• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Những ghi nhận trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn 2016 - 2020

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã triển khai thực hiện Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam” đạt một số kết quả đáng ghi nhận
 dan toc 2020-1.jpg
Trang phục dân tộc Stieng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020”, với 05 dự án thành phần của Đề án gồm: Tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS trên địa bàn tỉnh; Kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS trên địa bàn tỉnh; Sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

bieu dien cong chieng 2020-2.JPG 
Biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Yang Bơ nơm 
 

Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ về di sản văn hóa cho các cán bộ làm công tác văn hóa, công tác dân tộc ở xã, phường, thị trấn; già làng, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng chủ yếu tập trung các nội dung: Vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sưu tầm được 126 hiện vật bao gồm hiện vật là các vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất…có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của nhiều dân tộc như Thái, Mạ, Chơ ro, X’tiêng. Hoàn thành công tác bảo quản hiện vật chất liệu giấy và vải; công tác xử lý thú nhồi; sửa chữa đóng vách lưng các tủ kho trưng bày; thực hiện trưng bày, triển lãm chuyên đề: “Hội ngộ Di sản Văn hóa ba miền” tại Bảo tàng tỉnh An Giang; triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa Đồng Nai - Tiềm năng phát triển du lịch” tại Văn Miếu Trấn Biên. Thực hiện công tác Kiểm kê văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai (gồm Mường, Dao, Thái, Tày) đã sưu tầm, biên soạn, hệ thống các dữ liệu văn hóa với hơn 100 trang A4, hơn 250 ảnh tư liệu thuộc các loại hình như số dân, địa bàn cư trú, thực trạng ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai Đề án cũng còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí đầu tư cho thực hiện bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc còn rất hạn chế. Do đó, ngành VHTTDL tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp đồng bộ, khả thi, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, tuyên truyền, trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số một cách lâu dài, bền vững./.

Trần Nhung​