• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch

Nhơn Trạch là một trong những địa phương của tỉnh Đồng Nai có các Câu lạc bộ, Nhóm Đờn ca – Tài tử hoạt động thường xuyên. Giai đoạn trước đây, Ngành Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm kê trên địa bàn huyện có 06 Câu lạc bộ gồm: Long Tân, Phước Thiền, Hiệp Phước, Long Thọ, Phước An và Phước Khánh với 50 nghệ nhân (gồm 32 nam, 18 nữ; trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 06 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 42 nghệ nhân ca). Từ đó đến nay, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ phát triển thêm 06 Câu lạc bộ ở các xã còn lại và 01 câu lạc bộ của huyện với tổng số trên 130 nghệ nhân.
 

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ trên địa bàn huyện nói riêng. Phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017-2020. Ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ trên địa bàn huyện. Hàng năm, UBND huyện còn duy trì tổ chức Hội thi, Liên hoan giữa các Câu lạc bộ 01 lần/năm cấp huyện, tổ chức giao lưu giữa các Câu lạc bộ trên địa bàn huyện 01 quý/lần và tham gia đầy đủ các hội thi, hội diễn cấp tỉnh nhằm giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao giá trị của nghệ thuật Đờn ca – Tài tử gắn với nét sinh hoạt ở cộng đồng dân cư. Đồng thời, hỗ trợ thành lập và phát triển các Đội, Nhóm, Câu lạc bộ; khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, sáng tác lời mới, truyền dạy, bồi dưỡng tài năng trẻ thông qua phong trào Đờn ca Tài tử tại các địa phương. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài Tổ của Đờn ca – tài tử, các tập quán, tín ngưỡng và các lễ hội có liên quan đến Nghệ thuật Đờn ca – tài tử Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử trong cuộc sống. Thường xuyên duy trì mối liên kết giữa các Câu lạc bộ trong và ngoài huyện để thống nhất phương pháp truyền dạy và có kế hoạch tập huấn cho các nghệ nhân nhằm nâng cao chất lượng truyền dạy…

Ngoài ra, Đờn ca – Tài tử cũng được UBND huyện bổ sung vào chương trình phát triển nông thôn mới, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”từng bước làm cho Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử thấm sâu vào nét sinh hoạt văn hóa hàng ngày của người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay nhằm bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.

Ông Vũ Văn Tân – Giám đốc Trung Tâm VHTT-TT huyện cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ, Ngành Văn hóa và Thông tin huyện Nhơn Trạch đã tổ chức ra mắt các Câu lạc bộ Đờn ca – tài tử mới, xây dựng Quy chế hoạt động. Hàng năm, tổ chức thành công Liên hoan Đờn ca – Tài tử cấp huyện, giao lưu các Câu lạc bộ hàng tháng và đưa các nghệ nhân đi tham gia Liên hoan cấp tỉnh… thu hút rất nhiều nghệ nhân và quần chúng nhân dân tham gia. Tuy nhiên, ngoài những kết quả nêu trên, Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, một số nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm; phần đông thanh thiếu niên ít quan tâm, tìm hiểu về loại hình này, công tác hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp thời, công tác vận động xã hội hóa cho hoạt động bảo tồn và phát huy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử trên địa bàn huyện chưa mang lại hiệu quả cao…”.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ngành Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân Đờn ca – tài tử có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca – Tài tử Nam bộ trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, giáo dục giới trẻ hiểu và trân trọng âm nhạc dân tộc, trong đó có Đờn ca tài tử. Thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về Đờn ca – tài tử cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các Câu lạc bộ, và cộng tác viên… Củng cố, đổi mới nội dung sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, Nhóm Đờn ca – tài tử và đưa vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đồng thời, tích cực phát huy xã hội hóa tạo điều kiện duy trì và phát triển hoạt động của các Câu lạc bộ để góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này./.

21248328_605480226507467_3493250566275443560_o.jpg

Liên hoan “Đờn ca – tài tử” huyện Nhơn Trạch lần thứ I năm 2017


318c59161860f93ea071.jpg

CLB Đờn ca Tài tử huyện Nhơn Trạch biểu diễn tại

Liên hoan “Đờn ca Tài tử Nam bộ” tỉnh Đồng Nai  lần thứ VIII năm 2017​


(Đoàn Mai)