• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

VĂN HÓA

Đội chiếu phim lưu động số 8 - 8 năm một chặng đường

Kể từ khi được thành lập vào tháng 9/2009, theo dòng chảy thời gian, Đội chiếu phim số 8 chuyên phục vụ cho công nhân đã gánh trên vai trọng trách của người truyền tải thông tin cần mẫn lên đường với những chuyến đi mang văn hóa, nghệ thuật đến cho công nhân cả những ngày mưa to hay nắng gắt...
 

​       Hiện nay, tại Đồng Nai có gần 1 triệu công nhân làm việc trong hơn 30 Khu công nghiệp, trong đó có 58% là lao động nữ, 62% lao động nhập cư. Trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai cũng như nhiều địa phương có khu công nghiệp phát triển đã rất chú trọng việc xây dựng, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống vậy chất và văn hóa tinh thần công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp. Những hoạt động như giao lưu văn hóa - văn nghệ, khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý, một số mô hình văn hóa được xây dựng như: Tổ chức ăn tết xa quê cho công nhân, đám cưới công nhân ở phường Bình Đa (TP. Biên Hòa), tư vấn pháp lý cho công nhân, tuần lễ văn hóa công nhân... tương đối hiệu quả nhưng mới dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, chưa được nhân rộng, những hoạt động vui chơi, giải trí, nâng cao tinh thần, chăm lo đời sống vật chất cho công nhân dù đã được triển khai nhưng thực tế vẫn còn nghèo nàn về nội dung, chưa thật sự thu hút. Các hoạt động chỉ dừng lại phát triển bề rộng, nhưng chưa đạt được chiều sâu và chưa được thể chế hóa bằng pháp lý. Nguồn lực hoạt động văn hóa, thể thao không nằm trong quỹ phúc lợi doanh nghiệp hoặc từ đầu tư ban đầu của Nhà nước mà lại theo kiểu "Mạnh Thường Quân” - tuy vẫn cần khuyến khích, song phong trào khó lâu bền và công nhân lao động lại càng ít có cơ hội thụ hưởng. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu văn hóa công nhân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội do thiếu sân chơi và nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh đang là trăn trở lớn đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch

S  MG_2748.jpg

         Sau nhiều năm cố gắng và quyết tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Nai, Đội chiếu phim số 8 chuyên phục vụ cho công nhân được ra đời (tháng 9 năm 2009) trên cơ sở san sẻ máy móc, trang thiết bị và nhân sự của 7 đội chiếu phim lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng.

          Buổi đầu đi vào hoạt động Đội Chiếu phim số 8 gặp rất nhiều khó khăn: để tìm địa điểm phục vụ, phải tiến hành khảo sát thực tế các Khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, liên hệ với Công đoàn các huyện, thị, thành phố, các địa phương có nhà trọ công nhân và đặc biệt là Công đoàn các công ty, xí nghiệp. Ban đầu là gửi văn bản, những không mấy nơi hồi âm. Phải tận dụng các mối quan hệ, tiếp cận các nhà máy trực tiếp thuyết phục; sau khi được các công ty, xí nghiệp đồng ý rồi còn phải tìm điểm chiếu, nắm bắt được giờ giấc tan ca, nghỉ ngơi của công nhân từng khu công nghiệp để xây dựng những điểm chiếu phim và lịch phục vụ phù hợp…Để có thể tổ chức được một buổi chiếu phim tập trung cho công nhân trong khuôn viên của từng công ty, xí nghiệp Đội số 8 phải sắp xếp giờ chiếu phim sao cho phù hợp với giờ tan ca của công nhân đến việc vận động các doanh nghiệp cho công nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, giải trí…     Tên phim và các tiết mục văn hóa văn nghệ đã được Đội số 8 và công đoàn công ty thông báo, quảng cáo trước một tuần tại các phòng làm việc và nhà ăn của công nhân. Bên cạnh chiếu phim, đội đưa thêm nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, như: giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi, hát karaoke, đố vui có thưởng... kết hợp vào trong từng buổi chiếu phim. Thông thường cứ đúng 17h đội chiếu phim bắt đầu tổ chức cho công nhân giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi, đến 18h30 anh chị em công nhân được xem phim tuyên truyền về Luật lao động, ATGT, luật phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS, về việc tổ chức tuyên truyền cổ động vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như giải phóng quê hương, sinh nhật Bác Hồ, tuyên truyền về biển, đảo…cũng luôn được chú trọng. Sau đó là chuyên mục chiếu phim chính, đến 21h kết thúc chương trình để anh chị em công nhân ra về sớm có thời gian nghỉ ngơi để làm tốt công việc hôm sau.

S IMG_2805.jpg

          Chương trình được Đội nghiên cứu thay đổi thường xuyên, nội dung phong phú, phù hợp, thu hút được sự quan tâm và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của công nhân. Nhờ vậy, công nhân đến với các buổi chiếu phim không chỉ được thỏa mãn nhu cầu thưởng thức bộ phim mình yêu thích, mà qua đó còn là nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Chính điều này đã thu hút ngày càng đông khán giả là công nhân và người dân lân cận đến với các buổi chiếu phim. “Ở đâu có công nhân thì ở đó có dấu chân của đội chiếu phim số 8” đó là câu nói nằm lòng của các anh, em trong đội chiếu bóng phục vụ công nhân. Qua thời gian hoạt động, hơn 30 khu công nghiệp đã thiết lập được gần 20 điểm chiếu. Địa bàn rộng, nhân lực thiếu nhưng đến với công nhân thấy được sự thiếu thốn về đời sống văn hóa tinh thần của họ, các anh lại có thêm động lực để cố gắng, cảm thấy công việc của mình thật sự có ý nghĩa, giúp các anh tiếp tục gắn bó với công việc, với những chuyến đi. Mỗi năm với gần 150 suất chiếu, cũng là bấy nhiêu chuyến đi, bấy nhiêu kỷ niệm.

          Ở Đồng Nai, các khu công nghiệp đa phần nằm trong khu vực thành thị hoặc cận thành thị, công nghệ thông tin phát triển nhanh, mặt bằng dân trí cao, đời sống văn hóa được nâng lên hàng ngày. Vì vậy, đòi hỏi hoạt động phục vụ của đội chiếu phim phục vụ công nhân là phải ngang tầm với mặt bằng chung về văn hóa của thành thị. Những người làm công tác chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân như các thành viên ở Đội số 8 cũng phải như những chiến sĩ tinh nhuệ có sức khỏe, năng động, có trình độ và sự hiểu biết về công nhân. Để đủ điều kiện đảm nhiệm công việc, các anh liên tục tham gia các lớp nâng cao nghiệp vụ, nâng cao trình độ để song hành cùng công việc mới, đồng thời dành thời gian tiếp xúc trao đổi với công nhân, để hiểu về họ hơn và có thể độc lập tổ chức được các buối chiếu “3 trong 1”, chiếu phim và tổ chức cho anh chị em công nhân gặp gỡ giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát karaoke, đồng thời tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với công nhân.

          Tuy chỉ có một Đội chiếu phim số 8 với 4 thành viên chuyên phục vụ cho công nhân nhưng hiệu quả Đội mang lại rất đáng ghi nhận. Bình quân mỗi tháng, đội phục vụ 12-14 điểm chiếu tại địa bàn các nhà máy xí nghiệp, khu nhà trọ công nhân. 8 năm qua đội đã phục vụ 1.384 buổi cho 512.180 công nhân. Sự ra đời của Đội chiếu phim số 8 chuyên phục vụ công nhân, thực sự đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân và cũng là đội chiếu phim phục vụ công nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay trong cả nước. Mô hình hoạt động hiệu quả trở thành mô hình điểm cho các tỉnh bạn đến giao lưu, học tập. 

          Công nhân không chỉ là những người năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, hưởng thụ văn hóa. Họ cần có sân chơi phù hợp, lành mạnh sau những giờ làm vất vả. Chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân là thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần, qua đó giúp công nhân lao động nâng cao tay nghề, tái tạo sức lao động để tiếp tục công việc đạt hiệu quả cao. Trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập ra Đội chiếu phim số 8 chuyên phục vụ cho công nhân hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp tích cực trong việc phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

         Như Quỳnh