• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Ngày Quốc tế hạnh phúc nghĩ về Hạnh phúc Gia đình

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được lấy ý tưởng của Bhutan Vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.
 

NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 1.jpg

Ý nghĩa của ngày quốc tế hạnh phúc

Tháng 6/2012, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Cũng như các quốc gia khác, để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hiệp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”.

Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Chủ đề Ngày Hạnh phúc năm 2014 của Việt Nam: “Yêu thương và chia sẻ” được tiếp nối từ chủ đề “Kết nối yêu thương” của Năm Gia đình Việt Nam 2013.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất.

NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 4.jpg

Hạnh phúc từ những điều giản dị

Đời sống kinh tế của người Việt Nam càng ngày càng được cải thiện, hầu hết người dân đều đã được ăn no, mặc ấm, rất nhiều người đã vươn tới việc ăn ngon, mặc đẹp. Đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao hơn, nhất là với người dân ở các thành phố lớn. Thế nhưng, theo nhiều nhà nghiên cứu, quá trình đô thị hóa cũng lấy đi của gia đình người Việt Nam khá nhiều điều quan trọng để duy trì hạnh phúc. Có thể thấy rõ nhất đó là thời gian bên nhau, dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình ít đi rất nhiều. Bữa cơm gia đình với đầy đủ thành viên quây quần sum họp như trước có lẽ là mơ ước của nhiều gia đình ngày nay. Nhiều năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động thực hiện “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” cho thấy tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, từ đó mọi người có ý thức giữ gìn, để những bữa cơm gia đình luôn được duy trì, đầy ắp tiếng nói cười và chan chứa yêu thương

Từ xưa tới nay, những bữa cơm gia đình luôn mang trong mình những giá trị tinh thần lớn lao. Một bữa cơm không chỉ đơn thuần mà dịp để người lớn và trẻ con gần gũi nhau, trao đổi tình cảm với nhau, thực hành văn hóa gia đình. Ở đó, mỗi người còn có thể cảm nhận được sâu sắc những khoảnh khắc sum họp, tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau, ở đó, mối dây gắn kết các thành viên càng thêm thắt chặt. Bữa cơm gia đình khơi nguồn biết bao tinh thần hay, ý nghĩa đẹp cùng những giá trị mang tính nhân văn sâu sắc. Trong bữa cơm mọi người chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm đến nhau, mối dây tình cảm được kết chặt, biết bao bài học quý báu từ ông bà, cha mẹ đã được gửi trao cho thế hệ kế tiếp. Những bữa cơm ấy chỉ cho mỗi người biết cách quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; dạy cho mỗi thành viên đạo làm người, cách đối nhân xử thế; giáo dục con cháu biết kính trên nhường dưới, biết hiếu thuận với ông bà cha mẹ… Đó cũng là lúc mà mỗi người có thể cởi mở, chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề trong cuộc sống, ông bà nhắc nhở con cháu về những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình, dòng họ, góp phần hình thành giá trị nhân cách cho con trẻ. Tình cảm gia đình ấm áp, hạnh phúc cứ thế lớn lên trong tâm hồn trẻ thơ. Truyền thống, nề nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đầm ấm này.

NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 6.jpg

Cuộc sống hiện đại với sự phát triển về công nghệ mang đến nhiều tiện ích, giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng vô tình làm cho một số giá trị văn hoá tốt đẹp bị mai một. Bữa cơm là gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm gia đình để giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là hết sức quan trọng, cần thiết, nhưng thực sự không phải lúc nào cũng được bởi những lo toan bộn bề cứ kéo mỗi người về mỗi hướng. Bên cạnh đó, không ít người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay đơn giản cho rằng bữa cơm gia đình không quá quan trọng đến thế, ăn ở đâu cũng được, ăn ngoài quán thì càng tiện … 
nhiều bữa cơm gia đình chỉ là tạm bợ và thoáng qua. Tuy nhiên, “bếp lửa” nguội lạnh thì lòng người cũng sẽ lạnh theo. Ngược lại, nếu có càng nhiều bữa cơm gia đình ấm áp, tình yêu thương sẽ sưởi ấm căn nhà, từ đó nó sẽ lấn át, giảm bớt những xung đột, mâu thuẫn gia đình. Khi con trẻ không tìm thấy yêu thương, ấm áp ngay từ chính cha mẹ, gia đình mình trẻ sẽ tìm niềm an ủi đó từ chính người khác, bất kể tốt, xấu. Có một nghiên cứu cho thấy, rất nhiều trẻ em phạm tội xuất phát từ việc không được sống trong gia đình và không nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Hạnh phúc giản dị từ những bữa cơm ấm ấp tình yêu thương, góp phần quan trọng giữ lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình. 

NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 5.jpg

 

Cân bằng để hạnh phúc, “Yêu thương và chia sẻ”

Ngày nay, cuộc sống vật chất đã đầy đủ hơn nhưng liệu chúng ta có hạnh phúc bằng nhiều năm về trước?. Tất cả chúng ta đều đang sống trong cái guồng xoay mà đôi lần ở đó ta đánh mất chính mình. Có phải vì quá bận rộn với công việc mà ta quên không ăn nổi một bữa cơm với gia đình, có bao giờ bạn chợt nhận ra rằng mình chưa yêu quý bản thân như mình vẫn nghĩ,… Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình bận bịu với công cuộc mưu sinh, học tập khi trở về nhà đã mệt nhoài và muốn dành thời gian cho chính bản thân mình. Cảnh tượng thường thấy ở mỗi gia đình hiện nay vào buổi tối là mỗi người một góc, tay cầm một thiết bị điện tử thông minh, kết nối internet. Người lớn tham gia “thế giới ảo”; trẻ con chơi điện tử, xem hoạt hình, cả gia đình hầu như không trò chuyện cùng nhau dù cùng ngồi trong một căn phòng... Mặt khác, cuộc sống càng hiện đại, đầy đủ, công nghệ tiên tiến, thông minh hơn thì dường như con người lại mất đi sự rung cảm trước cái đẹp, mất dần những mối giao cảm vốn có với con người, thiên nhiên và xã hội, mối giao kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo...

NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 3.jpg
NGAY HOI GIA DINH NHAN QUOC TE HANH PHUC 2.jpg

Gia đình là “tế bào” của xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc mỗi gia đình có được, phải bằng cả sức lực, trí tuệ, thời gian... của các thành viên trong gia đình góp phần vun đắp. Người ta nói, có cả trăm nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là gia đình. Hơn ai hết, bản thân chúng ta đều biết rằng, tình yêu thương của gia đình, thực ra được tạo nên từ vô vàn những điều nhỏ bé giản dị, những chăm sóc thiết thực thường ngày: cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, các hoạt động ăn uống, nghỉ ngơi, tâm sự, chuyện trò, vui chơi, gánh vác hỗ trợ...Đôi khi chỉ đơn giản là một lời thăm hỏi, một cốc nước mát, một thức quà ngon... Hạnh phúc gia đình được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng được trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; lòng yêu thương, chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ và vì con cái; sự quý trọng và hiếu đạo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. “Yêu thương và chia sẻ” giữa các thành viên trong gia đình giúp mỗi người cảm nhận cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Từng gia đình được như thế sẽ là động lực rất quan trọng tác động đến những thành viên trong gia đình vươn lên làm người hữu ích cho gia đình và cho xã hội.

Bên cạnh đó, hạnh phúc là khi ta cân bằng được cuộc sống, giữa thời gian cho công việc, gia đình và cho sự phát triển của bản thân, cân bằng các mối quan hệ với thiên nhiên, với con người, cân bằng giữa vật chất bên ngoài với thế giới nội tâm bên trong, cân bằng lại sự rung cảm trước cái đẹp...Cuộc sống cân bằng là yếu tố quan trọng cho cả sức khỏe lẫn hạnh phúc. Học cách sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn. Liên hợp quốc khi chọn 20/3 là Ngày quốc tế hạnh phúc cũng mong muốn truyền tải đến người dân toàn thế giới một thông điệp: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa mang đến hạnh phúc.

Như Quỳnh