• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

HÔN NHÂN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT CHUẨN BỊ CHO HÔN NHÂN

Hôn nhân luôn là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Cũng từ hôn nhân, các chức năng cơ bản của gia đình được tiếp nối, thực hiện. Do đó có thể nói, hôn nhân là việc riêng của các cá nhân nhưng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng gia đình, đến công cuộc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Tình yêu là những cảm xúc mãnh liệt còn hôn nhân chính là trái ngọt của tình yêu đó. Bất cứ ai khi quyết định tiến tới hôn nhân đều mong muốn sẽ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng thực tế cho thấy hôn nhân với vô vàn vấn đề phát sinh, phải đối mặt đôi khi trở thành “mồ chôn”, là “tiếng chuông báo động” cho giấc mơ tình yêu của rất nhiều cặp vợ chồng. Vậy để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững, hai người phải chuẩn bị những điều cần thiết gì? Chuyên đề này tập trung vào những điều cơ bản cần thiết nhất và mang tính khái quát, phổ biến. Trên nền tảng đó, mỗi người sẽ có những trang bị, hành động phù hợp với thực tiễn của mình để có cuộc hôn nhân hạnh phúc như mong muốn.

Tien-hon-nhan.jpg
I. HÔN NHÂN

Mục 1, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 định nghĩa “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”. Như vậy, theo Luật, tình trạng hôn nhân được bắt đầu bằng việc kết hôn giữa nam và nữ với nhau theo quy định về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Nhiều cặp vợ chồng sau khi tổ chức đám cưới, được xã hội thừa nhận về quan hệ hôn nhân mới đi đăng ký kết hôn do suy nghĩ đơn giản “Giấy kết hôn chỉ là tờ giấy, làm sao ràng buộc được nhau” hoặc thậm chí “cứ sống với nhau, hợp thì sẽ đăng ký, không hợp thì chia tay đỡ phải làm thủ tục ly hôn”. Điều này có thể dẫn đến những tranh chấp về tài sản, về con cái mà không được pháp luật bảo vệ. Thực tế đã có nhiều trường hợp sống với nhau mà không đăng ký kết hôn, tài sản tạo dựng được mang tên 1 người. Đến khi hết tình, cạn nghĩa thì người còn lại có nguy cơ ra đi tay trắng, không được chia bất cứ một phần tài sản nào; việc phân xử tranh chấp rất phức tạp và mất thời gian vì không có giấy đăng ký kết hôn. Bởi giấy đăng ký kết hôn không chỉ là một loại giấy tờ hộ tịch nhân thân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một người nằm trong tình trạng hôn nhân, là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người, trong trường hợp xảy ra tranh chấp về tài sản sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định. Quan trọng hơn, khi hai người yêu nhau, tự nguyện gắn bó, sống chung với nhau thì tờ giấy chứng nhận hôn nhân còn là sợi dây kết nối, là động lực để hai vợ chồng vượt qua mọi thử thách, khó khăn để giữ vững cho cuộc hôn nhân của mình. Điều kiện kết hôn và các đăng ký kết hôn được quy định chi tiết tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Trong đó, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Việc đăng ký kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kết hôn gồm: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn; Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài. Với người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thì phải có thêm những điều kiện, thủ tục theo Pháp luật về hộ tịch. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn chi tiết các thủ tục, các bước tiến hành đăng ký kết hôn. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thấy không đủ điều kiện thì cơ quan đăng ký từ chối đăng ký và phải giải thích rõ ràng bằng văn bản; nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Đăng ký kết hôn là bước khởi đầu, từ đây hôn nhân giữa hai người nam, nữ đã được pháp luật công nhận, bảo vệ.

hongdao-153102043118-hon-nhan.jpg
II. NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT CHUẨN BỊ CHO HÔN NHÂN

1. Có sự hiểu biết sâu sắc về con người, tính cách và hoàn cảnh gia đình của nhau

Nếu chỉ là người yêu, đôi khi không cần phải hiểu quá rõ về nhau, về hoàn cảnh gia đình, công việc, lối sống, nhân cách, thói quen, sở thích, … của nhau mà chỉ đơn giản vì đó là người yêu của mình. Nhưng khi tình yêu đủ độ chín, hai người quyết định sẽ tiến tới hôn nhân thì sự hiểu biết sâu sắc về bạn đời tương lai rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc hôn nhân sau này. Điều này sẽ giúp cho cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn, dễ dàng cảm thông, chia sẻ, hy sinh, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau khi các bên có khuyết điểm, lỗi lầm, sự “chênh” nhau về lối sống. Con người là một thực thể phức tạp, là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội nên việc hiểu rõ về một người phải là kết quả của cả một quá trình lâu dài, không có điểm kết thúc. Bên cạnh đó, khi còn giai đoạn yêu thì mọi người có xu hướng  giấu đi những thói hư tật xấu, “tô hồng” người mình yêu và  đôi khi những nhược điểm  chỉ thực sự bộc lộ sau khi đã kết hôn. Đó là lý do nhiều người cảm thấy vỡ mộng, cảm giác “như bị lừa, mình đã kết hôn với người lạ nào đây?” . Bởi vậy, việc dành thời gian tìm hiểu rõ về bạn đời tương lai rất cần thiết nhưng điều này mang tính tương đối phụ thuộc vào cảm nhận, đánh giá của mỗi người.

Những điều cần tìm hiểu rõ về bạn đời tương lai trước khi kết hôn:

Thứ nhất  -  nhân cách, đạo đức, lối sống. Điều này thể hiện rất rõ qua những việc làm, cử chỉ thường ngày. Con người có thể giấu bản chất của mình trong từng thời điểm chứ không thể che giấu tuyệt đối, quan trọng là người kia có nhận ra hay không. Ví dụ, một người luôn khinh miệt những người kém hơn mình, hay gây gổ với người khác, có khuynh hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ thì rất có thể sau này sẽ coi khinh vợ/chồng, gia đình vợ/chồng, gây bạo lực gia đình. Có những điều có thể chấp nhận, bỏ qua để tiến tới hôn nhân nhưng nếu nhân cách, đạo đức không tốt, lối sống quá khác nhau thì mỗi người hãy cân nhắc vì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ là nguy cơ rõ ràng.

Thứ hai - Tính cách. Tính cách của mỗi người rất khó thay đổi, đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể thay đổi tính cách của người khác hay ai đó vì mình mà thay đổi. Điều này có nhưng ít vô cùng vì thế hai người yêu nhau cần hiểu rõ tính cách của nhau, nương theo đó mà có cách ứng xử thích hợp với nhau nhất là trong trường hợp hai người có cá tính mạnh, tính cách đối lập nhau. Thực tế không ai thay đổi cá tính của mình, chỉ là hiểu và chấp nhận tính cách đó của nhau. Nếu người chồng có tính luộm thuộm mà người vợ lại sạch sẽ thì trong quá trình chung sống hai người sẽ tự điều chỉnh: người chồng sẽ xu hướng gọn gàng hơn còn người vợ sẽ giảm bớt sự sạch sẽ của mình để dung hòa với nhau. Ngược lại, nếu không làm được điều này thì giữa vợ, chồng sẽ phát sinh những mâu thuẫn từ nhỏ nhặt, tích tụ thành mâu thuẫn lớn thậm chí dẫn đến chia tay.

Thứ ba - Thói quen, sở thích. Mỗi người có thói quen, sở thích riêng; đôi khi thói quen, sở thích của hai người yêu nhau khác hẳn nhau. Biết được thói quen, sở thích của vợ/chồng sẽ giúp cho hai bên dễ dàng thông cảm, chấp nhận nhau và tạo cho nhau những bất ngờ thú vị, những món quà đúng mong muốn.

Ví dụ người vợ thích xem phim thì không món quà nào lãng mạn và thực tế hơn việc mời vợ đi xem những bộ phim hay, đúng sở thích. Hay người chồng có thói quen chơi thể thao khi hết giờ làm việc thì người vợ cũng nên thông cảm, cho chồng thời gian chơi thể thao chứ đừng cằn nhằn, cấm cản. Nhờ đó hôn nhân cũng vui vẻ, sắc màu, hòa hợp hơn.

Thứ tư - hoàn cảnh gia đình. Từ xưa đến nay thì việc “môn đăng hộ đối” luôn là điều mà các bậc làm cha mẹ mong muốn khi dựng vợ gả chồng cho con. Ngày nay, nội hàm việc này không còn gay gắt, mang nặng tính giai cấp – tiền bạc như trước nhưng nó vẫn mang giá trị nhất định. Hai người có hoàn cảnh gia đình tương đồng với nhau thì dễ có hôn nhân hạnh phúc, bền vững hơn. Ngược lại sự khác biệt quá lớn về hoàn cảnh gia đình sẽ là rào cản tiến tới và xây dựng hôn nhân của đôi bạn trẻ. Hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình của nhau không chỉ để hiểu thêm về bạn đời tương lai mà còn để sau này khi về làm dâu/rể không bị lạc lõng, hòa nhập và thấu hiểu, đồng cảm với những vấn đề, các thành viên khác của gia đình chồng/ vợ của mình. Ví dụ: hãy để lại tính cách, thói quen của người thành phố  khi bước vào gia đình thuần nông, chân chất;  hoặc nếu  lấy người chồng là con trai của gia đình chỉ có người mẹ tần tảo nuôi dưỡng thì hãy hiểu cho tâm tư tình cảm của người mẹ chồng khi phải san sẻ con trai cho một người con gái  khác…

Thứ năm - hoàn cảnh kinh tế. Kinh tế đóng vai trò quan trọng tới sự bền vững, hạnh phúc của hôn nhân, gia đình. Hiểu rõ về điều kiện kinh tế của vợ/chồng là điều cần thiết. Qua đó, có con số tương đối về thu nhập chung, nguồn vốn tích lũy chung của cả hai từ đó sẽ có kế hoạch chi tiêu hợp lý trong tổ chức đám cưới và tổ chức gia đình sau này. Đồng thời sẽ đây sẽ là động lực, động viên mỗi người phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc để có thu nhập tốt hơn lo cho cuộc sống và sự thông cảm, sẻ chia, chấp nhận với khả năng kinh tế của vợ/chồng sau hôn nhân. Như vậy, rõ ràng việc dành thời gian, tâm sức tìm hiểu về người bạn đời tương lai là việc không thể thiếu với hai người khi xác định tiến tới hôn nhân; đòi hỏi mỗi người phải qua nhiều kênh thông tin khác nhau (qua bạn bè, đồng nghiệp, các thành viên gia đình, lời nói cử chỉ của người yêu…) và bằng sự cảm nhận, đánh giá thực sự khách quan của mình; đặc biệt tránh tư tưởng “yêu nhau củ ấu cũng tròn; Ghét nhau quả bồ hòn cũng vuông”. Hiểu rõ về nhau chính là cơ sở hai vợ chồng chia sẻ, cảm thông, chấp nhận và cùng nhau vượt qua mọi sóng gió phát sinh trong hôn nhân sau này. 

2. Có cơ sở vững chắc về kinh tế - tài chính

Tài chính là vấn đề hết sức quan trọng với mỗi cuộc hôn nhân. Thực tế cho thấy phần lớn những tranh cãi của vợ chồng xuất phát từ nguyên nhân kinh tế; với những mâu thuẫn khác cũng có thể dễ dàng giải quyết hơn nếu như hai người  có nguồn tài chính ổn định, vững chắc. Vì sau khi kết hôn, mỗi người không chỉ sống, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng của cá nhân mình và cũng không thể “ở nhà bố mẹ, ăn cơm bố mẹ” như trước mà còn phải lo cho gia đình, con cái, phụng dưỡng ông bà cha mẹ và vô số khoản chi không tên khác của đời sống gia đình. Chính bởi vậy cả vợ và chồng đều phải có một nguồn tài chính ổn định, có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của gia đình và bản thân tùy thuộc vào thu nhập thực tế. Về vấn đề này, cha ông ta đã đúc kết kinh nghiệm bằng câu thành ngữ nói về 3 việc quan trọng của người đàn ông, đó là “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Con trâu trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước trước đây luôn được coi là đầu cơ nghiệp và người đàn ông trước khi lấy vợ phải tậu trâu – tức là phải có cơ sở vững chắc về kinh tế. Điều này ngày càng trở nên cần thiết hơn trong xã hội hiện đại ngày nay.

Nguồn gốc của tài chính: Trước hết có một nguyên tắc là tài chính trong gia đình phải do cả vợ và chồng cùng đóng góp. Có như vậy mới có sự bình đẳng, tôn trọng trong gia đình. Người vợ đừng ỷ lại, giao hết việc kiếm tiền cho chồng hay hoàn toàn dựa dẫm vào sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên. Bố mẹ có thể tổ chức đám cưới, hỗ trợ về tài chính cho hai vợ chồng nhưng để duy trì gia đình nhỏ bền vững thì hai vợ chồng phải có thu nhập của chính mình. Nguồn gốc tài chính của hai vợ chồng trong hôn nhân gồm: vợ chồng tích lũy trước khi kết hôn; gia đình hai bên cho/ tặng hai vợ chồng; mừng cưới của bạn bè, đồng nghiệp (trong trường hợp được bố mẹ hỗ trợ, tổ  chức cưới); tiền lương/ lợi nhuận từ việc kinh doanh, làm dịch vụ… gọi chung là thu nhập từ công việc của hai vợ chồng. Trong đó, để duy trì hôn nhân - gia đình bền vững, lâu dài thì thu nhập từ công việc phải đóng vai trò quan trọng nhất. Cả hai vợ chồng phải có việc làm, thu nhập ổn định: Hiện nay, ngày càng nhiều người muốn phải có một sự nghiệp vững chắc thì mới nghĩ đến việc kết hôn do đó độ tuổi kết hôn ngày càng có xu hướng tăng, nhất là ở các khu vực thành thị, các thành phố lớn. Tuy nhiên khái niệm sự nghiệp vững chắc mang tính tương đối tùy vào điều kiện, suy nghĩ, đánh giá của mỗi người. Theo quan điểm của người viết, khi hai người yêu và hiểu nhau, đã có một công việc mang lại thu nhập ổn định, có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của gia đình thì hãy tiến tới hôn nhân. Với xã hội hiện đại ngày nay, không nhất thiết phải có việc làm ngày 8 tiếng ở công sở, hàng tháng lĩnh lương mới là ổn định mà quan trọng là phải có thu nhập từ công việc của mỗi người. Ví dụ như có nhiều người làm công việc mang tính chất thời vụ nhưng thu nhập vào thời gian cao điểm có thể đủ chi tiêu trong cả 1 năm; Hoặc với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội thì ngày càng nhiều người kinh doanh trên mạng và lợi nhuận thu được chính là nguồn thu nhập ổn định của họ. Dù làm những công việc với mức thu nhập khác nhau nhưng mỗi người nhất định phải có việc làm để có thể lo cho cuộc sống gia đình mình. Đặc biệt với những người vợ, đừng vì lý do con cái, bố mẹ có điều kiện hay chồng kiếm được nhiều tiền đủ lo cho cả gia đình mà chỉ ở nhà, không đi làm. Có thể không mang lại thu nhập cao hoặc “đi làm chỉ cho vui” nhưng một công việc/ nguồn thu nhập ổn định giúp cho mỗi người có được tiếng nói trong gia đình, không bị người khác coi thường là ăn bám, tạo sự bình đẳng giữa vợ và chồng. Đồng thời qua công việc, các mối quan hệ xã hội và kiến thức được mở rộng, bản thân mỗi người cũng sẽ tự hoàn thiện hơn. Tất cả những điều này góp phần quan trọng cho hạnh phúc của mỗi cuộc hôn nhân. Nếu tình yêu là lý do để hai người quyết định  tiến tới xây dựng lâu đài hạnh phúc của hôn nhân thì có thể nói tài chính là viên gạch quan trọng tạo nên nền móng cho tòa lâu đài đó. Mỗi người nên có việc làm, thu nhập ổn định trước khi kết hôn để sau đó, hai vợ chồng cùng chung lưng đấu cật, xây dựng  sự nghiệp cho bản thân cũng là để lo kinh tế, tạo nguồn tài chính vững chắc cho hạnh phúc hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên điều kiện của mỗi người, mỗi gia đình khác nhau,  quan trọng là cả hai người biết bằng lòng với cuộc sống, có sự chi tiêu hợp lý, phù hợp với thu nhập của hai vợ chồng và có sự đồng cảm, sẻ chia, trân trọng công sức lao động, việc làm của vợ/chồng mình. Đó mới là điều quan trọng, làm nên hạnh phúc chứ không phải là ở giá trị của thu nhập.

3. Chuẩn bị tâm lý khi bước vào hôn nhân

Kết hôn  là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Từ một người tự do, thỏa sức làm điều mình muốn và được cha mẹ, người yêu cưng chiều hết mực khi chính thức bước vào hôn nhân sẽ phải đối mặt với bao vấn đề phát sinh về cơm áo gạo tiền, đối nội đối ngoại, con cái, sự “thay đổi” chóng mặt đến xa lạ của chồng/ vợ trước và sau khi cưới. Điều này làm cho chúng ta dường như bị vỡ mộng, cảm thấy hôn nhân của mình thật tệ. Thực tế cho thấy, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn sau những năm đầu chung sống cao nhất; khi  đã qua ngưỡng 5 năm thì tỷ lệ này giảm dần. Do đó, bên cạnh những chuẩn bị về tài chính, hiểu biết nhất định về tổ chức đời sống gia đình… thì mỗi người cần phải chuẩn bị cho mình một tâm lý vững chắc khi bước vào hôn nhân, gồm:

Thứ nhất là việc xác định hôn nhân không chỉ “màu hồng” mà còn có cả những “mảng xám”, sẽ phát sinh vô số những khó khăn, mâu thuẫn giữa vợ  - chồng, với các thành viên khác trong gia đình là không thể tránh khỏi. Người vợ/ chồng của mình sẽ rất khác lúc còn là người yêu; thậm chí đôi khi ta sẽ thấy như đây không phải là người mình lựa chọn kết hôn mà là người hoàn toàn “xa lạ” hoặc “phát điên” vì những thói hư tật xấu của bạn đời. Bản thân cũng sẽ không còn tự do, giữ nhiều thói quen thời độc thân như ngủ trễ vào cuối tuần, tan làm không về nhà mà đi chơi với bạn bè đến đêm muộn… Hãy xác định đây là điều bình thường, hầu hết các cuộc hôn nhân đều gặp phải; đừng coi đó là sự “vỡ mộng” hôn nhân, là bất hạnh của cuộc đời mình. Điều quan trọng là hai bên phải có tinh thần cầu thị, biết sai để sửa đổi, thông cảm chấp nhận để cùng nhau vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu của đời sống hôn nhân. Thứ hai, cần xác định hôn nhân không chỉ là mối quan hệ giữa hai vợ- chồng mà là tổng thể các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người quen của hai bên. Với mỗi mối quan hệ cần có những cách ứng xử phù hợp dựa trên nền tảng đạo đức, chuẩn mực xã hội và tình cảm của hai bên. Đặc biệt mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề căng  thẳng, gây không ít sóng gió cho các cuộc hôn nhân. Ca dao Việt Nam có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu. Yêu nhau cũng thể mẹ chồng nàng dâu”. Thực tế, rất khó để con dâu thực lòng coi mẹ chồng như mẹ đẻ và ngược lại nhưng khi bước hôn nhân, mỗi người vợ hãy xác định rằng mẹ chồng chính là người đã sinh ra và nuôi dưỡng chồng mình; mẹ chồng có khó tính, xét nét con dâu cũng là điều khó tránh nhưng việc phụng dưỡng, hiếu thuận với mẹ chồng là trách nhiệm, nghĩa vụ của người con; đó cũng là cách để cho cuộc hôn nhân hạnh phúc, để người chồng càng thêm yêu thương, tôn trọng vợ. Thứ ba, xác định sẽ có những “khoảng lặng” trong cuộc sống hôn nhân. Các cuộc hôn nhân, nhất là ở những cặp kết hôn lâu thì sẽ xuất hiện những “khoảng lặng”. Đó là nếu nhìn bề ngoài thì cuộc sống gia đình vẫn bình thường, yên ả nhưng bên trong đó vợ chồng sống như hai người trọ cùng phòng, chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, với bên ngoại bên nội mà không có những giao tiếp, trao đổi thân mật với nhau, thậm chí không có quan hệ về thể xác. Rõ ràng nếu tình  trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài thì sẽ là báo động đỏ cho cuộc hôn nhân của cả hai. Xác định rằng đây cũng là điều bình thường với mỗi cuộc hôn nhân để khi thấy vợ chồng mình rơi vào tình trạng này thì mỗi người nên có những điều chỉnh hành vi, hâm nóng lại tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình với chất keo, sợi dây nối là những đứa con. Đừng để những khoảng lặng này kéo dài sẽ làm hôn nhân trở nên lạnh lẽo, tình cảm cạn khô.

Thứ  tư, xác định  tâm  lý chấp nhận, bằng  lòng với những gì mình đã lựa chọn. Theo người viết đây là việc quan trọng nhất cần phải xác định khi kết hôn. Khi chúng ta chấp nhận người đó sẽ là vợ/chồng tương lai của mình, thì hãy yêu thương và chấp nhận những gì của người đó như  là một phần  của mình. Hôn nhân có thể là kết quả của cuộc tình đẹp, cũng có sự ép buộc, lựa chọn do hoàn cảnh nhưng khi kết hôn thì đấy là quyết định, là duyên phận của hai người. Có thể bạn đời  tương  lai không được như mong muốn,  còn nhiều  thiếu  sót khiến mình chưa hài lòng nhưng họ chính là người sẽ cùng chung sống suốt cuộc đời, sẽ là bố/mẹ của con mình.. Mang tâm lý “Đứng núi này trông núi nọ” không chỉ làm cho bản thân luôn cảm thấy bất mãn, khó chịu với vợ/chồng mà còn làm cho cuộc hôn nhân trở nên tù túng, ngột ngạt, nguy cơ tan vỡ cao. Bởi vậy khi đã lựa chọn thì hãy chấp nhận, bằng lòng với người bạn đời của mình, hãy vui vẻ chấp nhận tất cả mọi thứ để có thể cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nếu có những sai lầm thì hãy chỉ ra cho nhau biết, góp ý thẳng thắn để cả hai cùng đưa ra giải pháp cho một cuộc hôn nhân bền vững.

o.jpg
4. Thống nhất với nhau về một số vấn đề, việc tổ chức đời sống gia đình sau khi kết hôn

Nguyên nhân quan trọng phát sinh mâu thuẫn giữa vợ  - chồng là do bất đồng quan điểm về lối sống, việc tổ chức đời sống gia đình. Để  hạn chế thấp nhất những bất đồng, mâu thuẫn sau này, trước khi kết hôn hai người nên có sự trao đổi, thống nhất với nhau về một số vấn đề lớn trong đời sống hôn nhân sau này, có thể kể đến như:

Thứ nhất: Chỗ ở của hai vợ chồng. Với những cặp vợ chồng nào làm việc xa nhà, lập nghiệp tại thành phố nhưng chưa có nhà riêng thì cần phải lựa chọn được căn phòng/nhà thuê thuận tiện, phù hợp với thu nhập của hai người. Đồng thời hai người cũng nên có kế hoạch, định hướng phấn đấu để có thể sở hữu căn nhà riêng. Với những cặp vợ chồng đã có nhà riêng thì nên thống nhất về nội thất, các trang thiết bị trang trí trong nhà. Một ngôi nhà có không gian đẹp, hợp ý cả hai vợ chồng cũng là yếu tố quan trọng gắn kết cả gia đình. Đặc biệt với những cặp vợ chồng sống với gia đình chồng/vợ thì nên xác định rõ tư tưởng, những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình sống chung tránh xung đột, thắt chặt tình cảm gia đình – nền tảng của cuộc hôn nhân bền vững. Thứ hai, việc đóng góp tài chính, chi tiêu trong gia đình sau khi kết hôn. Thông thường các bạn trẻ thường ngại đề cập đến vấn đề này nhưng rõ ràng và thống nhất ngay từ đầu để có kế hoạch chi tiêu hợp lý tránh được tình trạng “bóc ngắn cắn dài”, định hướng được những việc trong tương lai và thỏa mãn được cả hai bên. Trên cơ sở thu nhập của mỗi người, hai bên phải thống nhất trách nhiệm đóng góp tài chính, việc chi tiêu các nhu cầu của cuộc sống như thế nào, ai sẽ là người quản lý tài chính trong gia đình… Mỗi gia đình sẽ có sự thống nhất riêng, quan trọng dù có như thế nào thì vợ chồng phải giữ niềm tin cũng như bản thân không phụ người bạn đời của mình. Tin tưởng nhau, chung lưng đấu cật lo cho gia đình góp phần quan trọng vào sự bền vững, hạnh phúc của hôn nhân. Thứ ba, những nguyên tắc phụng dưỡng cha mẹ. Việc này cũng cần được hai người đưa ra để có những phương án thực hiện sao cho tốt nhất. Bởi việc phụng dưỡng cha mẹ hai bên cũng có tác động không nhỏ đến hạnh phúc riêng của tổ ấm gia đình. Người nào cũng muốn vợ/chồng quan tâm, chăm sóc bố mẹ mình nhưng thường không thực tâm muốn chăm sóc bố mẹ chồng/vợ, gây ra những mâu thuẫn, tranh cãi, ấm ức giữa hai vợ chồng. Chính vì vậy cần có những thống nhất và đặt ra những thoả thuận về việc này như: khoản tiền biếu bố mẹ hai bên theo định kỳ hay dịp đặc biệt; vào những dịp lễ tết, nàng dâu phải làm gì, chuẩn bị những gì; chàng rể cần có những hành động gì để xây dựng mối quan hệ tình cảm, thân thiết với gia đình nhà vợ hay việc ăn tết ở bên nội ngoại như thế nào; Việc chăm sóc, về thăm bố mẹ (với những cặp vợ chồng ở riêng); tôn trọng những sở thích nguyện vọng  và chấp nhận tính cách, cư xử của bố mẹ hai bên... Nguyên tắc bền vững nhất là hãy coi bố mẹ vợ/chồng như bố mẹ mình, thật lòng yêu thương, chăm sóc. Đại gia đình hòa thuận là nền tảng để gia đìnhnhỏ hòa thuận, yên ấm.

Thứ tư, phân công trách nhiệm trong làm việc nhà. Thử tưởng tượng, hai người cùng đi làm đóng góp tài chính cho gia đình, cùng chịu những áp lực căng thẳng của công việc, các mối quan hệ xã hội nhưng khi trở về, người vợ phải đảm nhận tất cả các việc nhà, phụng dưỡng bố mẹ, chăm sóc dạy dỗ con cái…trong khi người chồng không giúp đỡ gì. Ngày một ngày hai có thể chấp nhận nhưng nếu coi đó là việc hiển nhiên “làm vợ phải thế” thì lâu ngày tích lũy những mệt mỏi, ấm ức, chán nản cho người vợ, hôn nhân ít nhiều cũng sẽ không còn hạnh phúc, thậm chí tan vỡ vì lý do này. Do đó ngay từ đầu, hai người nên có sự thống nhất với nhau trách nhiệm, chia sẻ việc nhà với nhau. Không phải cứng nhắc kiểu “anh không rửa bát, em sẽ không nấu cơm” mà có sự linh hoạt, nếu người vợ nấu cơm, chồng có thể nhặt rau, dọn mâm… Làm việc nhà không phải là sợ vợ, là mất đi cái uy của người đàn ông mà chính là sự chia sẻ, thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ của mình. “Cho đi là nhận lại”, người vợ được chồng giúp đỡ sẽ bớt mệt mỏi, thêm yêu thương, trân trọng và tự hào về chồng, có thêm thời gian chăm sóc tốt hơn bản thân và gia đình. Hôn nhân từ đó mà hạnh phúc, nồng ấm hơn. Thứ năm, thống nhất một số nguyên tắc trong ứng xử giữa hai vợ chồng. Hai con người xa lạ, vì yêu mà gắn bó, kết hôn và sống chung với nhau, sẽ không tránh khỏi sự khác nhau trong các ứng xử, những mâu thuẫn, tranh cãi. Vì vậy hai người nên thống nhất một số nguyên tắc ứng xử trong đời sống hôn nhân, tránh “cả giận mất khôn”, ai cũng coi mình là đúng hay khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa. Một số nguyên tắc có thể thống nhất là: Tôn trọng sở thích, bạn bè và công việc của nhau; Nếu có bất đồng, tranh luận không nói những lời lẽ xúc phạm, đặc biệt với gia đình, công việc của nhau; Đừng tranh cãi nhau khi nóng giận, hãy để sau khi cơn giận lắng xuống mới tiếp tục nói chuyện, phân tích vấn đề; Có gì không bằng lòng về nhau hãy trao đổi trực tiếp, không đi nói với người khác hay “đá thúng đựng nia”… Bên cạnh nền tảng yêu thương, trân trọng, chia sẻ và đồng cảm với nhau, thì những nguyên tắc ứng xử giữa hai vợ chồng là nhân tố để giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc và vững bền của hôn nhân.

quoc-te-hanh-phuc-7-1489987920.jpg

5. Có những kiến thức nhất định về tổ chức đời sống gia đình

Kiến thức về tổ chức đời sống gia đình rất rộng lớn, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng tìm hiểu, làm phong phú thêm dựa trên thực tiễn gia đình mình. Tuy nhiên để cuộc hôn nhân, gia đình gặp “hỗn loạn” ngay khi mới bắt đầu, trước khi kết hôn mỗi người nên tự trang bị những kiến thức nhất định về tổ chức đời sống gia đình.

Thứ nhất, phương pháp chi tiêu trong gia đình. Sau khi kết hôn, sẽ có rất nhiều khoản phải chi tiêu bao gồm cả những khoản chi cho nhu cầu cá nhân và gia đình trong khi thu  nhập chỉ có giới hạn nhất định. Nếu không có phương pháp chi tiêu hợp lý rất dễ dẫn đến cảnh “bóc ngắn cắn dài”, không có tài chính dự phòng cho những việc đột xuất. Mà kinh tế thì luôn là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn hàng đầu trong hôn nhân. Bên cạnh việc thống nhất việc đóng góp tài chính như đã đề cập ở phần trên, mỗi người nhất là người phụ nữ nên học hỏi kinh nghiệm của các bậc cha mẹ, của bạn bè đã kết hôn và từ tài liệu để có được phương pháp chi tiêu hợp lý dựa vào thực tiễn tài chính của hai người. Không thể có công thức chung cho việc phân bổ chi tiêu vì mỗi gia đình lại có điều kiện khác nhau nhưng theo quan điểm người viết, dù điều kiện kinh tế như thế nào hãy tiết kiệm ít nhất 1/5 thu nhập của hai vợ chồng đề phòng cho những việc đột xuất, tích lũy để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhà cửa, mua nhà. Khi có một nguồn quỹ dự phòng như vậy, hai người sẽ cảm thấy yên tâm, không bị động khi có việc đột xuất xảy ra.

Thứ hai - Có kiến thức về tổ chức bữa cơm gia đình ngon miệng, đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, trình bày đẹp mắt, hợp khẩu vị, sở thích, thể trạng của vợ/chồng, Xã hội hiện đại ngày nay thì bữa cơm chính là khoảng thời gian duy nhất trong ngày cả nhà quây quần, trao đổi thông tin, là sợi dây kết nối tình cảm gia đình. Nhưng không khí đầm ấm vui vẻ ấy rất dễ bị mất đi khi gặp phải cảnh “cơm nát canh mặn, thịt nhạt” hay đầu tháng ăn của ngon vật lạ, cuối tháng rau dưa qua bữa. Do đó kiến thức về tổ chức bữa cơm gia đình là yếu tố không nhỏ tạo nên hạnh phúc gia đình bền vững sau này. Để tổ chức bữa cơm gia đình đảm bảo chất và lượng, xin lưu ý các vấn đề sau: Hiểu biết về chế độ dinh dưỡng và khẩu vị, sở thích phù hợp với hai vợ chồng, các thành viên khác trong gia đình. Ví dụ như nhu cầu dinh dưỡng của người lớn khác trẻ nhỏ, người lao động trí óc khác với lao động chân tay, chế độ dinh dưỡng cho người có bệnh… Chọn lựa những nguyên liệu tươi ngon, đúng mùa (không nên mua đồ trái mùa vừa đắt vừa không bảo đảm chất lượng). Có cách chế biến và nấu món ăn vừa ngon, sạch sẽ vừa không mất  đi chất dinh dưỡng trong thực phẩm, trình bày món ăn đẹp mắt. Chi tiêu cho bữa ăn cần phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của hai vợ chồng. Bên cạnh việc tổ chức bữa cơm gia đình hàng ngày, người phụ nữ cũng nên có kỹ năng để nấu những bữa cỗ nhân dịp lễ, tết, gặp mặt toàn gia đình, bạn bè. Việc nấu ăn không chỉ là của phụ nữ, người chồng cũng nên học hỏi để có thể giúp đỡ vợ, đó cũng là cách để vợ chồng chia sẻ, thêm yêu thương, gắn bó với nhau hơn, hôn nhân cũng bền vững và hạnh phúc hơn

Thứ ba, có kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình. Mỗi người trước khi kết hôn cần trang bị cho những hiểu biết, kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản như: việc vệ sinh, phòng tránh viêm nhiễm; Kế hoạch hóa gia đình (các biện pháp phòng, tránh thai, vô sinh hiếm muộn); làm mẹ an toàn (chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần bà mẹ khi mang thai, khi sinh và sau khi sinh con; chăm sóc sơ sinh và trẻ em); Dự phòng và chữa trị các bệnh lây lan qua đường tình dục; Sức khỏe tình dục, sự hài hòa trong đời sống tình dục vợ chồng); các bài thuốc, món ăn nâng cao chất lượng đời sống tình dục, tăng khả năng thụ thai…

6. Kiểm tra tổng thể sức khỏe trước khi kết hôn.

Đây là việc mà ít bạn trẻ nào thực hiện khi bước vào hôn nhân. Điều này có thể gây những hệ quả nghiêm trọng như không biết bản thân mắc phải bệnh lây nhiễm nên không có biện pháp phòng, tránh dẫn đến lây bệnh cho người còn lại; Hoặc là người có nguy cơ hiếm muộn, vô sinh cao nhưng không có chữa trị kịp thời dẫn đến bệnh càng nghiêm trọng, gây mệt mỏi, tốn kém về sau… Tóm lại, hôn nhân là nhu cầu tất yếu, là đích mà tất cả các cặp đôi yêu nhau đều mong muốn. Hôn nhân là cơ sở quan trọng nhất để tạo nên gia đình, củng cố và làm gia đình phát triển bền vững, thực hiện những chức năng của gia đình. Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững cả hai người phải có sự đồng lòng, cùng nhau dựng xây. Trước hết hãy trang bị những điều cần thiết để tạo nên nền móng vững chắc cho cuộc hôn nhân của mình. Gặp nhau là duyên nhưng đến được  và duy trì được hôn nhân đó là “nợ”, là tình nghĩa giữa hai người. Và điều quan trọng nhất chính là tình yêu thương, sự trân trọng, chia sẻ, thủy chung và đồng cảm với nhau. Đó là nền tảng cơ bản để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững.

                                                                                    quoc-te-hanh-phuc-7-1489987920.jpg

Tài liệu Giáo dục đời sống gia đình - Như Quỳnh