứu khoa học về các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai; lưu giữ băng đĩa về các loại hình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; 300 đầu tư liệu chữ viết được sưu tầm trong 45 năm. Trước mắt, Bảo tàng ưu tiên thực hiện số hóa đối với các hiện vật, sưu tập hiện vật nằm trong lộ trình xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia, các hiện vật quý, độc bản, sưu tập hiện vật khảo cổ học theo từng di tích để lồng ghép thực hiện lập bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh theo đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Năm 2020, Bảo tàng lần đầu tiên tiếp cận với công nghệ nhằm số hóa đối với các hiện vật trong lộ trình xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia với hai bảo vật là Qua Đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu. Trong hai năm (2020-2021), Bảo tàng triển khai lấy thông tin dữ liệu của 35 di tích khảo cổ phục vụ công tác lập bản đồ GIS. Hiện Bảo tàng Đồng Nai sở hữu số lượng hiện vật số hóa hơn 8.000 hiện vật qua hệ thống phần mềm của Cục Di sản văn hóa xây dựng. Lập được bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh. Thực hiện phim giới thiệu di tích Chùa Ông và các phim tư liệu: Nghề làm rượu cần của dân tộc S’tiêng ở Đồng Nai, Độc đáo nghề dệt Thổ cẩm truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai, Tri thức khai thác thực vật của người Chơro ở Lý Lịch (Vĩnh Cửu), Hát Tămpơt của người Mạ ở Đồng Nai. Đến nay, Đồng Nai đã có 62 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh. Các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng về loại hình trải đều trên địa bàn 11 huyện, thành phố: Di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh.

27-11-2021.jpg


Tượng thần Vishnu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai

Việc số hóa hiện vật bảo tàng là cơ sở nền tảng quan trọng để phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, trưng bày thường trực bảo tàng, tiến tới xây dựng bảo tàng số hoặc bảo tàng công nghệ trong tương lai. Những kết quả đạt được là những bước “chạy đà” khởi động nhưng đã phần nào mang đến những kết quả khả quan. Đồng thời nối lại một phần những hoạt động giáo dục và tham quan của Bảo tàng Đồng Nai bị ngắt quãng do dịch bệnh. Thông qua việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa địa phương qua hình thức chia sẻ trên mạng xã hội. Tạo sự lan toả tới nhiều người và phạm vi không gian rộng lớn hơn nhiều lần. Từ đó góp phần nâng cao giá trị vốn có của các sản phẩm văn hóa truyền thống. Hơn thế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ một cách phù hợp đang và sẽ góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút công chúng hơn. Đây cũng là cầu nối để kích thích phát triển du lịch. 

UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương số hóa hiện vật, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Đây là thời cơ để Bảo tàng Đồng Nai xây dựng đề án và triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày và giới thiệu các sưu tập hiện vật, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, vừa phù hợp với xu thế thời đại, vừa cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Chương trình chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Như Quỳnh