• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

DU LỊCH

Du Xuân - Nét đẹp trong văn hóa Việt

Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Đây là dịp để tất cả mọi người trong gia đình gác lại mọi bộn bề của cuộc sống để xum vầy bên nhau. Tết còn là thời khắc để con cháu nhớ về ông bà tổ tiên, là dịp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời và du xuân được xem là một mỹ tục không thể thiếu đối với người dân Việt Nam mỗi độ xuân về

Một góc hồ Long ẩn tại Khu du lịch Bửu Long.png

Du xuân tại khu du lịch Bửu Long

Tiết lập xuân, khí trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc là lúc mọi người có thời gian để thực hiện một chuyến du xuân cùng với gia đình, bạn bè. Từ “Du” có nghĩa là đi chơi, “xuân” có nghĩa là mùa xuân; vì vậy, du xuân được hiểu là đi chơi để ngắm cảnh mùa xuân.

Tục du xuân đã có từ ngàn xưa, có thể được hiểu là lên chùa lễ phật cầu sự bình an hoặc tham gia các lễ hội mong được nhiều niềm vui và sự may mắn hay chỉ đơn thuần là đi đến một nơi nào đó có cảnh quan đẹp, khác lạ để được nghỉ ngơi, thư giản và khám phá nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống thường nhật của người dân bản địa.

1. Du xuân vãn cảnh chùa lễ phật đầu năm

Cáp treo Núi Chứa Chan - Chùa Gia Lào.JPG
Du khách đi lễ chùa Gia Lào trên núi Chứa chan bằng cáp treo

Đi chùa lễ phật đầu năm là một phong tục đẹp trong văn hóa tâm linh người Việt khắp ba miền đất nước. Lễ chùa không chỉ là vãn cảnh nơi đất Phật mà còn là cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và gia đình trong năm mới. Ngoài ra, người đi chùa còn có nhiều mục đích khác nhưng chung quy là cầu ước mọi điều an lành, phước lộc, danh lợi, may mắn cho năm sau.

Cảnh chùa thanh tịnh, nhang trầm nghi ngút, tượng phật uy nghi...trong thời khắc năm mới như giúp con người lấy lại sự cần bằng, để răn mình giữa ranh giới thiện ác, để lòng chạm được đến sự bình an và chìm đắm trong hư vô bất giác tiếng chuông chùa vang lên như đưa con người về với thực tại.

Du xuân còn là dịp để cảm nhận sự giao hòa của đất trời, cỏ cây, sự giao hòa của lòng người giữa dòng người hành hương về với đất Phật. Đây cũng là lúc tìm về với cội nguồn dân tộc ngàn xưa.

Tại Đồng Nai được mệnh danh là thánh địa của những ngôi chùa đẹp, để viếng cảnh chùa ngày đầu năm mới du khách có thể đến:

- Chùa Bửu Phong, là một trong những ngôi cổ nhất tại Đồng Nai (1616) tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

- Chùa Ông (1679) ngôi chùa được xây dựng và thiết kế theo kiến trúc của người Hoa tọa lạc tại Cù Lao phố nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.

- Chùa Bửu Quang (chùa Gia Lào) tọa lạc tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Chùa nằm ở vị trí cao nhất tại Đồng Nai khoảng 400m cheo leo trên sườn núi.

- Thiền viện Thường Chiếu tọa lạc tại cây số 76,77 Quốc lộ 51, thuộc xã Phước Thái, Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

2. Du xuân qua các lễ hội truyền thống

Chùa Ông tại Cù lao Phố.jpg
Lễ hội Chùa Ông d
iễn ra khoảng từ ngày 12 đến ngày 17 tháng giêng hàng năm.​

Tháng Giêng là tháng của lễ hội nhằm hướng tới những đấng thiêng liêng hay các vị anh hùng dân tộc đã đi vào bất tử được người dân tôn thờ như Thần, như Thánh. Đây cũng là cách thể hiện rõ nhất về văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Việt.

Không khí tưng bừng và nhộn nhịp của lễ hội kết hợp với sắc màu tươi vui của cờ hoa, kiệu rước... làm cho không khí mùa xuân thêm ấm áp và tươi sáng hơn.

Dù đi đâu, làm gì thì mọi người cũng đều ăn mặc tinh tươm, lịch sự, cười nói chan hòa và tránh nói những điều không may. Do đó, khi mỗi hội xuân về mọi người gặp nhau để hỏi han, nói lời hay ý đẹp và trò chuyện dễ dàng hơn. Du xuân và các lễ hội truyền thống dường như đã mang con người về lại gần bên nhau.

* Lễ hội ngày xuân ở Đồng Nai, du khách có thể tham dự:

- Lễ hội chùa Ông: Diễn ra khoảng từ ngày 12 đến ngày 17 tháng giêng hàng năm.

- Lễ hội Lòng Tòng hay còn gọi là lễ hội “xuống đồng”: Đây là lễ hội của dân tộc Tày Nùng cư trú tại huyện Định Quán diễn ra từ ngày mùng 7 đến ngày 25 tháng giêng hàng năm.

3. Du xuân qua những điểm đến du lịch

Ngày nay, khi đời sống vật chất của con người được đảm bảo thì nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần càng được nâng cao, hình thức du xuân qua những chuyến du lịch luôn được các gia đình lựa chọn sau khi đã thực hiện các nghi lễ của tết truyền thống.

Các điểm đến như khoác lên mình bộ áo mới để chào đón mùa xuân, từng hạng mục tham quan đi đâu cũng chỉ thấy ngàn hoa khoe sắc, các dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, xiếc, ảo thuật, trò chơi dân gian được các khu du lịch chuẩn bị bài bản để phục vụ du khách chu đáo hơn. Từng thành viên trong gia đình sánh bước bên nhau để được cười nói, để được quan tâm và để lưu lại những bức hình đẹp... tình cảm gia đình từ đó mà gắn bó hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa đẹp của du xuân qua từng điểm đến.

 Hiện Đồng Nai có hơn 20 điểm đến thu hút rất đông du khách vào các dịp lễ tết như: Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch Vườn Xoài, Khu du lịch Suối Mơ, Khu du lịch Thác Giang Điền, Đảo Ó - Đảo Đồng Trường, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Bò Cạp Vàng...

Tục ngữ Việt có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Vì vậy, du xuân cũng là dịp giúp con người biết quan sát, biết lắng nghe, biết dung nạp nhiều kiến thức bổ ích mà chỉ có đi nhiều, thấy nhiều, ta mới cảm hết được những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo từ đó nâng cao kiến thức, sự hiểu biết của bản thân và để nhìn thấy được mảnh ghép muôn màu trong bức tranh văn hóa Việt Nam./.

Đặng Hằng - Du lịch