• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
Di tích lịch sử Căn cứ Rừng Lá được xếp hạng cấp tỉnh

Ngày 02/10/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 3456/QĐ-UBND về việc xếp hạng cấp tỉnh di tích lịch sử Căn cứ Rừng Lá (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), nâng tổng số di tích được xếp hạng của tỉnh Đồng Nai lên 56 di tích.
 

Căn cứ Rừng Lá hay còn gọi Căn cứ Giao Loan, Căn cứ 4; trước đây, thuộc tổng Bình Lâm Thượng, huyện Long Khánh, tỉnh Biên Hòa. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, nay thuộc địa phận xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Rừng Lá là khu rừng buông rộng lớn, phía Tây kéo dài đến tận xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), phía Nam đến tận huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Bắc giáp Trảng Táo và phía Đông giáp huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).

Đền thờ liệt sĩ căn cứ Rừng Lá.JPG
Đền thờ liệt sĩ căn cứ Rừng Lá

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực Rừng Lá (huyện Xuân Lộc) trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng. Đây không chỉ là căn cứ của quân dân huyện Xuân Lộc, mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Từ căn cứ này, quân dân Đồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh địch vang dội, như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh.

* Những sự kiện cách mạng tại căn cứ Rừng Lá

Từ một huyện cơ sở hầu như bị mất trắng do Mỹ - Diệm càn quét dữ dội, vào những năm 1956-1960, ta đã thành lập Ban cán sự Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng được các lõm căn cứ nối thông tuyến liên lạc huyết mạch từ Chiến khu Hắc Dịch (nay thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Chiến khu Đ, đi qua các khu căn cứ: Mây Tàu, Rừng Lá…, khôi phục được phong trào và tổ chức “diệt ác phá kiềm” ở nhiều địa bàn trọng yếu, đưa phong trào cách mạng ở Xuân Lộc phát triển.

Năm 1962, để đáp ứng nhiệm vụ đánh địch, huyện Xuân Lộc đã tổ chức lại địa bàn hoạt động, hình thành 5H, trong đó căn cứ Rừng Lá thuộc H3. Tại căn cứ Rừng Lá có 1 chi bộ Đảng, 1 chi đoàn thanh niên và các tổ chức quần chúng theo nghề nghiệp, như: tổ làm lá, bứt mây, múc dầu rái…

Mở màn cho phong trào “diệt ác phá kiềm” ở các xã, từ căn cứ Rừng Lá, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo nhân dân và du kích địa phương phối hợp với các căn cứ khác trong huyện tổ chức nhiều đợt diệt ác trừ gian. Tháng 2/1962, dưới sự chỉ huy của đồng chí Tư Lạc, Trưởng ban Quân sự huyện (giả làm quận trưởng Xuân Lộc), một tiểu đội của ta đã đột nhập ấp Bảo Vinh B bắt gọn 21 tên tề ngụy đang họp bàn kế hoạch gom dân lập ấp, chống phá cách mạng.

Ngày 27/2/1962, một bộ phận của Tiểu đoàn D800 (bộ đội Quân khu 7) phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Long Khánh đánh địch đóng dã ngoại tại địa điểm Tà Lá (núi Mây Tàu - Rừng Lá), thu được 43 súng.

Ba Ông đá Chuồng trâu. Nơi thành lập Chi bộ Rừng Lá.JPG
Ba Ông đá Chuồng trâu, nơi thành lập Chi bộ Rừng Lá

Một trong những lực lượng nòng cốt tại khu vực này là Đội du kích mật Rừng Lá. Ngày 19/5/1970, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo Ban An ninh tỉnh (gồm các đồng chí: Trần Đệ, Tám Lực và Hai Trường) chủ trì thành lập Đội du kích mật Rừng Lá tại Cầu 5 đá lớn Chuồng Trâu ngã ba Kinh Tài, đường Suối lạnh vào khu vực núi Bể Mây Tàu (nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Bình Thuận) gồm 9 cán bộ, chiến sĩ đều là con em ở ấp Rừng Lá gồm Phạm Thanh Hồng - Đội trưởng, Nguyễn Văn Bé - Đội phó, Đinh Văn Liêm, Đinh Văn Nghĩa, Tô Văn Phương, Tô Văn Luận, Trương Văn Năm, Trương Văn Phến, Ngô Minh Sang. Nhiệm vụ giao cho đội du kích mật là tiêu diệt những tên ác ôn trong lòng địch.

Sau khi được thành lập, đội du kích mật đã lập được nhiều chiến công. Đầu tiên, vào năm 1971, đội đã phục kích bắn chết một tên ác ôn tên Lào ngay tại cổng chào ấp 4, xã Xuân Hòa ngày nay. Cuối năm 1971, đội đã mai phục bắn chết tên trung úy trưởng đồn Rừng Lá ngay tại cổng đồn. Đầu năm 1972, đội đã mai phục bên bờ suối lạnh đặt mìn ĐH10 tiêu diệt 1 tên ác ôn và làm bị thương nặng 1 tên khác.

Từ 1972 - 1973, Đội đã nhiều lần bắn pháo cối 82 ly vào đồn Rừng Lá của địch làm chết 5 tên và bị thương 3 tên. Cuối 1973, phối hợp với lực lượng vũ trang Bà Rịa - Long Khánh bao vây 1 đại đội biệt kích ngụy trong 6 ngày tại khu vực Đồi Đá Xuân Hòa, tiêu diệt 82 tên, bị thương 9 tên.

Ngoài ra, đội du kích mật còn bảo vệ, dẫn đường cho quân giải phóng vào miếu Ngũ Hành lấy lương thực, thuốc chữa bệnh; bảo vệ cho cán bộ an ninh tỉnh trú ẩn trong hầm bí mật; bảo vệ các cuộc mít tinh quần chúng do cách mạng tổ chức; dẫn đường cho Trung đoàn 33, Quân đoàn 4 đánh Sư đoàn 18 ngụy; treo cờ giải phóng dọc theo quốc lộ 1A; làm nhiệm vụ nắm tình hình địch báo cáo vào căn cứ kháng chiến để cách mạng tổ chức các trận đánh địch và bảo vệ các đoàn xe của ta chở lương thực vào căn cứ núi Mây Tàu và núi Bể…

Thực hiện canh gác đảm bảo 6 cuộc diễu hành của quần chúng cách mạng, canh gác tuần tra 8 lượt đảm bảo cho cán bộ cách mạng trú ẩn dưới hầm bí mật, canh gác 25 lượt cho quân giải phóng vào miếu Ngũ Hành lấy lương thực thực phẩm và thuốc chữa bệnh vào căn cứ Núi Bể, Mây Tàu, gần 200 lượt tải thương, tải đạn cho Sư đoàn 5, Trung đoàn 4, Trung đoàn 33, Trung đoàn 274, Đại đội pháo 246, Tiểu đoàn 445 và Tiểu đoàn 500, tất cả các đơn vị đều chiến đấu tại chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, 19 lần dẫn đường cho các đơn vị quân giải phóng chiếm đánh sư đoàn 18 Ngụy, dẫn đường cho các tiểu đoàn của ta đánh đồn Bà Tô - Xuyên Mộc, đồn Rừng Lá, canh gác nơi cửa khẩu cho xe tải gạo vào căn cứ cách mạng.

Từ ngày 21/3 đến 02/4/1975, Ban cán sự di dân đã phát động nhân dân kết hợp với đội vũ trang tuyên truyền và lực lượng du kích các xã dọc quốc lộ 1, từ ngã ba Ông Đồn đến Căn cứ 5, góp phần cùng với các đơn vị chủ lực quét sạch địch trên tuyến đường này, giải phóng toàn bộ các xã, ấp.

* Các lực lượng cách mạng đứng chân tại căn cứ

Căn cứ Rừng Lá là khu vực có rừng lá buông rộng lớn, có hai núi đá lớn là núi Bể và núi Mây Tàu. Do có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nên trong thời gian dài từ thời chống thực dân Pháp, đặc biệt giai đoạn chống đế quốc Mỹ, căn cứ Rừng Lá là địa bàn đóng quân của nhiều đơn vị vũ trang như Sư đoàn 5 quân giải phóng đóng quân để đánh căn cứ Bà Tô, Xuyên Mộc, Trung đoàn bộ binh số 33 (thường gọi là Trung đoàn 33), Trung đoàn bộ binh 4 (thường gọi là Q 4), Trung đoàn pháo 274, Đại đội cối 246, bệnh viện K76A, K76F, K76C, Trung đoàn 500,  Đội Du kích buôn làng Chơro, Đội du kích mật Rừng Lá, Đội Di dân Rừng Lá

Với các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học nổi bật, di tích Căn cứ Rừng Lá không chỉ là địa chỉ về nguồn quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương mà còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt cùng các lễ hội của đồng bào dân tộc Chơro nơi đây.

(Huỳnh Nga)

 

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.