• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

“Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Chiều cuối tuần, tạm gác lại bộn bề công việc, tìm đến góc quán quen, tự thưởng cho mình ly cà phê nâu ấm nóng, thả hồn theo con nước lững lờ trôi. Sông Đồng Nai thấp thoáng xa xa, đây đó một vài thuyền chài quăng lưới, giăng câu, một vài chiếc xà lan lững lờ trên mặt nước…

Từ chiếc radio cũ kĩ nào đó, giọng hò khoan nhặt cất lên, tản mát khắp mặt sông, lan tỏa lòng người. Câu hò nhắc ta về một vùng đất Đồng Nai đầy hào khí, nơi không chỉ nổi tiếng về sản vật, được mệnh danh là xứ “gạo trắng nước trong” mà chính đất mẹ nơi đây còn sản sinh ra biết bao người con anh hùng bất khuất, tên tuổi của họ mãi sáng chói cùng những trang lịch sử vẻ vang của nước nhà. Nơi đây một thời là điểm hẹn thách thức, khơi dậy sự tự hào khi chinh phục được đất trời sông nước mênh mông của người dân Việt Nam:

                                         “Làm trai cho đáng nên trai

                                Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”

Tự nghĩ, hòa bình rồi, thời đại chúng tôi - những công dân thế hệ 8x, 9x ngày nay, có mấy người thấu hiểu sự mất mát, hy sinh của biết bao lớp cha ông đi trước để đổi lấy cơm no, áo ấm. Có mấy ai thấm nhuần lịch sử dân tộc đủ để yêu quý, tự hào về đất Đồng Nai “địa linh nhân kiệt” vang bóng một thời. Dòng đời cứ bình thản trôi đi, bánh xe lịch sử chưa bao giờ ngừng lại, nhưng dấu ấn thời gian sẽ mãi không phai mờ. Quá khứ hào hùng ấy luôn cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay và mãi mãi về sau.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại chiến khu.jpg
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại chiến khu (hình: Internet)

Trong không khí tưng bừng chào mừng đại lễ Quốc Khánh của cả nước, tôi xin phác họa đôi nét cảm nhận của cá nhân mình về một trong những người thành lập và lãnh đạo lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở Biên Hòa - người được đồng đội và nhân dân miền Nam mệnh danh là “Thi tướng chiến khu xanh” - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ. Đây cũng là dịp để lớp hậu sinh như chúng tôi tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử vàng son, chói lọi những bản anh hùng ca bất khuất, kiên cường của quân và dân Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của thế kỷ 20.

Xin được mượn lời bài thơ “Thanh gươm ông Tám Nghệ” của Nguyễn Quốc Hoàn sáng tác tại Biên Hòa nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi tướng (02/02/1914 - 02/02/2014), như thắp nén tâm hương thành kính dâng lên Người:

                              “Trên lưng ngựa mắt ngời sáng quắc

                                Dáng hình ông khí phách hiên ngang

                                Huỳnh Văn Nghệ vung gươm đuổi giặc

                                Những vần thơ rung chuyển núi ngàn”.                                                          

Điều đầu tiên khi quyết định tìm hiểu về anh hùng Huỳnh Văn Nghệ, thay vì ngồi hàng giờ trên thư viện tỉnh hay dán mắt vào màn hình máy vi tính để lấy tài liệu như bao người khác, tôi lại xách xe máy chạy tà tà xuống phố. Từ ngã tư Tân Phong, xuôi theo đường Nguyễn Ái Quốc hướng về cầu Hóa An, đến chân cầu vượt gặp ngã tư thì rẽ phải, tôi và cộng sự đã có mặt trên con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ - tỉnh lộ 768 cũ, là tuyến đường nối thành phố Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu. Phố về chiều, hoàng hôn chênh chếch qua tán lá, rải xuống mặt đường những hoa nắng nghiêng nghiêng. Hai bên đường quán hàng nhộn nhịp, vỉa hè từng tốp học sinh, sinh viên tíu tít ra về sau ngày dài miệt mài chăm chỉ. Những gốc phượng già trầm tư nối đuôi nhau, như đang rù rì, thủ thỉ kể cho hậu thế nghe câu chuyện đời oanh liệt của vị “thi tướng rừng xanh” vang bóng một thời.

Tập thơ Huỳnh Văn Nghệ.jpg
Tập thơ Huỳnh Văn Nghệ

Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông mới thấy hết cái hào hoa, phong nhã, văn võ song toàn của một anh hùng thời loạn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, ông còn là một thi sĩ có những vần thơ in đậm trong tâm trí người đọc. Quả thật, ở Huỳnh Văn Nghệ nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hòa quyện làm một, không thể tách rời. Nhắc đến ông là nhắc đến hình ảnh một Huỳnh Văn Nghệ tay gươm, tay bút xông xáo trên mọi chiến trường. Ông tâm sự:

 

                            “Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

                              Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.

                              Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực

                              Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

                              Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

                              Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

                              Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,

                              Lòng ta say chiến trận đến thành thơ

                                                  (Trích “Bên bờ sông xanh”- 1948)

Thơ và con người Huỳnh Văn Nghệ mang đậm tố chất của đất rừng phương nam phóng khoáng hào hùng. Ông mang trong mình đặc trưng của con người nam bộ gân guốc ngang tàng nhưng chứa chan tình nghĩa. Cuộc đời chinh chiến và làm thơ của ông được phủ trùm ánh hào quang như huyền thoại. Ông đi tới đâu đều được nhân dân và chiến sĩ ta hân hoan chào đón. Ông đi tới đâu thì kẻ thù kinh sợ, nể phục coi chừng. Người chiến sĩ cách mạng của ông thấp thoáng hình ảnh anh hùng Lương sơn bạc. Thơ của ông giản dị mà hào sảng nhưng vẫn thấm đẫm chất trữ tình. Đâu phải ngẫu nhiên mà nhân dân vùng kháng chiến gọi ông là “thi tướng”!

                                         “Em vẫn rõ anh là thân chiến mã

                                          Nợ kiếm cung oằn oại gánh yên cương

                                         Tiếng non sông giục bước ra sa trường...”

                                                                             Trích “Trả lời thơ Lan” - 1944)

 

Thơ của ông, thấm đẫm tình cảm của một nhà thơ - chiến sĩ với quê hương, đất nước, thơ ông luôn day dứt với nợ nước, thù nhà, tràn đầy tình cảm với đồng bào, đồng chí. Ở ông, ta thấy được nét tiêu biểu của thế hệ “anh bộ đội cụ Hồ”, chiến đấu thì kiên cường, hùng dũng mà làm thơ thì lãng mạn, hào hoa. Như Bác Hồ từng dạy:

                             “Nay ở trong thơ nên có thép

                              Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

                                         (Trích “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” - Hồ Chí Minh)

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Huỳnh Văn Nghệ đã phát huy tinh thần sống, chiến đấu quả cảm, kiên cường, đồng thời ông dùng chính ngòi bút của mình làm thứ vũ khí gang thép phục vụ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân, chĩa mũi nhọn về phía quân thù. Xem gươm và bút là 2 thứ vũ khí chiến lược trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược:

                                “Có chiến đấu thơ mới thêm vần điệu

                                  Càng hát ca gươm càng sắc bén thêm

                                  Nợ kiếm cung nghiên bút biết sao đền

                                  Nếu không biết vừa làm thơ, giết giặc”

                                                                              (Trích “Bên bờ sông xanh”- 1948)

Gia tài thi ca nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ để lại cho chúng ta hôm nay không nhiều, nhưng chỉ riêng bài thơ “Nhớ bắc” (1946) cũng đủ để tên tuổi của ông sống mãi trong lòng con dân đất Việt - trong đó có quân dân của mảnh đất thành đồng, của “Miền đông gian lao mà anh dũng”. Bốn câu tuyệt bút mở đầu bài thơ đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng, ngợi ca như một “tuyên ngôn”, một bài “thơ thần” của thời đại:

                                    “Ai về xứ Bắc ta đi với

                                     Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

                                     Từ độ mang gươm đi mở cõi

                                     Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"

Những vần thơ hào sảng mà tha thiết tình non nước cứ mãi âm vang trong tâm tưởng người đọc, tạo ra những cảm xúc vừa hùng tráng, vừa tha thiết. Nó như tan chảy vào dòng máu đang sục sôi trong tim những người Việt Nam đầy lòng tự tôn dân tộc. Cả bài thơ như một bản hùng ca da diết, làm lòng người đọc rộn rã một cảm xúc khó diễn đạt thành lời. Nỗi lòng “Nhớ bắc” của thi tướng cũng chính là nỗi nhớ nguyên sơ tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người dân Nam bộ từ thủa “mang gươm đi mở cõi”. Tâm thức luôn nhắc nhở nỗi nhớ về vùng đất tổ, nhớ về cội nguồn “con Hồng cháu Lạc”, nhớ về chiếc nôi sinh ra dân tộc Việt Nam ta.                       

Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ hòa lẫn với cuộc đời ông - cuộc đời một kẻ sỹ mang nặng mối hận “quốc phá gia vong”. Dù chứa chan tâm hồn thi sỹ nhưng vốn là người mạnh mẽ, kiên cường, vị chiến tướng anh hùng ấy không thể chỉ dùng ngòi bút để “đâm mấy thằng gian”, chí của ông là phải mang cả cung kiếm lẫn bút nghiên xông pha nơi chiến trận “đền nợ nước, trả thù nhà”. Dưới sự chỉ huy tài ba thao lược của ông, căn cứ Đất Cuốc - Tân Uyên đã biến thành “Chiến khu Đ đi dễ khó về, quân đi mất mạng, quan về mất lon”. Chiến khu Đ anh dũng ấy, sau này được mở rộng và phổ biến dưới một từ “R” đầy bí ẩn, tạo nên nỗi khiếp nhược với quân thù nhưng lại quá đỗi thân thương, chứa chan hy vọng với những người yêu nước.

 

                                      “Chiến khu Đ mồ chôn giặc Pháp

                             Giữa sa trường ngựa thẳng dây cương

                             Mãi trường tồn hồn thơ hào sảng

                            Theo cháu con trên khắp nẻo đường…”

              (Trích “Thanh gươm ông Tám Nghệ”, Nguyễn Quốc Hoàn, 2014)

Càng đọc nhiều, càng tìm hiểu sâu về cuộc đời và sự nghiệp Thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ, cũng như những người cùng thời với ông, những Nguyễn Văn Quỳ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… mới thấy hết “Hào khí Đồng Nai”, biết thế nào là “địa linh nhân kiệt” - chốn “ngọa hổ tàng long”, nơi sản sinh ra những anh hùng giải phóng dân tộc, những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn… mà tên họ mãi gắn với non sông này. Nhắc đến “Hào khí Đồng Nai” là nhắc đến khí phách anh hùng, kiên cường của của con người Việt Nam trên mảnh đất phương Nam của tổ quốc, trải qua biết bao thăm trầm của lịch sử, từ những buổi đầu khai phá cho đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Không ai khác mà chính họ là những tấm gương sáng suốt, kiên cường, là những anh hùng, trí thức đã góp phần tạo nên những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Quả thật, mỗi thời đại lịch sử trôi qua, đất Mẹ Việt Nam lại sinh ra thêm nhiều những lớp anh hùng hào kiệt, chính tên tuổi của họ đã góp phần bồi tụ, tạo nên nền văn hiến ngàn năm, tạo nên những lớp trầm tích văn hóa Việt bất diệt muôn đời. Tự hào thay, đất và người Đồng Nai cũng là một phần không thể tách rời trong tầng tầng lớp lớp nhân sinh anh hùng, hào kiệt đó. Từ thủa Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh “mang gươm đi mở cõi”, cho đến ngày non sông quy về một mối như hôm nay, biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của tiền nhân đã đổ. Đồng Nai được biết đến với câu ca “Mã Đà, Sông Bé anh hùng tụ”, là nơi những đại diện ưu tú khắp mọi miền tổ quốc, tề tựu về đây lập chiến khu, bền gan chiến đấu, mưu trí dũng cảm, đoàn kết đấu tranh để cùng nhau đi đến thắng lợi cuối cùng. Lịch sử đã chọn và giao phó cho Đồng Nai vị trí như một điểm hẹn, nơi anh hùng tụ nghĩa để làm cách mạng. Để rồi, chính nơi đây, trên vùng đất Đồng Nai anh dũng, kiên cường, sản sinh ngày càng nhiều những anh hùng có tên và không tên của dân tộc. Họ đã trưởng thành, trở thành anh hùng với những chiến tích lẫy lừng hoặc đã nằm xuống, ngủ yên trong lòng đất mẹ, nhưng tên tuổi và sự tích anh hùng của họ vĩnh viễn sống mãi trong ký ức lịch sử của nhân dân địa phương và đồng bào cả nước. Nếu ba trăm năm trước, những người Việt hội tụ về phương nam đã tạo ra hào khí Đồng Nai một thời vang bóng, thì sự tụ nghĩa trên vùng đất Đồng Nai của thế hệ Huỳnh Văn Nghệ chẳng những đã tiếp tục phát huy hào khí đó mà còn nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên vùng đất Đồng Nai thành đồng. 

Tự hào về lịch sử thôi chưa đủ, chúng ta - lớp hậu sinh hôm nay được hưởng trọn vẹn thành quả cách mạng của cha ông, được cơm no, áo ấm, được học hành trong chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ, công bằng và văn minh - cần phải kế thừa và phát huy cao độ những truyền thống quý báu, những tinh hoa cao quý của dân tộc. Muốn làm được điều đó, mỗi người phải tự ý thức việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trí tuệ, góp phần xây dựng con người Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc văn hóa dân tộc, “đủ tâm đủ tầm” xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, “sánh vai các cường quốc” năm châu bốn bể như Bác Hồ sinh thời mong muốn./.

                                                                                                                                                    Thùy Linh Vũ

Tin khác

    Chưa nhập tin cho chuyên mục này.