• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
Một thoáng Đồng Nai

“ Đồng Nai gạo trắng nước trong Ai đi đến đó, lòng không muốn về”... Một chiều lang thang Cù Lao phố, chợt nghe văng vẳng câu hát ru… lòng nao nao một cảm xúc khó gọi thành tên. Đất và Người Đồng Nai thật biết quyến luyến lòng “kẻ lạ”. Chưa đầy chục năm sinh sống mà như gắn bó máu thịt nơi đây. Tôi - một con bé sinh ra và lớn lên nơi Tây nguyên đầy nắng gió, cứ ngỡ rồi mình chẳng thể xa rời những triền đồi cà phê bạt ngàn, màu mỡ…. cũng cứ ngỡ mình không thể yêu nơi nào nhiều như nơi đã được ba má chôn nhau cắt rốn…. cho đến khi trôi dạt đến xứ sông nước mênh mông này.
 

Bản tính chân chất, hiền hòa của Người Đồng Nai cũng giống như con sông Đồng Nai mùa nước nổi, mênh mông vô cùng. Nó như sợi dây vô hình ràng buộc, níu giữ nhiều bước chân phiêu lãng. Xứ sở này đối với riêng cá nhân tôi đã ghi dấu nhiều mốc son quan trọng trong cuộc đời. Nơi đây tôi sống, lao động, học tập và cũng là nơi tôi tìm được một nửa của đời mình. Tự nhủ bản thân phải ra sức phấn đấu, đóng góp một phần trí lực vào công cuộc xây dựng và kiến thiết nên một xứ Đồng Nai giàu đẹp, tạo một thương hiệu Đồng Nai vững vàng trong lòng anh em trên mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế. Để mai này, thế hệ con tôi, cháu tôi lấy đó làm tự hào và biết yêu xứ sở, quê hương.

Tôi viết những dòng này, cho thỏa nỗi niềm yêu thương với nơi tôi đang sống. Như cho mình một cơ hội tìm hiểu thêm lịch sử vùng đất “địa linh nhân kiệt” trải dài 320 năm. Như thắp nén nhang thơm, thành kính tri ân những bậc tiền nhân có công “khai sơn lập quốc”, đã từng “mang gươm đi mở cõi”, mở mang vùng đất phương nam của tổ quốc.

chiều trên sông Đồng Nai.jpg
Chiều trên sông Đồng Nai

Chiều cuối năm nhàn rỗi, lòng chợt dấy lên nỗi hứng khởi, tò mò; với châm ngôn “trẻ không xông pha, về già hối hận”, tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ nghề... nghiệp dư, tôi hăng hái lên đường tìm về “Một thoáng Đồng Nai” xưa cũ.

“Tour” vòng quanh các “địa chỉ vàng” được Nhà nước xếp hạng trong nội ô thành phố Biên Hòa của chúng tôi thu hoạch được khá nhiều điều quý giá. Thú thật, thường ngày, vẫn những cung đường ấy, những di tích ấy… nhưng mỗi chúng ta cứ vô tình lướt qua trong sự thờ ơ, vô cảm. Lịch sử nằm đó, văn hóa dân tộc nằm đó, trầm mặc trước sự xô bồ đầy cám dỗ của dòng đời xuôi ngược. Hai ngày cuối tuần, tôi và cộng sự trở thành “Ta ba-lô”, với lỉnh kỉnh bút vở, sổ sách, máy chụp hình và con “Wave” trung thành cũ kỹ, đi khắp các di tích được xếp hạng cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia trong thành phố Biên Hòa. Chuyến đi kết thúc tốt đẹp rồi, nhưng vẫn tặc lưỡi tiếc nuối và hẹn nhau, một ngày không xa sẽ tiếp tục chinh phục những chặng đường xa hơn, đến gần hơn với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh nhà còn nằm rải rác khắp các huyện, thị gần xa.

Một góc Cù Lao phố.jpg
Mộc góc Cù Lao phố

Chuyến đi tuy ngắn nhưng lại mang về cho tôi biết bao cảm xúc và trăn trở. Tôi vốn dĩ là một cử nhân Việt Nam Học. Tôi được học, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, con người và tất tần tật những gì có liên quan đến đất nước Việt Nam yêu dấu, kể cả những quốc gia lân bang, láng giềng. Nhưng những gì được học và được áp dụng trong thực tế quá xa vời. Ngày xếp sách vở và tạm biệt giảng đường cũng là ngày chúng tôi xếp lại những ước mơ, hoài bão về sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp khoa học nhân văn. Vòng quay của xã hội vốn dĩ đã như thế. Khối ngành khoa học xã hội - nhân văn kém sức hút đối với sinh viên khi phải lựa chọn. Mà thực tế, nếu sinh viên có đam mê theo học đi chăng nữa thì ra trường cũng đâu lấy gì làm chắc chắn sẽ xin được việc làm. Trong khi đó, thực tế nguồn nhân lực của khối ngành này đảm bảo về chất lượng và trình độ còn rất hạn chế. Lịch sử dân tộc Việt Nam trải dài cả ngàn năm có lẻ, văn hóa cội nguồn được bồi đắp bởi tầng tầng lớp lớp nhân sinh… Để phí hoài bề dày lịch sử - văn hóa ấy là có tội với non sông, đất nước. Cần phải biết sâu, phải hiểu rộng để tự hào, yêu thương, để đủ sức, đủ tầm kế thừa và phát huy nguồn di sản vô giá ấy của dân tộc.

Muốn làm được điều đó, ý kiến cá nhân tôi cho rằng, trước hết cần quan tâm hàng đầu về vấn đề nhân lực của khối ngành khoa học xã hội - nhân văn. Không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường có khối ngành này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mà cần phải có chế độ quan tâm, thu hút đối với những người có tâm huyết với ngành. Đồng Nai là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh so với mặt bằng chung của cả nước, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào hoạt động của các cụm khu công nghiệp. Nhịp sống công nghiệp hối hả dần làm cho người ta lãng quên đi các giá trị sống khác, đặc biệt là các giá trị lịch sử - văn hóa. Điều đáng ngại là ngay những người làm trọng trách giữ gìn, trông coi các di sản văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia ấy, rất hiếm người có sự hiểu biết đủ để giới thiệu gãy gọn cho du khách thập phương về nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của di tích mình đang trông coi. Lấy ví dụ ngay tại Đền thờ Thượng Đẳng Thần - Nguyễn Hữu Cảnh, dù là di tích được xếp hạng cấp quốc gia nhưng luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài. Ngày hai buổi sáng, chiều, Đền được người trông coi mở cửa nhang khói trong thời gian chừng nửa giờ đồng hồ. Khi chúng tôi đến để thực nghiệm, khảo sát, sau cả tiếng dạo quanh khuôn viên Đền, hỏi thăm khắp nơi mới gặp được người trông coi - vốn là một cán bộ hưu trí, để xin phép được vào trong viếng Đền. Ngoài việc cho chúng tôi vào trong, cho chúng tôi xem một số hiện vật có liên quan được lưu giữ tại Đền thì người trông coi tại đây không giới thiệu được gì thêm. Nói chuyện với bác (người trông coi Đền) mới biết, bác và những người như bác, tình nguyện làm công việc này chỉ vì tấm lòng với những bậc hào kiệt đã khuất chứ có lương bổng hay chính sách gì đâu. Nguồn thu nhập chủ yếu lấy từ việc cúng Đền của nhân dân và khách thập phương đến thăm viếng. Nên chăng tỉnh Đồng Nai chúng ta cần phải có một chính sách phù hợp với những người có tâm huyết với các di tích lịch sử - văn hóa ấy: có chế độ đãi ngộ hợp lý; tạo điều kiện cho họ theo học những khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về những kiến thức cơ bản nhất; cung cấp cho họ những tài liệu cần, đủ để họ có thể kể cho du khách nghe những điển tích, huyền thoại gắn với di tích họ đang góp phần trông coi, gìn giữ. Tôi chợt nhớ đến những đêm kể Khan của đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên, có cần đâu sách vở, chữ nghĩa, vậy mà những thiên anh hùng ca ĐămSan, Xinh Nhã… vẫn được truyền liên tu bất tận từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những đêm kể Khan bên ánh lửa bập bùng. Thế mới biết sức mạnh của văn hóa truyền miệng lâu bền đến thế nào, chẳng phải ông bà ta đã dạy: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” đó sao. Cứ thử đặt một giả thuyết, khi ai đó đến viếng một ngôi Đền, được người trông coi nơi đây tiếp đón nhiệt tình, được nghe những huyền thoại, sự tích oai nghiêm của vị anh hùng mình vừa khấn vái, chắc rằng ấn tượng về một vùng miền sẽ vô cùng sâu sắc và không dễ quên.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.jpg
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Biên Hòa, Đồng Nai)

Thời còn đi học, tôi đã được nghe giáo sư của mình giới thiệu về văn hóa của một số quốc gia trong khu vực, trong đó làm cho chúng tôi ấn tượng nhất là Thái Lan và Myanmar. Hai nước này vốn nổi tiếng với những ngôi chùa dát vàng, những bức tượng Phật vàng khổng lồ và ngày một dày dặn hơn (do sự đóng góp vàng lá từ nhân dân trong nước). Phật giáo ở đây đạt đến ngưỡng tự giác cao độ, đối với người dân hai nước này, cúng dường không những là phương tiện tư lương trên tiến trình giải thoát mà còn là phương thức biểu hiện uy tín trong cộng đồng. Tôi không dám sa đà bàn luận về tôn giáo, chỉ mượn chuyện người mà nói lên trăn trở của mình. Nhà nước quản lý văn hóa - xã hội, nhưng cái quan trọng là làm sao nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chung tay xây dựng, quản lý cùng nhà nước. Muốn đạt được điều đó, thiết nghĩ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những giá trị văn hóa - lịch sử của các di tích trong quần chúng nhân dân. Nên chăng tại mỗi điểm di tích nên xây dựng một tấm bia, pano… khái quát lược sử và giá trị nhân văn của di tích đó, chứ không chỉ để chung chung theo kiểu “Di tích được xếp hạng cấp quốc gia, ngày…tháng…năm…”. Nên chăng mỗi dịp tổ chức lễ hội có liên quan đến khu di tích, hãy chụp hình, quay phim để khi cần thì có tư liệu phong phú. Hoặc cũng có thể phát hành tờ bướm, đĩa VCD giới thiệu đến khách bốn phương. Kinh phí trước nay chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, nhưng hình như chúng ta chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để đạt hiệu quả cao nhất mà thôi. Cách đây không lâu, tôi có việc xuống Hóc Môn, tiện đường và được sự giới thiệu của người quen, tôi viếng thăm chùa Hoằng Pháp - một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Nổi tiếng không chỉ vì bề dày lịch sử và các hiện vật có giá trị văn hóa, mà chùa còn nổi tiếng về sự huy động các nguồn xã hội hóa đạt hiệu quả tối ưu, tạo nguồn tài chính vững vàng cho các hoạt động từ thiện. Khách vãn cảnh chùa, dâng hương xong còn được viếng thăm phòng trưng bày - nơi giới thiệu ngắn gọn, súc tích nhất về nơi mình đang vãn cảnh. Du khách còn được tặng VCD giới thiệu về đạo Phật nói chung và Chùa Hoằng Pháp nói riêng. Nếu có nhu cầu, khách có thể mua thêm phim ảnh, sách, giáo lý… có liên quan đến nhà Phật… Đặc biệt còn có cả dịch vụ may đo, bán sẵn các loại áo tràng cho phật tử bốn phương… Một mô hình khá hay mà có lẽ chúng ta cũng nên học tập.

Có thể nói, trên con đường hội nhập và phát triển, mỗi vùng miền đều biết khai thác thế mạnh của mình để có thể đẻ ra những quả trứng vàng mang tên “du lịch”. Dọc theo tuyến điểm du lịch Việt Nam, ta có “Hà Nội ngàn năm văn vật”, có “Con đường di sản miền trung”… vậy tại sao không xây dựng một tuyến điểm mang tên “Miền Đông gian lao mà anh dũng” với sự liên kết của những “Địa đạo Củ Chi - Đất thép anh hùng”, với “Chiến khu D anh dũng”, với “Trị An máu lửa sục sôi”… Hay đơn giản hơn, xây dựng một “Biên Hòa City tour” để giới thiệu những di tích, danh thắng trong nội ô thành phố đến bạn bè khắp mọi miền khi có dịp ghé đến. Để khi ta mời đến thăm, bạn bè không còn băn khoăn “Biên Hòa có gì mà chơi ngoài ống khói?”.

Nói là nói vậy thôi, để từ ý tưởng mà đến kế hoạch thực thi còn cần biết bao trí lực và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nhưng có ai đó đã nói rằng: “Không phải muốn là được, nhưng nên bắt đầu bằng ước muốn”. Tất nhiên không phải ngày một ngày hai mà Đồng Nai có thể vươn vai trở thành một tỉnh văn minh, giàu đẹp, có một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, ước muốn mãnh liệt, khát khao cháy bỏng của mỗi người dân, của Đảng, nhà nước và chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Trên dưới đồng lòng, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường nhưng cũng không kém phần hào hoa của khí chất Đồng Nai trăm năm oanh liệt. Phải chăng chất lãng mạn, trữ tình có phần phong nhã phảng phất đâu đó trong nét văn hóa Đồng Nai là tinh hoa Tràng An từ thuở Thượng Đẳng Thần đi khai hoang còn lắng đọng. Nên đất mẹ Đồng Nai đã sản sinh ra những nhà thơ - nhà yêu nước như Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Mai Sông Bé,... đánh giặc thì kiên cường mà làm thơ dịu dàng, da diết lạ lùng:

“Ai về đất Bắc ta theo với

Thăm lại non sông giống Lạc hồng

Từ thủa mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

                                  (Huỳnh Văn Nghệ)./.

Thùy Linh Vũ

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.