• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH, PHÒNG NGỪA XÂM HẠI TÌNH DỤC, PHÒNG NGỪA ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI ( Phần 2)

Giáo dục kỹ năng sống được xem như một thành tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách tích cực không chỉ cho thanh thiếu niên mà còn rất có ý nghĩa đối với cả những người trưởng thành. Giáo dục giới tính là một trong những cấu phần không thể thiếu trong các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Để bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ những kỹ năng đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ. Những kỹ năng này có thể đơn giản nhưng cũng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết. Việc giáo dục giới tính cho con có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”?. Trong bối cảnh hiện nay khi mà trẻ vị thành niên bước vào đời sống tình dục sớm và không biết các phương pháp tự phòng vệ, hơn nữa, tình trạng xâm hại tình dục và những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tâm thần của thanh thiếu niên. Vì vậy, giáo dục giới tính càng trở nên cần thiết vì nó chú ý trước tiên đến khía cạnh trách nhiệm, tâm lý, đạo đức, văn hóa ứng xử chứ không chỉ cung cấp những hiểu biết về sinh sản và tình dục.

SocialMedia_Subpage_Banner.png

1. Giải pháp giúp con tránh ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội

1.1. Giúp con hiểu đúng về mạng xã hội

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội dù luôn tương tác nhưng lại là một thế giới ảo; dù ảo nhưng những cảm giác, tổn thương thậm chí nguy hại từ nó lại là có thật. Hãy trò chuyện cùng con, cùng con thẳng thắn trao đổi để giúp con hiểu được điều này và tự có những trải nghiệm về nó. Cùng con đặt ra những giới hạn trong việc dùng mạng xã hội cũng là cách bạn có thể làm giảm thiểu ảnh hưởng từ khu vực này đến con của mình. Đồng thời, hãy hướng con đến những không gian văn minh trên mạng xã hội như cộng đồng chia sẻ sở thích, Fanpage/ Trang cá nhân của những người có đời sống mẫu mực với giới trẻ, các cộng đồng cùng học tập, phát triển…

1.2. Hướng con tới những không gian, hoạt động thú vị, bổ ích khác.

Bạn hãy định hướng và cho con cơ hội tìm hiểu, tham gia các hoạt động thú vị khác như kinh doanh, đọc sách, vận động, khám phá thiên nhiên…Nhiều trải nghiệm mới sẽ cho con nhiều không gian hơn chỉ với mạng xã hội, đồng thời cho con sự so sánh và lựa chọn để hiểu hoạt động nào thực sự phù hợp với mình. Hơn nữa, thông qua các hoạt động bổ ích, con bạn sẽ giảm tải thời gian dùng Mạng xã hội đáng kể, có được quá trình phát triển tâm hồn và tư duy cởi mở, tự nhiên. Mấu chốt là cha mẹ phải quan tâm và lắng nghe con, để cuộc sống thật hiện tại con cái của bạn luôn cảm nhận được sự yêu thương và tin tưởng từ bố mẹ, cho con hiểu được niềm tin và sự kỳ vọng bạn hướng tới con mình, từ đó dần dần điều chỉnh hành vi dùng mạng xã hội quá nhiều xuống mức hợp lý, chứ không phải là cấm.

1.3. Giáo dục giới tính cho trẻ để phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội

 Đời sống tình cảm của các em rất phong phú. Nhất là ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì, tâm sinh lý của trẻ có những thay đổi mạnh mẽ. Trẻ em có khả năng đồng cảm, tính xúc cảm cao, thường lý tưởng hóa tình bạn, nguyên nhân kết bạn cũng rất phong phú, nhóm bạn ngày càng mở rộng hơn, nhất là trên môi trường mạng xã hội.

Vì sao cần thiết giáo dục giới tính cho trẻ để phòng ngừa các tác hại của mạng xã hội?

Internet ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống. Internet một mặt giúp cho chúng ta kết nối và mở mang kiến thức, mặt khác, internet có thể mang đến những tác hại khôn lường cho người tiếp cận thông tin, nhất là đối với trẻ em khi mà những nhận thức về các vấn đề xã hội nói chung cũng như nhận thức về giới tính, tình dục…còn có những hạn chế nhất định. Sự thiếu hiểu biết của trẻ, nhận thức sai lệch và sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội vô hình chung đẩy trẻ đến với thế giới ảo không an toàn.

Việt Nam là nước có số lượng người truy cập mạng xã hội lớn trên thế giới. Ngoài nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân, bí mật đời tư để lừa đảo thì vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em cũng khá phổ biến. Làm sao để bảo vệ trẻ khi chúng đang phải lớn lên trong thế giới internet nhiều cạm bẫy là câu hỏi khiến không ít bậc cha mẹ hoang mang. Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên internet. Trong khi đó, Việt Nam có tới 31% dân số dùng mạng xã hội facebook thì nguy cơ trẻ bị xâm hại càng cao hơn từ chính những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Trẻ em đang sử dụng máy tính ngày càng nhiều, kết nối với cộng đồng dễ dàng hơn nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm, cạm bẫy. Việc giáo dục giới tính cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa các tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em, trong đó có cả nguy cơ xâm hại tình dục. Tạo nền tảng để các em có những  tri  thức, kỹ năng căn bản để thích ứng với môi trường sống, qua đó khi gặp những tình huống có thể dẫn đến nguy cơ có thể bị xâm phạm tình dục các em biết cách phòng tránh, thoát hiểm, hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Ở Việt Nam, trẻ dưới 18 tuổi vẫn có thể dễ dàng truy cập vào các trang web “người lớn” và không được bảo vệ trước những thông tin độc hại. Trong khi đó, những hình ảnh, thông tin, khiêu dâm không chỉ được đăng ở những trang lá cải mà không ít tờ báo chính thống cũng coi đó như một chiêu để thu hút độc giả. Vì vậy, không ít trẻ đã tự biến mình thành nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục do tò mò trước những thứ đọc được trên mạng.

Đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng internet là cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ nên trang bị  cho con cái những  nguyên tắc, kỹ năng cần thiết khi con tiếp xúc với mạng. Một số nguyên tắc đối với trẻ khi sử dụng mạng internet: bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ. Trẻ có thể bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh. Cho trẻ tiếp xúc với Internet là điều cần thiết, song vấn đề cần thiết hơn nữa chính là việc trang bị kỹ năng tự phòng bị cho trẻ khi sử dụng mạng.

1.4.Giáo dục kỹ năng cho trẻ để tự bảo vệ mình trước những tác hại của mạng xã hội

thumb_660_3aaeda10-760f-401b-afe1-76556354ab50.jpg

Trẻ con cần học cách là người dùng mạng thông minh, vì thực tế không thể cấm internet vào nhà, càng không thể cấm người ta sản xuất các chương trình trên mạng xã hội. Hiện nay, nhất là ở các đô thị, cha mẹ cho con sử dụng các thiết bị kết nối internet quá nhiều và dễ dãi trong việc kiểm soát con.

- Cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con, kể chuyện của mình và nghe chuyện của con, tạo cảm giác gần gũi cho con và giúp cho con hiểu được tầm quan trọng của gia đình. Từ đó, chúng sẽ có lối sống lành mạnh, không bị thụ động trước sức hút của mạng xã hội.

- Cha mẹ và nhà trường chỉ có thể tăng cường giám sát hành vi của trẻ ở ngoài đời thực nhưng thật khó có thể kiểm soát được con em ở thế giới mạng. Đó phải chăng là một thách thức trong việc bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ tiềm ẩn bị xâm hại thông qua mạng xã hội hay không? Giám sát hoặc cấm đoán chỉ khiến bọn trẻ muốn "thâm nhập" hơn mà thôi. Thay vì máy móc cấm đoán, cha mẹ hãy quan tâm bằng cách lắng nghe con cái. Có thể chủ động nghiêm túc nói với con về sex, con có thể xem ảnh nude và chỉ cho con những trang ảnh nude nghệ thuật, cùng xem và thậm chí bàn luận với con ảnh nào đẹp, ảnh nào xấu. Cha mẹ nên làm bạn chứ đừng ngăn cấm con một cách máy móc.

- Giáo dục giới tính cho con để con hiểu được các kiến thức cơ bản, tránh sa đà vào các thông tin không lành mạnh.

- Giới thiệu cho trẻ một số trò chơi đơn giản, gần gũi với suy nghĩ của trẻ. Thích hợp nhất là nên hướng trẻ vào niềm say mê một môn học nào đó cần sử dụng máy tính, để trẻ sử dụng nó vào mục đích học tập của mình.

- Hạn chế đến mức tối đa việc trẻ tiếp xúc với các trò chơi có tính bạo lực cao hoặc gây kích thích thần kinh.

- Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách kết bạn qua mạng internet, chỉ cho trẻ thấy những việc hữu ích nên làm và những điều nên tránh.

- Đặc biệt, trẻ cần được hướng dẫn về việc không cung cấp thông tin cá nhân cho những người lạ mới nói chuyện một vài lần.

- Nên cho trẻ tiếp xúc với máy tính có giới hạn, kiểm soát thời gian và các hoạt động của trẻ trên máy một cách chặt chẽ, định hướng cho trẻ mục đích sử dụng máy tính đúng mục đích học tập và giải trí lành mạnh.

- Cha mẹ cần phải quan tâm đến thời gian ăn ngủ, sinh hoạt của trẻ, tránh để trẻ vì quá mải mê mà quên mất thói quen sinh hoạt điều độ. Cha mẹ không nên chủ quan để trẻ sử dụng internet tùy ý

- Sự lơ là của bạn khiến nhiều trẻ trở thành con nghiện vi tính và sa đà vào những tệ nạn xã hội quá sớm từ những tác động tiêu cực của Internet.

- Hãy cho trẻ tiếp cận một cách từ từ để bạn có thể kiểm soát được.hững  trang web mà trẻ tiếp cận nên có những hoạt động  thú vị để trẻ không quan tâm đến những nội dung không lành mạnh trên internet.

- Thậm chí, kể cả những trò chơi lành mạnh, nhưng do sức hấp dẫn quá lớn cũng khiến những đứa trẻ không có đủ bản lĩnh để tự mình điều chỉnh, dẫn đến ham mê quá độ, hay còn gọi là “nghiện game, nghiện net”.

- Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh biết rõ những cạm bẫy này, nhưng do quản lý không chặt, hoặc quá ít thời gian hay chủ quan nên đã để trẻ rơi vào đó lúc nào không hay. Cha mẹ nên song hành cùng trẻ trong quá trình sử dụng internet

- Không tẩy chay internet, làm bạn với con trong việc sử dụng internet. Cha mẹ nên cho con tiếp cận với những thông tin hữu ích, những trang web hữu ích để trẻ có những định hướng tốt khi sử dụng mạng xã hội.

- Cha mẹ nên hiểu con cái đang làm gì với mạng xã hội. Cha mẹ nên ngồi cạnh con khi chúng dạo chơi trong internet.

- Cha mẹ nên trao đổi thẳng thắn với trẻ tất cả mọi thứ liên quan đến thế giới ảo. Khuyến khích trẻ sử dụng internet tích cực. Nói chuyện cởi mở với trẻ về những thách thức của mạng, những tình huống khó khăn có thể phát sinh. Nêu ra vài cách giải quyết và đảm bảo rằng cha mẹ sẽ luôn bên cạnh khi con cần.

- Muốn giám sát được hoạt động trực tuyến,bạn phải hiểu được nguyện vọng riêng tư của trẻ. Việc kiểm soát chặt chẽ quá sẽ có tác động ngược lại.

- Để trẻ không tự biến thành “nô lệ” của máy tính, cha mẹ phải là người bạn gần gũi, chia sẻ với những tâm tư, tình cảm của trẻ.

- Theo dõi thường xuyên và nhận biết kịp thời những dấu hiệu của chứng bệnh “nghiện vi tính” để điều chỉnh. Không thể “cô lập” trẻ với internet và thiết bị công nghệ.

Xâm hại tình dục trẻ em là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay, khi mà các số vụ phát hiện không ngừng tăng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc ngày càng phức tạp. Vì vậy, gia đình là nơi đầu tiên và cũng là nơi gần gũi nhất trong việc giáo dục các kiến thức giới tính cho con, giáo dục các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Việc nhận biết thủ phạm xâm hại tình dục không phải là một kỹ năng dễ dàng. Bởi nếu cha mẹ cho rằng trẻ nên cảnh giác với tất cả những người xung quanh thì cũng có thể khiến trẻ  có  lối sống lạnh lùng, xa cách; nếu cha mẹ cho rằng trẻ nên thân thiện với mọi người thì cũng là nguy cơ không nhỏ đối với trẻ. Quy tắc bàn tay là một trong những gợi ý tốt cho trẻ để trẻ dễ hiểu và thực hành trong cuộc sống, giúp cho phần nào trẻ phòng, tránh được các nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, mạng xã hội là một trong những phương tiện hữu ích và không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Việc sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả đối với trẻ, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên không phải là dễ dàng. Cha mẹ nên là người định hướng, hướng dẫn và đồng hành với con trong việc sử dụng mạng xã hội để tránh những tác hại đối với trẻ, nhất là với lứa tuổi vị thành niên.

GIÁO DỤC CON PHÒNG TRÁNH TỆ NẠN XÃ HỘI

0_hjxt.png
Tệ nạn xã hội là những hành vi sai trái, không đúng với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội là mối nguy hiểm, phá vỡ hệ thống xã hội văn minh, tiến bộ, lành mạnh. Các tệ xã hội thường gặp là: tệ nạn ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép…và trong đó ma túy là hiện tượng đáng lo ngại nhất, không chỉ cho nước ta mà còn cho cả thế giới. Ma tuý là một chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp. Khi ngấm vào cơ thể con người, nó sẽ làm thay đổi trạng thái, ý thức, trí tuệ và tâm trạng của người đó,  khiến họ không tự chủ được mọi hành vi hoạt động của mình, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Môi trường hiện đại với nhiều nhân tố mới phức tạp ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con, cộng với sự thay đổi trong xã hội làm các tệ nạn càng trở nên nhiều, diễn biến phức tạp, nhiều tệ nạn đã vượt bức tường nhà trường thâm nhập vào giới học đường. Vì vậy, việc giáo dục con cái tránh xa khỏi các tệ nạn xã hội là việc hết sức quan trọng với mỗi bậc phụ huynh. Thực tế, phụ huynh cũng ý thức được sự nguy hiểm này, luôn tìm cách bảo vệ con, tuy vậy, nhiều người do bận việc hoặc thờ ơ, chưa chú ý đến vấn đề này đúng mức, đến khi phát hiện con em đã vướng vào tệ nạn xã hội mới hốt hoảng, hối hận.

Giải pháp

Hiểu rõ trách nhiệm của mình và quan tâm thực sự đến con cái: Cha mẹ cần phải hiểu rõ vai trò của mình trong quá trình giáo dục con cái tránh xa các tệ nạn xã hội, cần quan tâm, quản lý, giáo dục tốt, giúp con em thấy tác hại và hậu quả của việc vướng vào tệ nạn xã hội như đánh nhau, hút chích, sử dụng ma túy, để tự có ý thức phòng tránh. Quan trọng nhất, gia đình hạnh phúc và sự quan tâm của bố mẹ chính là thứ khiến trẻ tránh xa tệ nạn xã hội. Một đứa trẻ một khi bị bỏ rơi, thiêu đi sư quan tâm từ gia đình sẽ lớn lên cô độc, bị thiếu hụt về nhân cách, cảm xúc cũng như quan điểm và thái độ cư xử, đó chính là nguyên nhân khiến trẻ có nhưng hành vi lệch chuẩn, tiêu cực, vướng vào tệ nạn xã hội. Cho con môi trường gia đình êm ấm, luôn lắng nghe, chia sẻ và quan tâm con đúng cách; là tấm gương cho con trong công việc, đời sống và học tập; giáo dục con biết yêu thương, dũng cảm, biết nói không với những tệ nạn và luôn đứng về lẽ phải là cách bạn cho con thành trì vững chắc nhất trước những cám dỗ của xã hội. Cần chú ý giáo dục kỹ năng sống cho con. Điều này rất quan trọng bởi kỹ năng sống là vũ khí cần thiết cho mọi người, nhất là trẻ em. Nó sẽ giúp con bạn biết tự điều chỉnh thái độ phù hợp với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đồng thời biết tự kiềm chế hành vi của mình. Khi con bạn có được kỹ năng sống tốt cũng là lúc con có được ban lĩnh vững vàng để ứng phó với mọi tinh huống nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, và đó là điều kiện tốt để con bạn tránh bị sa vào tệ nạn xã hội. Cùng với đó, cha mẹ cũng nên giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để kịp thời phát hiện, uốn nắn khi con em có biểu hiện xấu. Làm được như vậy chúng ta sẽ bảo vệ được con em mình trước tệ nạn xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay.

Tài liệu Giáo dục đời sống gia đình - Như Quỳnh​