• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

UBND tỉnh quyết định duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa

UBND tỉnh vừa quyết định duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa.

Hung vương.jpg

Di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 3704/QĐ-UBND ngày 23/11/2015. Đền được khởi công xây dựng năm 1968 và hoàn thành vào năm 1971.

Từ một ngôi đền quy mô nhỏ (diện tích 75m2 ) qua những lần trùng tu, tôn tạo trở thành một công trình tín ngưỡng khang trang, kiên cố, uy nghi với tổng diện tích xây dựng 186,4m2; kiến trúc ngôi đền sau khi trùng tu mang phong cánh truyền thống và hiện đại. Đền được xây dựng bằng vật liệu gạch thẻ, xi măng, cốt thép, gồm 06 gian (05 gian Chánh điện, 01 gian Hậu cung), 11 mái (08 mái Chánh điện, 03 mái Hậu cung), dán ngói ống màu đỏ, diềm mái trang trí ngói mũi hài màu xanh. Trên bờ nóc mái và các đầu đao trang trí “Rồng chầu trái châu”, “Rồng vờn mây” sơn màu vàng và xanh, tạo sự mềm mại, hài hòa và rực rỡ cho tầng mái ngôi đền. Đền thờ gồm hai hạng mục: Chánh điện và Hậu cung nối tiếp nhau theo chiều dọc, trong một không gian chung.

Di tích đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương là một công trình văn hóa, cơ sở tín ngưỡng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực của những lớp người Việt di cư từ vùng Bắc Bộ vào khai phá vùng đất phương Nam. Họ vào vùng đất mới sinh sống đã mang theo tính ngưỡng thờ cúng tổ tiên và dựng xây đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương để luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, về lịch sử hình thành đất nước. Truyền thống văn hóa đó luôn được gìn giữ và phát huy trong xã hội mới để người dân Đồng Nai mãi tri ân hướng về đất Tổ Hùng Vương. Nhờ đó, lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh Đồng Nai đã thu hút được sự quan tâm của toàn thể nhân dân, tạo ra một không gian văn hóa dân gian hết sức ý nghĩa, giúp con người tưởng nhớ, biết ơn và tự hào về tổ tiên.

Việc tu sửa, chống xuống cấp công trình di tích lịch sử đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Truyền thống văn hóa đó luôn được gìn giữ và phát huy trong xã hội mới để người dân Đồng Nai mãi tri ân hướng về đất Tổ Vua Hùng./.

Trần Nhung