• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

“Gia đình nhỏ - Hạnh phúc to”

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Chúng ta cũng vẫn thường nghe: Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai thứ đó là hạnh phúc. Gia đình luôn là nơi nương náu bình yên nhất cho tâm hồn mỗi người. Có thể nói, gia đình là sự nghiệp cuối cùng, tất cả mọi sự nghiệp khác đều phục vụ cho một mục đích - đó chính là gia đình.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời bài hát “Gia đình nhỏ hạnh phúc to” do nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung sáng tác:

“Một nụ cười bé, cha vui cả ngày
Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm
Thầm cầu mong cho, con sẽ an lành
Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương 
Một vòng tay lớn, ôm con vào lòng
Một bàn chân to, cho con tập đi
Dù ngày mai kia, con lớn nên người
Nhưng với cha mẹ, con mãi bé thơ. 
À ơi à ơi!

Con ngủ cho ngoan, giấc mơ sẽ mang đầy lời mẹ ru. 
À ơi à ơi!

 Mãi mãi chúng ta.

Một gia đình nhỏ.

Một hạnh phúc to” 

Một gia đình nhỏ nhưng lúc nào cũng chan chứa tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, cha mẹ đối với con cái, của các thành viên trong gia đình đối với nhau và hạnh phúc đó luôn luôn, sẵn sàng chào đón ta bất cứ lúc nào. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong gia đình cùng chung tay góp phần vào hạnh phúc đó, nhà nhà hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, cuộc sống sẽ ấm no, xã hội phát triển.

Một gia đình nho nhỏ, mà mỗi thành viên trong đó luôn luôn có sự khát khao cháy bỏng, khát khao lớn nhất đó chính là gia đình mình sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Gia đình là tiếng gọi thiêng liêng và ấm áp, nơi không bao giờ đóng cửa, nơi lúc nào cũng sẵn lòng mở rộng vòng tay nâng đỡ, yêu thương, dịu dàng, tin cậy, bao dung, tha thứ... Gia đình không phải là cái mà người ta có thể thay đổi, chuyển dời. Gia đình là điều gì đó thiêng liêng nhất, sâu sắc nhất, lâu bền nhất và cũng là vĩnh cửu nhất. Hai tiếng gia đình mà không phải ai muốn cũng có và không phải ai có cũng đều biết trân trọng. Hạnh phúc là khi được yêu thương, được chở che, được làm cho và nhìn thấy những người mình yêu thương được hạnh phúc và hạnh phúc chỉ tồn tại với những ai biết giữ gìn và biết phát huy nó.

06.jpg
Gia đình là tổ ấm yêu thương, nơi mỗi con người sinh ra, trưởng thành và đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Gia đình là hai tiếng thiêng liêng mà mỗi chúng ta dù có đi đâu cũng nhớ về. Nơi đó, ta có bàn tay vỗ về của mẹ, có bờ vai vững chãi bình yên của cha, có nụ cười hiền hậu ấm áp của ông bà, có tình vợ chồng yêu thương gắn bó, có ánh mắt long lanh của những thiên thần... Mái ấm tuy nhỏ bé nhưng luôn sẵn sàng đón những người con trở về bất cứ lúc nào, kể cả lúc thất bại, khi thành công, gặp phải những khó khăn hay được hạnh phúc. Nơi đây, sẽ hình thành nhân cách, vun đắp ước mơ và thực hiện bổn phận làm con, làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm cha,... đúng như câu nói của nhà viết kịch vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại Euripides: “Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số phận”. Và như vậy, mỗi gia đình nhỏ hạnh phúc, sẽ góp phần làm cho một xã hội hạnh phúc – “một gia đình nhỏ - một hạnh phúc to”.

Vì lẽ đó, ngày Gia đình Việt Nam 28/06 đã ra đời để nhắc nhở mọi người nhớ đến những giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình.  

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là ngày nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, ngày nhắc nhở các cặp vợ chồng về giá trị của mái ấm gia đình và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, công tác gia đình tại Đồng Nai đã có bước phát triển vững chắc, tạo nên sự lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai từ năm 2008 đến nay đã đạt kết quả tốt. Đến nay toàn tỉnh có có 771 Câu lạc bộ gia đình; 986 nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình; 1.091 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 59 Câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình”  góp phần thực hiện tốt các hoạt động triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình và tăng cường công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình; can thiệp xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; khuyến khích phát huy các giá trị truyền thống phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xoá bỏ các tập quán lạc hậu trong gia đình; giúp nhau làm ăn hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình… Năm 2018 toàn tỉnh có trên 98% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa

05.jpg
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có những hoạt động hỗ trợ về kinh phí và đầu tư trang thiết bị vật chất cho các mô hình gia đình trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trang bị 26 tủ sách và 22 đầu sách, gần 600 cuốn sách cho 26 CLB gia đình phát triển bền vững trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Cấp 40 bảng nhà trọ văn hóa. In và phát hành 4.500 cuốn tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và giáo dục đời sống gia đình...

Vừa qua, nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2019), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai tổ chức các hoạt động từ tỉnh xuống các huyện, thị xã, thành phố như: Hội thi “Gia đình hạnh phúc” tỉnh Đồng Nai năm 2019; Tổ chức Giao lưu và Liên hoan các gia đình văn hoá tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2019; tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ X - năm 2019 tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các huyện, thị trấn, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Hội gia đình Việt Nam như tọa đàm, giao lưu, hội thi gia đình… Việc tổ chức các hoạt động hữu ích nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 còn tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, tạo điều kiện để các gia đình trong tỉnh nói riêng, các gia đình khu vực Đông Nam bộ nói chung gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần tăng cường tình đoàn kết thân thiện giữa các gia đình của các tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến đời sống hạnh phúc gia đình đối với các gia đình Việt Nam của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh. Qua đó, gửi gắm thông điệp nhắc nhở mọi người biết yêu quý, trân trọng và vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn đất nước hội nhập và phát triển./.


                                                                                                                            Đinh Nhài – Thư viện Đồng Nai