• image01
  • image01
  • image01
  • image01
  • image01

Thứ 6 - 26/02/2016
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI TỔNG THỂ VÀ TOÀN DIỆN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT DỰA TRÊN CÁC CÔNG NGHỆ SỐ *

DU LỊCH

Phát triển du lịch Đồng Nai thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của Đồng Nai; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 118-KH/TU về việc tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.
 

​        Kế hoạch 118-KH/TU của Tỉnh ủy đặt ra những yêu cầu cần chú trọng là: Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất, con người Biên Hòa - Đồng Nai hơn 310 năm hình thành và phát triển; Bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu, khám phá các danh lam thắng cảnh, văn hóa Đồng Nai; Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và lâu dài; Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, có sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

blong.jpg
Khu du lịch Bửu Long- Biên Hòa

Những nhiệm vụ để thực hiện trong thời gian tới là: Xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái, trong đó tập trung các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú và một số địa phương khác có thế mạnh về du lịch sinh thái như Định Quán, Biên Hòa, Nhơn Trạch... để tạo điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai; Phát triển nhiều loại hình du lịch mà tỉnh có điều kiện và thế mạnh gồm: Du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch cộng đồng, du lịch sông, vui chơi, giải trí, du lịch gắn với nghề truyền thống...; Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh – xã hội của tỉnh; Xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút khách tham quan và lưu trú khoảng 5.000.000 lượt khách và doanh thu du lịch đạt 1700 tỷ đồng; Tăng cường công tác quảng bá nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, liên doanh, liên kết vào các dự án phát triển du lịch theo quy hoạch như: Dự án phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, điểm du lịch sinh thái hồ Trị An, khu du lịch sinh thái hồ Đa Tôn và điểm du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước nóng; Nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng tại các khu, điểm du lịch: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Sơn Tiên, khu du lịch Bửu Long, điểm du lịch di tích danh thắng quốc gia núi Chứa Chan… Đến năm 2020 hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng cơ bản dự án du lịch sinh thái gắn với vui chơi, giải trí hồ Trị An, hồ Đa Tôn, hồ Núi Le, dự án du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng Thác Mai - Bàu nước nóng và đi vào hoạt động trước năm 2025.

khu du lịch Tre Viet.jpg
Du khách đến điểm du lịch Tre Việt- Nhơn Trạch 

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần thực hiện những giải pháp:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao và tạo chuyển biến trong nhận thức cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân. Nhất là các đơn vị được giao quản lý khu vực có tiềm năng phát triển du lịch về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật và vị trí, vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, giữ gìn và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch. Tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân trực tiếp tham gia các hoạt động liên quan đến hoạt động du lịch, về văn hóa giao tiếp, thái độ ân cần, niềm nở tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, giữ gìn môi trường du lịch.

- Thực hiện quy hoạch và hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Triển khai xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Hồ Đa Tôn, quy hoạch phát triển du lịch rừng Sác, quy hoạch tổng thể bảo tồn, bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích danh thắng quốc gia núi Chứa Chan... theo quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện công tác quản lý và thực hiện quy hoạch theo hướng hiệu quả, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch hợp lý nhằm tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ.

- Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch tại hồ Trị An, hồ Đa Tôn, hồ Núi Le, Thác Mai - Bàu nước nóng, để tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời, tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như: Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch và các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành, thị xã Long Khánh, huyện Tân Phú và huyện Vĩnh Cửu). Tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách của tỉnh hàng năm, để bố trí vốn trùng tu, tôn tạo các di tích, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (bên ngoài dự án), nhất là giao thông đến các khu, điểm du lịch. Nguồn vốn các nhà đầu tư sẽ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong phạm vi dự án. Xây dựng kế hoạch phát huy các giá trị của di tích lịch sử, công trình kiến trúc gắn với phát triển du lịch. Phối hợp với các Bộ, ngành đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, sân bay quốc tế Long Thành…

QGCT-1.jpg
​​Vườn Quốc gia Cát Tiên - Tân Phú

  - Đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cần tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (Internet, các trang mạng xã hội, báo, đài, hội chợ triển lãm về du lịch, các ấn phẩm du lịch…). Gắn các hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư, ngoại giao. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, các hoạt động lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống trên địa bàn để thu hút du khách. Đặc biệt là công tác phối hợp và phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao về nhận thức về vai trò, vị trí của ngành du lịch. Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa trong hoạt động xúc tiến du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh để giới thiệu và thu hút du khách.

          - Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn du khách. Bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Phấn đấu xây dựng đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên nghiệp trong ngành du lịch. Đặc biệt, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kiến thức về văn hóa, lịch sử của địa phương, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ du khách và cộng đồng dân cư, tại các địa bàn phát triển về du lịch. Đồng thời, liên kết, phối hợp với các trường đào tạo về du lịch trong và ngoài tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động tại các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, cán bộ công chức, viên chức có liên quan đến ngành du lịch, bằng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng hoặc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài nước theo chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Chú trọng công tác đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn du khách trong việc nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương trong nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và mến khách. Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch, ngăn chặn hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá dịch vụ, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

          - Thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào du lịch, nhất là vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch. Có chính sách hỗ trợ đầu tư các lĩnh vực như: Xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông đến nơi thực hiện dự án, bến bãi phục vụ phát triển du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Xúc tiến quảng bá xây dựng thương hiệu và bảo vệ tài nguyên môi trường. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đối với vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác, thì cho thực hiện thí điểm trong phạm vi, thẩm quyền của tỉnh.

tri an.jpg
Du khách tham quan hồ Trị An - Vĩnh Cửu

          - Tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch bằng việc tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và hoạt động kinh doanh. Tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh, quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch để hoạt động hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý tài nguyên du lịch trong khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững. Thường xuyên kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác liên quan đến du lịch, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Quan tâm triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong phát triển du lịch. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với hoạt động du lịch. Thường xuyên tiến hành kiểm tra và đôn đốc tiến độ triển khai các dự án du lịch đã được tỉnh thỏa thuận đầu tư, có giải pháp tích cực hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các dự án được triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nhằm phát huy sức mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch. Mở rộng hợp tác các địa phương thuộc các quốc gia, các tổ chức quốc tế có quan hệ hữu nghị với tỉnh Đồng Nai để tranh thủ các cơ hội, nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ du lịch, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm và có hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khuyến khích, khen thưởng các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các cơ sở du lịch, dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, góp phần nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến Đồng Nai.

gioi-tre-sai-thanh-thich-thu-phuot-xuyen-rung-cam-trai-qua-dem-o-vuon-quoc-gia-nam-cat-tien-180247.jpg
Du lịch trãi nghiệm tại vườn quốc gia Cát Tiên

- Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, liên kết các chương trình du lịch và bảo vệ hợp pháp các quyền lợi, chính đáng của doanh nghiệp du lịch… Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch cho các hội viên, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và giải quyết những kiến nghị chính đáng của Hiệp hội Du lịch, nhằm nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc liên kết các hội viên thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển.

Kế hoạch số 118-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành, đã tạo động lực lớn và là cơ hội để thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển hơn nữa. Với những giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội, sẽ góp phần vào việc thúc đẩy du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của tỉnh trong thời gian tới./.

Trọng Thể