• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

GIA ĐÌNH

Vai trò của nam giới trong nhận thức và thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình

Bình đẳng giới là sự thừa nhận và coi trọng như nhau về các đặc điểm giống và khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói). Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới là yếu tố quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thực hiện bình đẳng giới thuộc về tất cả các đối tượng trong xã hội, trong đó nam giới đóng vai trò quan trọng.

Theo quan niệm truyền thống, nam giới là mạnh mẽ, quyết đoán, thường được đề cao và giữ những trọng trách trong xã hội, ở nhà người đàn ông cũng là người có quyền hành và có quyền quyết định trong mọi vấn đề, trở thành trụ cột về kinh tế, là tấm gương đạo đức, là chỗ dựa về tinh thần của phụ nữ và trẻ em, là người chủ gia đình, đại diện cho gia đình trong các quan hệ xã hội và cộng đồng. Còn nữ giới gắn liền với vai trò của người mẹ, người vợ, người nội trợ, là người phụ thuộc không quan tâm đến việc họ có thu nhập cao hay thấp. Những đặc tính trên của nữ giới hay nam giới thực chất là do xã hội gán cho hoặc mong đợi các cá nhân nam và nữ thực hiện. Quan niệm trên chính là những định kiến giới đã tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những định kiến giới đó đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới tồn tại phổ biến trong xã hội.

500 s.jpg
        Vai trò quan trọng của nam giới làm cho họ có tác động ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Nhận thức của nam giới về giới và bình đẳng giới không đúng đắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh. Điều này sẽ làm chậm mục tiêu bình đẳng giới. Ngược lại, khi nam giới nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ giúp truyền dạy cho các thành viên còn lại những nhận thức đúng đắn đó. Đồng thời, sẽ quyết định hành vi của họ trong việc chăm sóc, giáo dục, đầu tư cho thế hệ tương lai, vun vén hạnh phúc cho gia đình. Khi trong gia đình cha mẹ tôn trọng nhau, người cha chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề… sẽ là tấm gương sáng cho con học tập. Ngược lại, các hành vi của người cha thể hiện sự phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình trên cơ sở giới, hình phạt cho các hành vi không đúng đắn...sẽ tác động tiêu cực đến hành vi và nhận thức về bình đẳng giới đối với con cái.

​ Các nghiên cứu đã cho thấy, ở nước ta, nhiều người vẫn cho rằng, chồng có quyền dạy vợ, phạt vợ khi mắc lỗi. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ làm cho ngay cả phụ nữ - những nạn nhân thường thấy của bạo lực gia đình cũng cho rằng, trong một số trường hợp thì bạo lực là chấp nhận được. Sự tham gia của nam giới vào công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình là chìa khóa cho sự thành công trong việc thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình nhưng để thay đổi cấu trúc xã hội lâu nay và thuyết phục nam giới về tầm quan trọng của cơ hội bình đẳng cho nữ giới sẽ không dễ và không thể thực hiện một sớm một chiều.

Theo thời gian, mặc dù tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã dần dần mất đi, nhưng có một nghịch lý vẫn đang tồn tại quan điểm cho rằng việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là công việc của phụ nữ và vẫn có quan niệm cho rằng các hoạt động này không mang lại giá trị kinh tế. Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình...các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình”; tuy nhiên, trên thực tế thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ; Các kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới.

Để nam giới thực hiện vai trò bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình là một tiến trình rất lâu dài để thay đổi các mối quan hệ về giới và làm cho các mối quan hệ này được bình đẳng hơn, dân chủ hơn, giảm bớt áp bức và tính gia trưởng. Điều này bao gồm cả việc phải làm thay đổi nhận thức của nam giới.

Vai trò của nam giới trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình

Hiện nay, đang có sự nhìn nhận ngày càng rõ hơn rằng vai trò của nam giới trong bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là một phần của vấn đề mà còn là một phần của giải pháp nữa. Bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng đàn ông. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo. Xác định nam giới thường là người gây ra bạo lực và họ cũng là một phần trong giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, ngành VHTTDL đã áp dụng triển khai mô hình mới trong các giải pháp nhằm tuyên truyền, phát hiện và xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Mô hình “CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình” được triển khai điểm năm 2015 và nhân rộng năm 2016, 2017 chính là để thu hút sự tham gia trong công tác PCBLGĐ của nam giới một cách tích cực, chủ động.

500 IMG_6988 (1).jpg

 Nam giới không chỉ biết bảo vệ hạnh phúc gia đình mà họ còn có khả năng bảo vệ những người phụ nữ nói chung thông qua việc thuyết phục, vận động những nam giới khác nói không với bạo lực gia đình. Việc huy động, khuyến khích nam giới tham gia các hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình sẽ giúp họ hiểu ra rằng bạo lực là một sự xâm phạm quyền con người, từ đó thấy rõ vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ gia đình và cộng đồng để giải quyết vấn nạn này. Hơn nữa, việc lồng ghép và tăng cường sự tham gia của nam giới vào các hoạt động can thiệp sẽ tạo điều kiện cho hai giới chia sẻ vai trò, trách nhiệm và kinh nghiệm, từ đó phụ nữ được phát huy khả năng, vai trò của mình cũng như được tăng thêm cơ hội tiếp cận và sử dụng các nguồn lực xã hội. Sự tham gia của nam giới sẽ giúp chính họ nhận ra những khó khăn và thách thức mà bản thân khi phải tuân theo những quy ước xã hội dành cho hai giới, từ đó sẽ giúp họ tìm ra giải pháp thích hợp cho những khó khăn của mình thay vì sử dụng bạo lực.

Toàn tỉnh đã thành lập được 40 câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình” phối hợp với 612 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; có 988 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.065 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tiếp tục ngăn ngừa, hòa giải các vụ bạo lực gia đình tại địa phương, kịp thời tư vấn hỗ trợ tư vấn, can thiệp kịp thời kéo giảm các vụ việc bạo lực gia đình tại các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Câu lạc bộ được thành lập với số lượng thành viên từ 20 - 30 người/câu lạc bộ, bao gồm: cán bộ, người dân, đoàn viên thanh niên… những người có uy tín và tiếng nói trong cộng đồng. Định kỳ sinh hoạt 1-2 tháng/lần. Chủ đề từng buổi sinh hoạt gắn liền với thực tế cuộc sống: thảo luận nhóm, sáng tác thơ, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình…mỗi thành viên tham gia lại là những tuyên truyền viên hiệu quả thu hút thành viên mới. Qua các buổi sinh hoạt, nhận thức của những người làm chồng, làm cha về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và bạo lực gia đình đã có nhiều thay đổi. Trước tiên đó là những thay đổi trong tâm lý khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ một cách tự nhiên, thoải mái không còn sự e ngại. Ngoài ra, việc trang bị kỹ năng quan hệ, thái độ công bằng giới tính, xây dựng các chuẩn mực mới và cuối cùng là giúp ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em sẽ giúp nam giới trong cương vị người lãnh đạo cộng đồng và người đưa ra quyết định, có thể đóng vai trò then chốt giúp chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Nam giới có thể lên tiếng và can thiệp, khi bạn bè và người thân của mình là nam giới gây ra bạo lực đối với phụ nữ. Từ những kiến thức bổ ích trong các chủ đề sinh hoạt, họ đã tự thay đổi hành vi của mình đối với vợ, con, cùng hành động phòng, chống bạo lực gia đình.

Những hoạt động của CLB “Nam giới nói không với bạo lực gia đình” còn hướng đến mục đích khiến cho nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây bạo lực gia đình nữa mà là những người đang nỗ lực, đồng lòng chung tay vun đắp cho tổ ấm gia đình hạnh phúc. Tăng cường sự tham gia của nam giới vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực là một trong những thách thức lớn so với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền hay tăng quyền cho phụ nữ, nhưng việc huy động sự tham gia của nam giới có thể coi là một phương pháp mới đem lại hiệu quả cao.

 Như Quỳnh