• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích công trình tu sửa cấp thiết di tích Địa đạo Suối Linh

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích công trình tu sửa cấp thiết di tích Địa đạo Suối Linh (1962 - 1967) hạng mục làm mái che 12 miệng địa đạo. Việc tu sửa cấp thiết các miệng địa đạo Suối Linh nhằm ngăn chặn tình trạng xuống cấp, làm mất vết tích địa đạo hiện nay của di tích, bao gồm các yếu tố gốc, yếu tố văn hóa, kiến trúc truyền thống, kéo dài tuổi thọ của di tích, tôn tạo mỹ quan hài hòa cho quần thể kiến trúc căn cứ di tích Khu ủy miền Đông; tạo không gian bảo vệ các miệng địa đạo không bị phá hủy bởi thiên nhiên, sự xâm thực của động thực vật rừng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục hồi, tôn tạo lại các miệng địa đạo và là điểm tổ chức các sự kiện, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ lão thành cách mạng, nhân dân trong vùng và là điểm đến thăm quan, học tập của thế hệ trẻ

di-tich-dia-dao-suoi-linh-dong-nai.jpg

Di tích Địa đạo Suối Linh (1962-1967) thuộc phân trường 3, lâm trường Hiếu Liêm, nay thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 61/QĐ-BVHTT ngày 13-9-1999.

Địa đạo Suối Linh được tạo bởi hệ thống giao thông hào phân bố ở khu tây bắc địa đạo có chiều dài 260,7m và chỉ có một tuyến duy nhất nối thông vào lòng địa đạo; hệ thống địa đạo liên hoàn có chiều dài 383,5m được phân bố theo hai hướng Bắc và Đông - Bắc quả đồi, tạo thành hai chục chính hình chữ "V" nối thông với hệ thống giao thông hào. Lòng địa đạo thiết kế quanh co lên xuống thành tầng trên, tầng dưới thuận lợi cho việc thoát hiểm khi cần thiết. Toàn bộ hệ thống địa đạo đều có lỗ thông hơi trở lên mặt đất để lấy không khí vào. Miệng địa đạo có kích thước vừa một người chui vào, trên mặt địa đạo hiện có tất cả 12 miệng. Với sự bố trí kiên cố, vững chắc, mang tính chiến lược quân sự, Ban thông tin khu Đông Nam bộ đã đứng chân từ năm 1962 đến năm 1967 tổ chức đào tạo cán bộ thông tin, lắp ráp sửa chữa các linh kiện máy móc, điện đài phục vụ cho toàn khu Đông Nam bộ. Từ căn cứ địa này, Ban thông tin khu Đông Nam bộ đã chỉ đạo các lực lượng của Ban nối liên lạc từ Trung ương đến Khu ủy, từ Khu ủy đến các tỉnh được thông suốt, từng bước làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" và "chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy.

Địa đạo Suối Linh tồn tại như một biểu tượng cho ý chí sức mạnh, lòng dũng cảm của những chiến sỹ thông tin khu Đông Nam bộ nói riêng, quân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với các căn cứ: Khu ủy miền Đông Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh đã bổ sung vào danh mục những địa danh lịch sử quan trọng của chiến trường Đông Nam bộ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt./.

                                                                                                                                               Trần Nhung