• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

HỌC LỊCH SỬ QUA HIỆN VẬT ĐƯỢC TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG ĐỒNG NAI

Bảo tàng Đồng Nai thuộc loại hình tổng hợp khảo cứu địa phương ở miền Đông Nam bộ. Hơn 40 năm qua, Bảo tàng Đồng Nai luôn đóng vai trò như một dạng trường học, một thành tố không thể thiếu trong hoạt động tuyên truyền giáo dục, trong sự nghiệp trồng người. Với số lượng hiện vật và tài liệu khoa học phong phú, tin cậy bằng trực quan sinh động, bảo tàng sẽ là một địa điểm thú vị để thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Đồng Nai. Bảo tàng có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của một đất nước. Xã hội văn minh thì bảo tàng càng có ý nghĩa, người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bảo tàng, bởi bảo tàng có một vai trò đặc biệt trong công tác giáo dục, khi cung cấp những bài học trực quan sinh động đến với học sinh, sinh viên, giúp các em hiểu hơn về những giá trị lịch sử của địa phương, của quê hương đất nước

các em hoc sinh.JPG

Các em học sinh đến Bảo tàng Đồng Nai tham quan triển lãm chuyên đề Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý
Một thực tế cho thấy rằng, ở nước ta môn lịch sử đã được đưa vào giảng dạy trong trường học từ rất lâu, nhưng chỉ thể hiện qua những tài liệu sách vở quá đơn điệu, khó nhớ và không cho phép học sinh, sinh viên được tiếp xúc với sự kiện, hiện tượng lịch sử một cách sinh động như các môn khoa học khác. Vì vậy mà các trường học trên địa bàn đã chủ động phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai, tạo điều kiện đưa các em đến tham quan và học tập lịch sử tại bảo tàng, môn lịch sử lúc này sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi có thể kết nối các em với hiện vật được trưng bày. Những câu chuyện gắn liền với sự kiện lịch sử thông qua hiện vật sẽ làm sinh động hơn buổi học, giúp các em dễ tiếp thu và thích thú hơn với hình thức vừa học vừa chơi tại bảo tàng. 

Đoàn sinh viên Lào tham quan học tập tại Bảo tàng Đồng Nai, ngày 14-4-2013.JPG
Đoàn sinh viên Lào tham quan học tập tại Bảo tàng Đồng Nai, ngày 14-4-2013
Hiện nay, việc sử dụng phương pháp dạy học trực quan sinh động, luôn được đề cao và được coi là “nguyên tắc vàng” trong giáo dục tại các trường học. Khi đến với Bảo tàng Đồng Nai, tiếp xúc với hiện vật, tư liệu gốc các em sẽ được tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; lịch sử đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Đồng Nai; những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Đồng Nai… Qua quan sát những tài liệu hiện vật, trao đổi và đàm thoại, các em như đang được sống, được trực tiếp tham gia các sự kiện lịch sử quan trọng, diễn ra trong tiến trình hình thành vùng đất Đồng Nai. Đó sẽ là ưu thế trong việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về những đóng góp của quê hương mình trong sự phát triển chung của lịch sử dân tộc. Từ đó các em có thể nhớ và hiểu hơn về sự kiện để hình thành khái niệm vững chắc trong lịch sử, đảm bảo mối quan hệ bền vững giữa lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc. Cụ thể qua những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai đã phần nào giúp các em có thể tái hiện lại quá trình mở đất, dựng nước của ông cha ta ngày xưa, quá trình bảo vệ quê hương, đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ đó, các em sẽ hình thành được những suy nghĩ, tình cảm sâu sắc hơn đối với mảnh đất, con người nơi mình đang sinh sống và hiểu thêm về sự chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Đồng Nai.

Đoàn sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc.jpg
Đoàn sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc và sinh viên lớp Cao học trường Đại học KHXH&NV Tp HCM tham quan Bảo tàng Đồng Nai - Ngày 7-11-2015
Để mỗi buổi học tại Bảo tàng Đồng Nai thực sự hiệu quả và lôi cuốn, các thầy cô giáo luôn phối hợp cùng với người hướng dẫn viên của Bảo tàng, làm cầu nối truyền tải lịch sử của địa phương đến với các em thông qua giá trị lịch sử của hiện vật bảo tàng. Từ hiện vật bảo tàng đã hình thành cho các em tính hiếu kì, lòng ham hiểu biết, óc suy luận, kích thích sự tò mò để tìm hiểu những điều chưa biết và tạo hứng thú học tập lịch sử cho các em học sinh, sinh viên. Đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất đối với việc giáo dục niềm tin, tư tưởng, tình cảm với những bài học lịch sử một cách tự nhiên không gò bó, ngượng ép.

Ngoài 14 phòng trưng bày cố định, hàng năm Bảo tàng Đồng Nai còn thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động, nhằm đưa kiến thức lịch sử qua hiện vật bảo tàng đến gần hơn với các em học sinh, sinh viên. Qua đó, giúp các em có thể thấy được, biết được, hiểu được những giá trị lịch sử còn ẩn chứa bên trong mỗi hiện vật của bảo tàng: Từ những hiện vật, tư liệu hình ảnh trong trưng bày triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Đồng Nai về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ là nguồn tư liệu quý giúp các em lưu giữ lại kiến thức lịch sử, hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hoàng Sa – Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã không tiếc thân mình bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng ở nơi cực Đông xa xôi của Tổ quốc. Từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của các em học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đoàn học sinh Trường tiểu học Tân Thành tham quan Bảo tàng Đồng  Nai, ngày 28-10-2017.JPG

Đoàn học sinh Trường tiểu học Tân Thành tham quan Bảo tàng Đồng  Nai, ngày 28-10-2017

Sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2019); và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Bảo tàng Đồng Nai cũng thực hiện triển lãm chuyên đề “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lời của non sông đất nước”. Đến với triển lãm lần này các em học sinh, sinh viên sẽ được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác và thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam qua 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Nhằm khơi dậy tinh thần tích cực học tập, hăng say lao động để các em học sinh, sinh viên có thể cống hiến tài năng và sức trẻ của mình vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, việc sử dụng tài liệu, hiện vật ở bảo tàng trong việc học lịch sử, không chỉ là phương tiện trực quan giảng dạy và học tập, mà còn là một nguồn kiến thức mở phong phú để cung cấp cho học sinh, sinh viên. Sử dụng tài liệu, hiện vật trong bảo tàng còn là để phản ánh quá trình đấu tranh, xây dựng quê hương gắn liền với người thực, việc thực đã xảy ra trong quá khứ. Nhờ đó học lịch sử qua hiện vật của bảo tàng sẽ gây xúc động mạnh mẽ đối với các em, giáo dục cho các em những tình cảm, nhận thức đúng đắn và sự say mê học lịch sử, tìm hiểu về lịch sử của địa phương, lịch sử của đất nước, bồi dưỡng thế giới quan khoa học trong mỗi em học sinh, sinh viên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: “Môn Lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, gìn giữ bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môn lịch sử, nhất là quốc sử càng cần coi trọng để chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm tròn nhiệm vụ và nghĩa vụ người công dân”. Nhận biết được tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên, Bảo tàng Đồng Nai tuy không phải là một cơ quan giáo dục chuyên trách, chính thống như trường học, song thiết chế bảo tàng ngoài khả năng tác động, giáo dục công chúng về lịch sử dân tộc, còn giáo dục một cách khá toàn diện trên các mặt Chân - Thiện - Mỹ. Có nghĩa là, Bảo tàng Đồng Nai đã góp phần tích cực trong việc giảng dạy lịch sử, văn hóa địa phương thông qua những hiện vật của Bảo tàng. Từ đó giúp cho các em hiểu lịch sử một cách sâu sắc và thích thú hơn với môn học lịch sử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy:“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”./.

                                                                                                                           Uyên Linh - Bảo Tàng Đồng Nai